Xét nghiệm tìm ấu trùng giun chỉ bạch huyết

Bệnh giun chỉ bạch huyết hay còn được gọi là bệnh phù chân voi. Bệnh do nguyên nhân Wuchereria bancrofti (Cobbold, 1877), Brugia malayi (Brug, 1927) và Brugia timori (Partono, Atmosoedjomo, Demijati và Cross, 1977)[1] gây ra.

Ở nước ta, mới chỉ gặp hai loài Wuchereria bancrofti Brugia malayi. Sự lưu hành bệnh giun chỉ phụ thuộc vào mật độ ấu trùng giun chỉ trong máu người bệnh. Triệu chứng lâm sàng thường khó phát hiện trong giai đoạn đầu của bệnh.Trường hợp bệnh nhân sống trong vùng bệnh lưu hành, có triệu chứng phù voi, tiểu ra dưỡng chấp thì chẩn đoán dễ dàng hơn. Đối với người sống ngoài vùng lưu hành bệnh, việc chẩn đoán lâm sàng gặp nhiều hạn chế. Vì vậy phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm phát hiện ấu trùng giun chỉ.

Phương pháp xét nghiệm máu ngoại vi vào ban đêm khá phổ biến nhưng gây phiền hà cho cả người bệnh lẫn nhân viên y tế. Để khắc phục vấn đề này nên dùng phương pháp xét nghiệm máu vào ban ngày.

Cơ chế bệnh sinh[2],[3]

Nói tới bệnh giun chỉ bạch huyết người ta thường nghĩ ngay đến biến chứng phù chân voi. Đúng vậy, một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là phù chân voi và tiểu dưỡng chấp, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và công việc của họ, nét thẩm mỹ bị phá hủy,ảnh hưởng rất lớn trong việc gia nhập và hòa hợp cộng đồng.

Một khi xác giun chỉ và ấu trùng giun chỉ làm tắc nghẽn ống bạch mạch, các hệ thống van bạch huyết bị phá hủy gây nên hiện tượng trào ngược dòng; mạch bạch huyết dưới chỗ tắc sẽ dãn ra và cộng thêm độc tố giun chỉ tiết ra khiến cho viêm mạch bạch huyết. Tất cả những tình trạng trên sẽ dẫn đến áp lực bạch mạch ở đoạn dưới chỗ bít tắc tăng lên, các tổ chức thẩm thấu và các ống dẫn bị rạn nứt tạo nên những đường rò vào bể thận, gây nên hiện tượng đái dưỡng chấp. Cùng một cơ chế như vậy, bạch huyết có thể tràn vào các tổ chức khác, gây ra nhiều hiện tượng bệnh lý rất đa dạng như:

  • Tràn dưỡng chấp màng phổi;
  • Tràn dưỡng chấp phúc mạc, màng bụng;
  • Bìu voi, chân voi, âm hộ da voi (biểu hiện phù lúc này rất nặng);
  • Tràn dưỡng chấp màng tinh hoàn;
  • U bạch huyết vùng bẹn bìu,…

Việc chẩn đoán bệnh dễ dàng khi có dưỡng chấp xuất hiện trong nước tiểu. Tuy nhiên, muốn xác định chỉ một thận hay cả hai thận đều bị rò dưỡng chấp phải tiến hành soi bàng quang ngược dòng, ngoài ra có thể chụp niệu quản bể thận ngược dòng (UPR) hoặc chụp hệ bạch huyết, cũng có thể chụp thận qua bơm thuốc tĩnh mạch (UIV). Phương pháp UIV không giúp thấy được đường rò mà chúng ta phải chụp đường rò và qua chụp UIV, chúng ta nắm được phần nào chức năng của từng thận.

Khi dưỡng chấp có mặt trong nước tiểu chúng ta gọi đó là tiểu ra dưỡng chấp, bình thường dưỡng chấp chỉ nằm trong hệ bạch huyết mà thành phần chủ yếu là triglyceride: (92%), phospholipid (7%) và cholesterol tự do (1%). Sở dĩ có dưỡng chấp trong nước tiểu là do có đường rò từ hệ thống bạch huyết thông với hệ thống tiết niệu.

Tại Việt Nam, số người bị đái dưỡng chấp khá nhiều, nhất là các vùng lưu hành bệnh giun chỉ, bệnh diễn biến âm thầm nên nhiều người không để ý, cho đến khi phát hiện trong nước tiểu của mình có màu trắng đục như sữa, đôi khi lẫn cả máu, hoặc các nốt mỡ thì đã giai đoạn đang diễn biến. Thực ra, đái dưỡng chấp không phải là bệnh cấp cứu, gây tử vong. Nhưng khi bệnh nặng và kéo dài thì người bệnh dễ suy kiệt do mất các chất dinh dưỡng, bên cạnh đó chế độ ăn quá kiêng khem có thể dẫn đến một số biến chứng đi kèm.

Phương pháp xét nghiệm tìm giun chỉ bạch huyết[1],[2],[4],[5]

Nguồn bệnh chủ yếu là người bị nhiễm ấu trùng giun chỉ (đối với giun chỉ trưởng thành thì cách tìm ra chúng khó khăn hơn), ở những người bệnh đã có biến chứng phù voi, đi tiểu ra dưỡng chấp ít có vai trò truyền bệnh, tỷ lệ phát hiện tìm thấy ấu trùng trong máu rất thấp (khoảng 3-5% bệnh nhân)[5].

Nguyên tắc là lấy máu về ban đêm (từ 24 giờ đến 2 giờ sáng) làm tiêu bản giọt dầy nhuộm giemsa hoặc soi tươi tìm ấu trùng giun chỉ là phương pháp thông dụng nhất. Nhưng nếu mật độ ấu trùng trong máu ít thì sác xuất dương tính sẽ thấp. Trong trường hợp đó cần áp dụng các phương pháp tập trung ấu trùng như (Knote, Harris, phương pháp màng lọc Millipore), đây là các phương pháp kỹ thuật cao, đòi hỏi máy móc, hóa chất phức tạp. Các phương pháp này thực hiện như sau:

Phương pháp Knote

Lấy 2 ml máu cho vào ống nghiệm có chứa sẵn 10 ml formalin 2%, ly tâm lấy cặn, làm tiêu bản máu giọt dày, nhuộm giemsa, soi kiểm tra phát hiện ấu trùng bằng kính hiển vi.

Phương pháp Harris

Lấy 4 ml máu cho vào ống nghiệm có chứa sẵn 1 ml heparin, 4 ml saponin 2%, ly tâm, quan sát phát hiện ấu trùng ở phần cặn lắng.

Phương pháp màng lọc Millipore

Lấy 1 ml máu tĩnh mạch vào bơm tiêm chuyên dụng, hút thêm 4 ml nước cất, lắc trong ống tiêm cho máu huyết tán hoàn toàn, bơm qua màng lọc; sau đó lại hút thêm 5 ml nước cất vào bơm tiêm và bơm qua màng lọc. Tiếp tục làm như vậy từ 4 đến 5 lần cho đến khi nước trong, bơm không khí qua màng lọc từ 4 đến 5 lần. Lấy màng lọc ra, để úp mặt trên lam kính, nhuộm màng lọc bằng giemsa, rửa nhanh, để khô và kiểm tra phát hiện ấu trùng trên kính hiển vi.

Để khắc phục nhược điểm, hạn chế do phải tiến hành kỹ thuật lấy máu vào buổi tối, một số phương pháp khác được áp dụng để phát hiện bệnh vào ban ngày như: phương pháp của hai nhà khoa học Sulival và Partono về việc cho dùng thuốc Diethylcarbamazine (DEC) 100 mg; ngoài ra người ta cũng có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm nước tiểu, miễn dịch, siêu âm...

Phương pháp xét nghiệm máu ngoại vi vào ban ngày:

Đây là phương pháp do nhà khoa học Sulival (1970) và Partono (1972) đã nghiên cứu ứng dụng xua ấu trùng giun chỉ xuất hiện trong máu ngoại vi vào ban ngày để lấy lam máu xét nghiệm. Cho người bệnh uống thuốc Diethylcarbamazine (DEC) 100 mg, thuốc sẽ có tác dụng xua ấu trùng giun chỉ ra máu ngoại vi vào ban ngày do thuốc có tác dụng giãn mạch. Sau khi uống thuốc khoảng 30 phút, lấy máu ngoại vi làm tiêu bản máu giọt dày, nhuộm giemsa, soi kiểm tra trên kính hiển vi để phát hiện ấu trùng. Phương pháp này đạt kết quả dương tính đến 90% so với lấy máu xét nghiệm vào ban đêm.

Phương pháp xét nghiệm nước tiểu

Trong trường hợp bệnh nhân tiểu ra dưỡng chấp, lấy nước tiểu ly tâm lấy cặn nhuộm giemsa soi.

Chẩn đoán miễn dịch học

Phát hiện kháng thể trong huyết thanh bằng kỹ thuật miễn dịch ELISA hoặc miễn dịch huỳnh quang.

Tuy nhiên các phương pháp xét nghiệm nước tiểu hay miễn dịch học đạt kết quả dương tính khá thấp..

Ngoài ra, một số phương pháp cận lâm sàng khác dùng để chẩn đoán bệnh giun chỉ bạch huyết: siêu âm, sinh thiết hạch bạch huyết phát hiện giun chỉ trưởng thành trong hạch và mạch bạch huyết, đối với W.bancrofti làm test chẩn đoán nhanh ICT (Immunochromatographic Test) có thể xét nghiệm máu ban ngày.

Bs Trần Văn Dũng

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Thị Xuân (2013), Ký sinh trùng y học, Nxb Y học, tr 224 - 229.
  2. Ấu trùng giun chỉ có thể xét nghiệm máu phát hiện vào ban ngày, http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=1068&ID=4724, xem ngày 6/10/2014.
  3. Cập nhật thông tin về Bệnh giun chỉ bạch huyết và thái độ xử trí triệu chứng đái dưỡng chấp (Updating of Lymphatic filariasis and treatment of chyluria symptom), http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoPreview.jsp?ID=1618, xem ngày 6/10/2014
  4. Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sàng, Nxb Y học, tr 47 - 53.
  5. Bộ Y tế (2002), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh giun chỉ bạch huyết tại các cơ sở khám chữa bệnh (có điều kiện xét nghiệm phát hiện ấu trùng và theo dõi điệu trị) (ban hành kèm theo Quyết định số 5047/2002/QĐ-BYT ngày 16/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế).