Sán lá Dicrocoelium dendriticum

Dicrocoelium dendriticum là một loài sán lá thường ký sinh trong gan động vật nhai lại (trâu, bò) nhưng cũng có thể phát hiện ở các loài động vật ăn cỏ khác, động vật ăn thịt và cả con người.

D. dendricitum hiếm khi gặp trên người. Tuy nhiên, y văn thế giới đã ghi nhận khoảng 100 trường hợp nhiễm sán này ở người.
1. HÌNH THỂ:
D. dendricitum có thân hình thon, phẳng và bán trong suốt (semitransparent). Chiều dài cơ thể là 6 - 10 mm, bề ngang 1,5 - 2,5 mm, các tuyến noãn hoàng (vitellaria) ở khu vực giữa, tinh hoàn thùy ở phần bụng trước, tử cung ở phần sau, miệng ở phía trên cuối của cơ thể.
Trứng có vỏ dày, màu nâu sẫm, dài 35 - 45 µm, rộng 22 - 30 µm, trứng đã có phôi đầy đủ khi thải ra ngoài theo phân.

Hình 1 : Sán trưởng thành
(Nguồn: VIỆN SỐT RÉT TP.HCM)

Hình 2: Sán trưởng thành nhuộm màu với Carmine.
Gồm: miệng (OS), ổ cối (AC), tử cung (UT), tinh hoàn (TE ), và các tuyến noãn hoàng (VT ).
(Nguồn: VIỆN SỐT RÉT TP.HCM)

Hình 3: Tiêu bản trứng sán
(Nguồn: VIỆN SỐT RÉT TP.HCM)

Hình 4 : Trứng sán
(Nguồn: VIỆN SỐT RÉT TP.HCM)

2. ĐẶC ĐIỂM DỊCH TỄ
Ký chủ: Động vật nhai lại như bò, trâu, cừu thường là vật chủ chính nhưng con người và động vật có vú ăn cỏ khác cũng có thể là vật chủ của khi ăn phải kiến bị nhiễm D. dendriticum.
Vật chủ trung gian truyền bệnh: vật chủ trung gian thứ nhất là ốc Zebrina spp. và Cionella spp., vật chủ trung gian thứ hai là kiến Formica fusca.

Hình 5: Ốc Zebrina detrita

(Nguồn: CDC)

Hình 6: Kiến Formica fusca

(Nguồn: CDC)

Đường lây truyền: Những động vật như bò, trâu động vật cỏ khác động vật ăn thịt và con người bị nhiễm là do nuốt phải kiến có mang ấu trùng đuôi.
Phân bố địa lý:D. dendriticum lưu hành hoặc có khả năng lưu hành ở 30 quốc gia, được tìm thấy trên khắp châu Âu (Nga, Thụy Sĩ, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ), Trung Đông (Iran), châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam), châu Phi (Ghana, Nigeria, Sierra Leone), Bắc và Nam Mỹ và Úc.

Hình 7: Phân bố địa lý D. Dendriticum

(Nguồn: http://web.stanford.edu/)

3. CHU KỲ PHÁT TRIỂN

Trứng có chứa phôi được thải ra ngoài theo phân (1). Ốc ăn phải những quả trứng (2). Nhiều loài ốc là vật chủ trung gian thứ nhất như: Zebrina spp.Cionella spp. Khi trứng vào ốc nở thành ấu trùng lông (2a), ấu trùng lông xuyên qua thành ruột ốc đến vào các mô liên kết mạch máu lân cận và trở thành sporocysts (2b). Các sporocysts di chuyển đến bộ phận tiêu hóa và phóng thích nhiều sporocysts con cái, mỗi sporocyst cái phát triển thành một ấu trùng đuôi (2c). Ấu trùng đuôi di chuyển đến đường hô hấp được sản sinh ra trong bóng chất nhờn của ốc (3). Khi kiến ăn chất nhờn này, các ấu trùng vào kiến và trở nên tự do trong ruột và di chuyển đến khoang bụng trở thành nang trùng (4). Kiến là vật chủ trung gian thứ hai, đặc biệt là các thành viên của các giống Formica. Trâu, bò hoặc người ăn phải kiến bị nhiễm ấu trùng (5), vào ruột non, ấu trùng di chuyển đến ống mật phát triển thành con trưởng thành (6 ,7).

Hình 8: Chu trình phát triển của D. dendriticum (Nguồn: CDC)

4. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Hiện nay, chưa xác định được thời gian ủ bệnh. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng là nhẹ (đau bụng mật, rối loạn tiêu hóa) và không có triệu chứng. Trường hợp nặng, các triệu chứng có thể bao gồm: viêm túi mật, áp xe gan, xơ gan và đau bụng trên.

5. CHẨN ĐOÁN

Xác định bằng soi kính hiển vi tìm trứng trong phân hoặc dịch tá tràng. Nếu trứng được tìm thấy trong phân, nó có thể đại diện cho dương tính giả là do ăn gan động vật bị nhiễm bệnh còn sống. Do đó, việc xét nghiệm trong dịch mật hoặc dịch tá tràng tìm trứng là một kỹ thuật chẩn đoán chính xác.

6. ĐIỀU TRỊ

Ở người, việc chẩn đoán dicrocoeliasis thường dựa trên soi tìm trứng ký sinh trùng trong phân sau khi ăn gan động vật bị nhiễm bệnh, bệnh thực sự là rất hiếm. Bệnh đã được điều trị thành công với praziquantel

Praziquantel: 25 mg / kg x 3 lần / ngày x 2 ngày.

Praziquantel không dùng để điều trị trẻ em dưới 4 tuổi.

7. PHÒNG CHỐNG

Chiến lược phòng ngừa y tế công cộng để loại trừ lây nhiễm sán lá gan có liên quan đến khả năng lây truyền qua thực phẩm.

Ngoài ra, trong năm 2007, Tổ chức Y tế Thế giới đưa D. dendriticum vào danh sách gánh nặng bệnh tật do thực phẩm.

CN. Dương Công Thịnh, CN. Nguyễn Thị Mộng Siêng

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Vinh Hiển, Trần Thị Kim Dung (2008), Ký sinh trùng liên quan giữa thú và người, NXB Y học, tr.68
2. CDC, Dicrocoeliasis, https://www.cdc.gov/dpdx/dicrocoeliasis/tx.html, truy cập ngày 23/5/2016.
3. Dicrocoeliasis, http://web.stanford.edu/group/parasites/ParaSites2009, truy cập ngày 23/5/2016.

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,