Nhân 2 trường hợp nhiễm giun lươn (Strongyloides Stercoralis) được điều trị khỏi

Tại Phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người đến khám đã đặt ra câu hỏi “Nhiễm Giun lươn biểu hiện bệnh như thế nào, có chữa khỏi được không?”

Hình ảnh giun lươnvà ấu trùng giun lươn dưới da

Để trả lời câu hỏi của những người quan tâm, chúng tôi mô tả kết quả điều trị 2 trường hợp nhiễm giun lươn thuộc 2 địa phương khác nhau đã được điều trị khỏi vào tháng 4 - 5/2014 như sau:

- Trường hợp thứ nhất: Bà Vũ Thị H, sinh năm 1968, làm nghề nấu ăn cho một khách sạn nhỏ tại Vũng Tàu, trước khi đến khám bệnh, bà có bị viêm tai giữa, được bác sỹ điều trị bằng thuốc kháng sinh và Corticoid trong 2 tháng. Do ăn không tiêu, đau vùng bụng bên phải, đi ngoài nhiều lần phân lỏng, đặc biệt là ngứa nhiều ở 2 cẳng tay, cẳng chân, lưng và bụng, ngứa nhiều về đêm…, bà đến phòng khám do người bạn giới thiệu. Khi tiếp nhận và khám cho bà H, chúng tôi phát hiện mặt trong cẳng tay phải có nhiều nốt nhỏ ngoằn ngoèo nổi lên nghi là ấu trùng giun, mạch, HA bình thường, bệnh nhân đau nhẹ ở vùng gan và mũi ức. Làm xét nghiệm máu: bạch cầu đa nhân ái toan (Eos) >40%, xét nghiệm miễn dịch men ELISA dương tính với kháng nguyên giun lươn.

- Trường hợp thứ 2: Ông Nguyễn Tường A sinh 1957 làm nghề lái xe, nhà ở quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh, ông A ăn chay trường, thường xuyên ăn rau sống. Do từ đầu năm 2014 ông thường hay bị nổi mẩn ngứa khắp người, đã điều trị ngứa tại một số phòng khám da liễu, bôi và uống nhiều thuốc mà vẫn bị ngứa, ngày càng ngứa nhiều hơn và kèm đau bụng…tình cờ đi qua phòng khám ông yêu cầu bác sỹ kiểm tra xem bị sao. Khám cho ông A chúng tôi phát hiện vết gãi trầy xước nhiều ở vùng bụng, lưng, mặt trong cẳng tay, chân; một bên mắt sưng húp, đỏ; đau bụng vùng gan, mạch bình thường, HA hơi cao 135/90 mmHg. Xét nghiệm máu: bạch cầu đa nhân ái toan (Eos) >40%, xét nghiệm miễn dịch men ELISA dương tính với kháng nguyên Giun lươn.

Tiến hành điều trị Giun lươn cho 2 người bệnh kể trên, chúng tôi cho sử dụng các loại thuốc đặc trị như: Thiabendazole, Albendazole…thuốc kháng Histamine và một số thuốc hỗ trợ khác.

Sau một thời gian điều trị các triệu chứng lâm sàng đã giảm hẳn, các xét nghiệm trở lại bình thường, bệnh đã hết.

Như vậy, ở 2 trường hợp trên, người bệnh đã tìm đến đúng cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời, đã được chữa khỏi hoàn toàn và không để lại bất kỳ di chứng nào. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời Giun lươn sẽ di chuyển đến các cơ quan, phủ tạng gây bệnh:

- Tấn công hệ thống thần kinh: ấu trùng Giun lươn phát triển trong lòng ruột sau đó xuyên qua thành ruột, theo máu đi thẳng lên hệ thống thần kinh trung ương gây viêm não, màng não, áp-xe não và xuất huyết não… Đây là một trong những tổn thương nặng nề, nguy hiểm và có thể gây tử vong;

- Vào hệ thống hô hấp: chui vào hệ thống hô hấp Giun lươn và ấu trùng của nó gây ra viêm phổi, áp-xe phổi, xuất huyết phổi...;

- Vào hệ thống tuần hoàn: sự di chuyển tự do của Giun lươn và ấu trùng trong cơ thể kéo theo việc bội nhiễm vi khuẩn gây nên nhiễm trùng huyết. Biến chứng của viêm da là một trong những nguyên nhân gây biến chứng này;

- Vào hệ thống tiêu hóa: Giun lươn sống trong thành ruột đẻ trứng ở đó gây biến chứng viêm ruột, tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, tắc nghẽn đường mật;

- Vào hệ thống thần kinh: ấu trùng Giun lươn xuyên qua thành ruột, theo máu đi thẳng lên hệ thống thần kinh trung ương gây viêm não, màng não, áp-xe não và xuất huyết não… Đây là tổn thương nặng nề, nguy hiểm và tử vong nhiều nhất.

Để tránh những biến chứng nguy hiểm và phòng chống bệnh do Giun lươn gây ra, Bộ y tế đã khuyến cáo phòng bệnh hơn chữa bệnh và đưa ra các biện pháp phòng chống nhằm chống nhiễm bệnh, tái nhiễm và lây lan trong cộng đồng:

1 - Vệ sinh môi trường: Quản lý tốt phân, nước, rác;

2 - Vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi;

3 - Áp dụng các biện pháp phòng hộ trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Những người thường hay tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng;

4 - Nên chủ động khám, xét nghiệm định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm một lần;

5 - Nâng cao sức đề kháng cơ thể, ăn nhiều rau (đã rữa sạch), trái cây tươi, luyện tập thể thao hàng ngày để bảo vệ và tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tránh tình trạng suy giảm miễn dịch làm bùng phát bệnh giun lươn lan tỏa.

Bs. Hoàng Ngọc Hùng