Bọ đậu đen xuất hiện gây ảnh hưởng đến đời sống người dân tại xã Minh Long, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở một số huyện của tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai bị bọ đậu đen bay vào nhà dày đặc làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Để làm rõ thông tin về loài côn trùng và phối hợp với địa phương tìm cách giải quyết, ngày 03/06/2016, Viện sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh cùng với Trung tâm Phòng chống Sốt rét - KST - CT tỉnh Bình Phước đã đến huyện Chơn Thành làm việc với Trung tâm Y tế huyện và đi khảo sát thực tế tại một số nhà dân ở xã Minh Long.

Kết quả khảo sát và đề xuất giải quyết

Về loài côn trùng: Đây là loài côn trùng cánh cứng mà người dân địa phương thường gọi là Bọ đậu đen. Tên khoa học là Mesomorphus villiger, thuộc Bộ Coleoptera, Họ Tenebrionidae, Giống Lophocateres.

Sinh thái: Bọ đậu đen thường sống trong đất ẩm thấp, nơi có nhiều xác bã thực vật, vườn cao su, vườn cây ăn trái nhưng không gây hại cho thực vật, không làm ảnh hưởng sức khỏe con người và vật nuôi. Bọ đậu đen thường xuất hiện thành đàn vào đầu mùa mưa, nhất là từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Chúng có tính hướng quang nên buổi tối khi ánh đèn ở các hộ gia đình bật sáng là chúng bay vào nhà.

Bọ đậu đen không chỉ xuất hiện ở ấp 3, ấp 5 xã Minh Long, huyện Chơn Thành mà còn xuất hiện ở nhiều huyện khác thuộc tỉnh Bình Phước như huyện Đồng Phú, huyện Lộc Ninh… và một số tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam bộ như Đồng Nai và Bình Dương.

Qua khảo sát và phỏng vấn trực tiếp ông Đặng Sú Há và ông Trần Sâm là những người dân sống trong các hộ gia đình ở ấp 3, ấp 5 xã Minh Long và một số thông tin khác cho thấy bọ đậu đen xuất hiện từ nhiều năm nay và cứ mùa mưa đến là lại xuất hiện, chúng thường bay vào nhà vào ban đêm khoảng từ 20 - 22 giờ, thường bay thành đám lớn gây tiếng ào ào như mưa lớn trong chớp mắt. Bọ đậu đen thường tập trung nhiều ở các khe gỗ, trong trần nhà, khe ngói, nơi ẩm thấp và những nơi có ánh đèn và thường chỉ bay vào một số nhà nhất định (theo một số cán bộ và nhân dân địa phương có thể do ánh đèn hoặc có thể do mùi của chúng tiết ra hấp dẫn nhau).

Mặc dù bọ đậu đen không làm ảnh hưởng sức khỏe con người, không gây tác hại cho cây trồng và vật nuôi, nhưng vì bọ đậu đen bay vào nhà với mật độ dày đặc và tiết ra chất dịch có mùi hôi khó chịu, người dân phải mất rất nhiều thời gian để thu gom, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí một số nhà phải chuyển đi nơi khác hoặc mang giường chiếu ra vườn để ngủ. Họ đã dùng rất nhiều biện pháp như sử dụng lá cây, lốp cao su để đốt để xua đuổi, thậm chí sử dụng một số loại hóa chất diệt côn trùng (nhóm Pyrethroid) để phun diệt bọ đậu đen nhưng chỉ diệt được khi chúng đã xâm nhập vào nhà, sau khi phun hóa chất đàn bọ khác sau đó vẫn bay vào. Tại một số ổ thiên nhiên ở rừng cây cao su, dưới lớp lá dày cả gang tay nơi có nhiều bọ đậu đen, người dân đã đốt giết chết lớp bọ này nhưng lớp khác lại chui dưới đất lên.

Ý kiến chỉ đạo giải quyết:

Sau khi đi khảo sát tại thực địa và trao đổi thông nhất với các thành viên trong đoàn công tác, PGS. TS. Lê Thành Đồng kết luận và chỉ đạo: Để giải quyết cơ bản và dứt điểm tình hình, cần có sự nghiên cứu đầy đủ các mặt với sự tham gia của các ngành Nông nghiệp, Môi trường. Trước mắt, đề nghị UBND xã và các đơn vị y tế địa phương tăng cường truyền thông, phát động nhân dân tổng vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa, môi trường sống xung quanh, làm mất môi trường thích hợp, mất nơi trú đậu của bọ đậu đen, ban đêm vào giờ hoạt động của bọ đậu đen người dân nên tắt ánh sáng đèn để chúng không vào bay nhà. Khi bọ đậu đen bay vào nhà với có mật độ cao, gây ảnh hưởng lớn tại địa phương sử dụng biện pháp tạm thời phun hóa chất nhóm Pyrethroid (Fendona 10SC, Permethrin 50EC…) để diệt và sau đó vệ sinh ngay nhà cửa, môi trường xung quanh hạn chế chúng xâm nhập lại.

PGS.TS. Lê Thành Đồng; CN.Trần Nguyên Hùng, CN. Đỗ Quốc Hoa

Một số hình ảnh và video về bọ đậu đen