Đôi điều cần biết về bệnh heo gạo ở người

Bệnh heo gạo có tên khoa học Cysticercus cellulosae là bệnh gây ra bởi ấu trùng sán dải heo (sán dây lợn), có tên khoa học Toenia solium. Thông thường loại sán này trưởng thành gây bệnh cho người luôn ký sinh tại ruột non nhưng do chu trình phát triển trong cơ thể người diễn ra không thành một chu kỳ hoàn chỉnh, nên có hiện tượng một số ấu trùng sán lạc chỗ, gây bệnh ở các cơ quan như não, cơ, mô dưới da ...vv.. (không phải trong lòng ruột non), đồng thời ấu trùng này phát triển đi vào ngõ cụt và không thể thành sán trưởng thành.

1. Hình thể và một số đặc điểm của bệnh

Hình thể heo gạo là một bọc màu trắng đục (hay còn gọi là nang sán), bên trong có chứa đầu sán và chất dịch khi chúng cư trú tại các cơ quan. Nguyên nhân mắc bệnh gạo heo là do người bệnh nuốt phải trứng sán Toenia solium hoặc do hiện tượng phản nhu động ruột mà trứng sán già bị đưa ngược trở lại đoạn đầu ruột non (mà lẽ ra chúng phải được đẩy ra ngoài theo đường phân để tiếp tục chu kỳ ở ngoài cơ thể người), rồi trứng tiếp tục theo đường tiêu hóa, vào máu đi chu du khắp cơ thể và gây bệnh tại những nơi chúng trú lại. Phân bố bệnh Cysticercus cellulosae rộng khắp mọi nơi, đặc biệt là những vùng chăn nuôi heo thiếu quản lý chặt chẽ chất thải từ heo và quá trình kiểm duyệt an toàn thực phẩm từ heo không đảm bảo.

Đầu sán dải heo (sán dây lợn)

2. Các dấu hiệu của bệnh heo gạo ở người

Thông thường khi mới nhiễm sán thì một số có biểu hiện các dấu hiệu như chán ăn, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhưng phần lớn lại diễn ra âm thầm, lặng lẽ với các triệu chứng mờ nhạt. Tuy nhiên khi ấu trùng gây bệnh heo gạo cho người thì các triệu chứng thể hiện tùy thuộc vào cơ quan chúng gây bệnh như:

- Gạo heo ở não; Nếu ấu trùng sán định cư tại não thì chúng có thể gây ra tăng áp lực nội sọ gây nhức đầu, động kinh cục bộ, suy giảm trí tuệ, yếu, liệt chi thậm chí có thể rối loạn tâm thần. Tất cả các triệu chứng trên ở mức độ nào còn tùy thuộc vào số lượng và vị trí định cư của ấu trùng sán trong não người.

- Heo gạo ở mắt: Ấu trùng có thể định cư tại hốc mắt, mí mắt, kết mạc mắt hoặc trong mắt chúng có thể gây ra những rối loạn thị gác và tùy vào vị trí của ấu trùng định cư ở mắt.

- Heo gạo ở trong tế bào cơ: ít có biểu hiện lâm sàng trừ khi với số lượng nhiều chúng có thể gây đau cơ và sau thời gian dài chúng sẽ bị vôi hóa ngay trong cơ, nơi chúng định cư.

- Heo gạo ở dưới da: có thể thấy những nốt lổn nhổn có thể sờ thấy rõ, đôi khi chúng gây ngứa.

Ấu trùng heo gạo ở tổ chức não

3. Chẩn đoán bệnh heo gạo cho người

- Để chẩn đoán bệnh Cysticercus cellulosae, đối với sán trưởng thành sống trong ruột thì ngoài các dấu hiệu lâm sàng, chỉ cần xét nghiệm phân tìm trứng vì các đốt sán già (có chứa trứng) sẽ theo phân thụ động ra ngoài. Tuy nhiên cần phân biệt với sán Taenia saginata (sán dây bò hay sán dải bò) cũng gây bệnh cho người nhưng chỉ có sán trưởng thành sống trong ruột mà ấu trùng không gây bệnh gạo như sán dây lợn, đồng thời đốt sán già Taenia saginata lại tích cực chui ra khỏi hậu môn nên có khi bệnh nhân thấy các đốt sán xuất hiện trên giường hay trong quần khi ngủ.

- Để chẩn đoán bệnh Cysticercus cellulosae đối với ấu trùng sán gây bệnh ngoài ruột thì ngoài các triệu chứng lâm sàng tại các nơi ấu trùng ký sinh, có thể làm xét nghiệm huyết thanh ELISA để phát hiện, tuy nhiên chúng có thể dương tính chéo với các loại sán dây khác nên cần kết hợp nhiều yếu tố khác như yếu tố dịch tễ để chẩn đoán.

4. Điều trị bệnh và phòng bệnh heo gạo

- Điều trị bệnh Cysticercus cellulosae nói chung ngoài các thuốc đặc hiệu là Albendazole và praziquantel cần phải điều trị kết hợp các triệu chứng, di chứng mà ấu trùng Toenia solium gây ra cho những cơ quan tổ chức khác nhau trong cơ thể. Trong trường hợp những nang sán ở những vị trí có thể can thiệp bằng phẫu thuật lấy nang sán thì tiến hành phẫu thuật.

- Để phòng bệnh sán nói chung và heo gạo nói riêng cần đảm bảo ăn, uống hợp vệ sinh, không ăn heo bị bệnh gạo đồng thời quản lý và xử lý tốt nguồn chất thải (phân) của người và heo, bò (đặc biệt những khu chăn nuôi heo, bò).


ThS. Mai Anh Lợi