Bệnh sán lá phổi

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1450/2004/QĐ-BYT ngày 26 tháng 4 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh sán lá phổi (Paragonimiasis) ở Việt Nam do loài sán lá Paragonimus heterotremus ký sinh trong phổi hoặc màng phổi gây nên.

2. Phân bố
Bệnh sán lá phổi được xác định lưu hành ở ít nhất 8 tỉnh phía Bắc: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An. Có nơi tỷ lệ nhiễm tới 15% như ở Sơn La.

3. Chu kỳ phát triển của sán lá phổi

1. Sán lá phổi đẻ trứng, trứng theo đờm qua họng ra ngoài hoặc theo phân khi nuốt đờm, trứng rơi xuống nước.
2. Ở môi trường nước trứng phát triển và nở ra ấu trùng lông.
3. Ấu trùng lông chui vào ốc để phát triển thành ấu trùng đuôi.
4. Ấu trùng đuôi rời ốc bơi tự do trong nước, xâm nhập vào tôm cua nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành ấu trùng nang ở trong thịt và phủ tạng của tôm, cua.
5. Người (hoặc động vật) ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín như: cua nướng, mắm cua, uống nước cua sống thì sau khi ăn: ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng rồi từng đôi một xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào phế quản để làm tổ ở đó.
6. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng đến khi có sán trưởng thành khoảng 5-6 tuần.

4. Chẩn đoán
4.1. Tiền sử:
- Đã từng ăn cua đá (Potamicus ) chưa nấu chín (cua nướng…) hoặc sống ở trong vùng có cua đá.

4.2. Lâm sàng
- Ho ra máu (thường ra ít một lẫn với đờm, màu đỏ tươi, hoặc đỏ thẫm, hoặc màu rỉ sắt, cũng có khi ho ra nhiều máu tươi một lúc).
- Ho ra máu từng đợt trong năm và có khi kéo dài trong nhiều năm.
- Thường không kèm theo sốt, không có tình trạng nhiễm trùng (trừ trường hợp bội nhiễm), cơ thể ít suy sụp (khác với bệnh lao và các bệnh phổi khác).
- Có hội chứng 3 giảm ở đáy phổi (nếu sán ở trong màng phổi có thể gây tràn dịch màng phổi).

4.3. Xét nghiệm
- Xét nghiệm có trứng sán lá phổi trong đờm hoặc trong phân hay trong dịch màng phổi là tiêu chuẩn chẩn đoán xác định.
- X quang phổi có nốt mờ, mảng mờ, có hình hang nhỏ và chủ yếu ở vùng thấp (nếu sán ở trong phổi) hoặc hình ảnh tràn dịch màng phổi (nếu sán ở trong màng phổi).
- Xét nghiệm máu: Bạch cầu ái toan thường tăng cao.

5. Điều trị
- Praziquantel: 75 mg/ kg/ ngày, chia 3 lần cách nhau 4-6 giờ x 2 ngày.
- Trong điều trị sán lá phổi có thể ho ra nhiều máu một lúc, cần cho bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối và cho thuốc cầm máu, giảm ho.
- Những trường hợp chóng mặt, nhức đầu… chỉ cần nằm nghỉ, uống nước chanh đường hoặc nước hoa quả.
Lưu ý: phần chống chỉ định, các lưu ý khi dùng praziquantel và xử trí với các tác dụng không mong muốn của praziquantel như đã nêu ở phần điều trị bệnh sán lá gan nhỏ.

6. Tiêu chuẩn khỏi bệnh
- Kết quả xét nghiệm phân và đờm âm tính sau điều trị 3-4 tuần (Xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày liên tục).

7. Phòng bệnh
- Không ăn sống cua đá hoặc cua chưa nấu chín dưới mọi hình thức như: cua nướng, mắm cua, uống nước cua sống…

Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh giun sán ở Việt Nam- Bộ Y tế-2009


Bs. Đặng Thị Nga