Phác đồ điều trị bệnh giun xoắn

1. Nguyên nhân gây bệnh
Giun xoắn là loại ký sinh trùng thuộc ngành giun tròn. Bệnh giun xoắn do loài giun Trichinella spiralis ký sinh ở ruột non . Người mắc bệnh giun xoắn do ăn phải thịt lợn hoặc thịt chuột có kén giun xoắn chưa được nấu chín.

2. Chu kỳ phát triển của giun xoắn.


Người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và sau 1-2 giờ di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4-5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng. Một giun xoắn cái có thể đẻ từ 500 - 1.000 ấu trùng trong thời gian khoảng 4-6 tuần. Ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh, tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm. Khoảng vài tuần sau ấu trùng giun xoắn từ máu vào cư trú ở cơ vân (tạo thành kén). Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hoá dần. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.

3. Phân bố
Bệnh giun xoắn có thể gặp ở khắp nơi trên thế giới, tỷ lệ mắc phụ thuộc vào tập quán ăn sống, ăn tái. Ở những vùng mổ lợn không có kiểm tra của Thú y và dân có tập quán ăn sống, ăn tái, ăn tiết canh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín sẽ mắc bệnh giun xoắn với tính chất dịch.

4. Chẩn đoán
4.1. Triệu chứng lâm sàng
+ Phù mi mắt là dấu hiệu sớm và đặc trưng của bệnh, đôi khi phù cả đầu hoặc lan xuống cổ và chi trên. Đôi khi phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc.
+ Đau cơ xuất hiện khi thở sâu, ho, khi nhai, nuốt, đại tiện, đau cả mặt và cổ, đau khi vận động và cả khi ăn, nói. Do đau dẫn đến co cứng cơ và hạn chế vận động
+ Sốt nhẹ sau tăng dần, sau 2-3 ngày thân nhiệt lên tới 39-40oC.
+ Có thể gặp các triệu chứng khác như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức.
+ Các biến chứng về tim mạch và thần kinh: trường hợp nặng, tử vong do suy cơ tim có thể xảy ra ngay tuần đầu hoặc tuần thứ 2. Các biến chứng có thể xuất hiện ở tuần thứ 3 thứ 4 của bệnh như viêm cơ, viêm phổi, viêm não gây tử vong. Tuỳ theo mức độ nhiễm ấu trùng giun xoắn,
tỷ lệ tử vong từ 6-30%.

4.2.Triệu chứng cận lâm sàng
+ Tăng bạch cầu ái toan ngay từ những ngày đầu và cao nhất vào tuần thứ 3 của bệnh và kéo dài tới 2-4 tháng sau khi khỏi bệnh. Thể nhẹ, bạch cầu ái toan tăng 15-30%; thể nặng tăng tới 50-60%.
- Phát hiện kháng thể kháng giun xoắn (ELISA dương tính).
- Soi phân: có thể thấy giun xoắn trưởng thành hoặc ấu trùng trong phân (giai đoạn đầu).
- Sinh thiết cơ vận động có thể thấy những nang ấu trùng giun xoắn ở giai đoạn toàn phát.

4.3. Chẩn đoán phân biệt
Với một số bệnh tương tự: cần phân biệt với nhiễm xoắn khuẩn leptospira, viêm da, viêm phế quản dị ứng, viêm phổi, cúm...

5. Điều trị
- Praziquantel liều 10 mg/kg cân nặng/ngày x 2 ngày hoặc liều 75 mg/kg cân nặng/ngày chia làm 3 lần. Có thể kết hợp với corticoid để làm giảm phản ứng dị ứng.
- Albendazole hoặc liều 15 mg/kg cân nặng/ngày x 7 ngày.
- Thiabendazol liều 25 mg/kg cân nặng/ngày x 24 ngày (chia làm 2 lần sau khi ăn). Thiabendazol có thể gây chậm tiêu, chóng mặt, đau thượng vị hoặc buồn nôn. Không dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

6. Phòng bệnh
Không ăn thịt sống, tái, tiết canh.

Nguồn: http://vncdc.gov.vn/index.php/category-table/201-giun-xoan

Bs. Đặng Thị Nga
Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,