Viêm màng não ký sinh trùng

1. Khái niệm viêm màng não và viêm màng não ký sinh trùng

1. 1. Viêm màng não?

Viêm màng não là tình trạng viêm của các màng bảo vệ bao quanh não bộ và tủy sống, gọi chung là màng não. Nguyên nhân gây viêm màng não thường gặp gồm có các vi trùng, virus, vi nấm và ký sinh trùng. Bên cạnh đó, một số tác nhân vật lý, hóa học, thuốc và các tế bào ung thư cũng có thể gây ra bệnh của màng não

1.2. Viêm màng não ký sinh trùng

Viêm màng não do ký sinh trùng là một trong những nguyên nhân gây viêm màng não tăng bạch cầu ái toan thường gặp nhất, tác nhân gây bệnh là một ký sinh trùng nào đó. Người mắc bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan là khi có trên 10 bạch cầu ái toan/mm3 dịch não tủy hoặc thành phần bạch cầu ái toan chiếm trên 10% các tế bào trong dịch não tủy. Tác nhân lây nhiễm xâm nhập chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn các thức ăn còn sống có chứa mầm bệnh, một số trường hợp hiếm gặp mầm bệnh có thể xuyên qua da người khi làm việc trong môi trường có mầm bệnh ký sinh trùng này.

Các loại ký sinh trùng được biết có liên quan với viêm màng não gồm có: giun mạch (Angiostrongylus cantonensis), giun đầu gai (Gnathostoma spinigerum), sán máng (Schistosoma haematobium), nang sán heo (Cysticercus cellulosae), giun đũa chó/mèo (Toxocara canis/Toxocara catis), và sán lá phổi (Paragonimus westermani).

Lưu hành chủ yếu ởvùng Đông Nam Á, các đảo Thái Bình Dương, châu Phi và vùng Caribê. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc và Nhật Bản.

3. Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não ký sinh trùng

3.1. Bệnh do giun mạch: Giun mạch A. cantonensis là nguyên nhân gây viêm màng não ký sinh trùng hay gặp nhất. Ấu trùng giun mạch có tính ưa thần kinh.

Ổ chứa: Chuột (Loài RattusBandicota). Giun mạch ký sinh ở động mạch phổi của chuột nên còn được gọi là “giun ở phổi chuột”, đẻ trứng trong các động mạch và nở thành các ấu trùng giai đoạn 1. Các ấu trùng này xuyên qua thành động mạch đi vào các phổi và di cư lên các phế quản rồi xuống ruột, thải ra ngoài theo phân.

Con người: ăn phải ốc sên mang ấu trùng không được nấu chín hay ăn rau sống có dính chất nhờn do ốc sên hay các loài nhuyễn thể khác tiết ra. Ở ruột, ấu trùng xuyên thành ruột di cư lên não và tủy sống, gây viêm màng não (nhưng rất ít khi gây tổn thương cho nhu mô não và tủy sống) và lên mắt, gây giảm thị lực hay mù một mắt.

Triệu chứng: Viêm màng não bạch cầu ái toan thấy sau 2 tuần và tử vong chỉ 2-3%. Nhớ rằng ở người, trên bề mặt não và tủy sống, ký sinh trùng trở thành ấu trùng giai đoạn cuối mà không thể phát triển thành giun trưởng thành như ở chuột. Có một loại giun mạch khác là A. costaricensis, sống trong các động mạch nhỏ mạc treo ruột ở vùng hồi-manh tràng, gây viêm ruột vùng hồi-manh tràng cho chuột và người là những ký chủ cuối cùng.

Hình 1. Chu kỳ phát triển của Angiostrongylus cantonensis

Hình 2. Giun cái trưởng thànhAngiostrongyluscantonensis
(Nguồn: wiki/Angiostrongylus_cantonensis)

3.2. Bệnh do giun đầu gai: Ấu trùng của giun đầu gai có thể di chuyển dưới da, đi đến các nội tạng, hệ thần kinh, ổ mắt.

Ổ chứa: Heo, mèo, chó….. Đây là bệnh truyền từ động vật sang người, chúng bám lên thành ruột của các động vật như heo, mèo, chó, sau đó được thải ra phân và phát triển thành phôi bào trong môi trường nước, chúng phát triển trong các ký chủ trung gian (các loại cá, ếch, rắn nước).

Con người: Ăn các loại thức ăn chế biến từ cá, gia cầm, rắn mang ấu trùng hay uống nước có ấu trùng không được nấu chín.

3.3. Bệnh nhiễm giun đũa chó và giun đũa mèo

Ổ chứa: Chó, mèo.

Con người: Ăn phải những thức ăn có nhiễm trứng giun này (do ruồi mang đến), hay do nhiễm trứng giun từ bàn tay do tiếp xúc với đất nhưng không được rửa trước khi ăn. Trong cơ thể, ấu trùng của giun đũa chó/mèo có thể di cư đến nhiều vùng khác nhau, đến vùng nào thì cho triệu chứng ở vùng đó.

Triệu chứng: ngứa da, mù mắt, sưng gan, tràn dịch màng tim hay màng phổi, và viêm màng não.

3.4. Bệnh nang sán lợn: Chu trình sống của ký sinh trùng sán lợn: sán lợn trưởng thành ở trong ruột non của người (người là ký chủ cuối cùng), đẻ ra trứng mang phôi bào, theo phân ra ngoài, khi lợn ăn vào (lợn là ký chủ trung gian) thì đến ruột trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên thành ruột đi đến khắp nơi trong cơ thể heo dưới dạng các nang sán lợn (dân gian gọi là “thịt lợn gạo”).

Con người: Ăn phải “thịt lợn gạo” sống (nem chua) hay chỉ nấu tái thì ấu trùng đã phát triển thành sán trưởng thành ở trong ruột non. Hay ăn phải các thực phẩm chưa được nấu chín bị nhiễm trứng sán mang phôi bào từ môi trường bên ngoài thì sẽ dẫn đến bệnh nang sán lợn ở người: từ trong ruột, các ấu trùng sán sẽ xâm nhập vào mạch máu và di cư đến khắp nơi gây ra những nốt cứng ở bắp thịt, nhiều nhất là ở mô dưới da, não và mắt. Trong trường hợp này, người là ký chủ trung gian.

Triệu chứng: Tổn thương não với động kinh, giảm thị lực hay mù mắt…

Hình 3. Chu trình sống của ký sinh trùng sán lợn
(Nguồn: www.impe-qn.org.vn)

3.5. Bệnh viêm não - màng não nguyên phát do amip Naegleria fowleri: Con amip này chui vào cơ thể người qua đường mũi trong khi bơi hay ngụp lặn ở các sông ngòi ao hồ nước ngọt ấm, ở các hồ bơi khử trùng clo không đủ, hoặc khi sử dụng vòi nước nóng <47oC. Từ mũi, amip trực tiếp đi vào não làm phá hủy mô não. Bệnh không truyền qua đường uống;không có amip trong nước mặn đại dương;bệnh không lây từ người sang người.

Triệu chứng:Trong 1-7 ngày đầu: đau đầu, sốt, buồn nôn và nôn, cứng cổ. Muộn hơn: lẫn lộn, thờ ơ với mọi người chung quanh, mất thăng bằng, các cơn động kinh, ảo giác. Bệnh nặng lên rất nhanh và thường tử vong trong vòng 1-12 ngày. Hầu hết đều tử vong dù có điều trị hay không.

Phòng bệnh: Hạn chế các hoạt động dưới nước ấm không được xử lý tốt, nút mũi hoặc dùng clips mũi, tránh ngụp lặn tại các nơi nước ngọt ấm và nông. Rửa mũi, súc rửa xoang… phải dùng nước đảm bảo khử trùng tốt (nước cất, đã khử trùng, đã đun sôi, hoặc lọc qua màng lọc có các lỗ ≤ 1 micron).

4. Triệu chứng của viêm màng não ký sinh trùng

Các triệu chứng thường gặp nhất là sốt, đau đầu (gặp trên 90% bệnh nhân, thường đau nhiều vùng trán, chẩm, hai bên thái dương, đau đáp ứng kém với thuốc giảm đau thông thường và có khuynh hướng đau nhiều về đêm), buồn nôn, nôn ói, dị cảm tay chân, đau mỏi cổ gáy, đôi khi cứng cổ. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác kèm theo như nhìn đôi (do liệt các dây thần kinh vận nhãn), giảm thị lực, yếu tay chân. Trong các trường hợp bệnh diễn tiến nặng bệnh nhân có thể hôn mê, thậm chí tử vong. Ngoài ra, triệu chứng thường gặp của nhiễm giun đầu gai là nổi mẩn da do ấu trùng di chuyển.

5. Chẩn đoán xác địnhViêm màng não ký sinh trùng

Chẩn đoán viêm màng não do ký sinh trùng được dựa trên các triệu chứng lâm sàng, vùng dịch tễ của bệnh, tiền sử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, xét nghiệm dịch não tủy.

Xét nghiệm công thức máu thấy tăng hoặc không tăng bạch cầu ái toan, huyết thanh chẩn đoán ký sinh trùng dương tính mạnh, chọc dò dịch não tủy thấy tăng bạch cầu ái toan, xét nghiệm thấy sự hiện diện của kháng thể chống ký sinh trùng trong dịch não tủy. Chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp điện toán não bộ có thể cho thấy hình ảnh gợi ý của viêm màng não và hình ảnh tổn thương não-tủy có thể đi kèm.

Để chẩn đoán xác định viêm màng não do ký sinh trùng, cần làm sinh thiết mô xác định có ký sinh trùng trong các tạng của ký chủ.

6. Điều trị viêm màng não ký sinh trùng

Sử dụng các thuốc diệt ký sinh trùng. Người bệnh có các triệu chứng đau đầu không thuyên giảm ngay với thuốc giảm đau, có nổi mẩn ngứa ở da, trước đây có thói quen ăn thức ăn sống (rau sống, nem chua), các thức ăn chưa được nấu chín (thịt heo tái, tôm, cua, cá, ốc, nghêu, sò…), trong nhà có nuôi nhiều chó hay mèo, các trẻ em kém vệ sinh cần được thăm khám kỹ và sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu kịp thời. Và việc phòng bệnh ở đây là quan trọng nhất và có thể được thực hiện dễ dàng, hiệu quả và không tốn kém chỉ bằng các biện pháp giản đơn như rửa tay sạch trước khi ăn, thức ăn cần được nấu chín và không để ruồi bu, không đi chân đất khi làm việc đồng áng.

ThS. Cao Thị Hường
(Sưu tầm)
(Nguồn: http://www.bvdaihoc.com.vn/Home/ViewDetail/107, truy cập: 13/8/2014)