Tại Cà Mau, số bệnh nhân được cán bộ y tế địa phương chẩn đoán là sốt rét có và không có ký sinh trùng sốt rét chênh lệch lớn, tỉ lệ ký sinh trùng sốt rét/sốt rét lâm sàng rất thấp (4,48% năm 2000; 4,58% năm 2001).
Tại huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau tỉ lệ này còn thấp hơn nữa (2,43% trong 9 tháng đầu năm 2000 và 2,61% năm 2001). Nghiên cứu được thực hiện tại xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau, từ 9/2001 đến 2/2002 nhằm mục đích:
- Xác định độ nhạy và độ chuyên biệt của chẩn đoán sốt rét lâm sàng do cán bộ y tế địa phương thực hiện.
- Xác định độ nhạy và độ chuyên biệt, giá trị dự đoán dương tính và âm tính của các tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng bệnh sốt rét.
- Xác định các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét có gía trị chẩn đoán cao tại đây.
- Xác định nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến sự chênh lệch quá lớn giữa bệnh nhân sốt rét và ký sinh trùng sốt rét.
Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp dịch tễ học mô tả trên 531 bệnh nhân có sốt, trong đó 302 bệnh nhân được y tế xã chẩn đoán là sốt rét và 229 là không phải sốt rét.
Kết quả cho thấy chẩn đoán sốt rét thực hiện bởi cán bộ y tế địa phương có độ nhạy là 91,6%, độ đặc hiệu là 43,9%, khả năng dự đoán dương tính là 3,64%, và khả năng dự đoán âm tính là 99,56%. Ngoài ra, các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét tại vùng sốt rét lưu hành ven biển có độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị dự đoán dương tính và giá trị dự đoán âm tính như sau: đang sốt (100%; 6,7%; 2,4%; 100%); sốt trong vòng 3 ngày (75,0%; 17,7%; 2,0%; 96,8%); ớn lạnh (91,6%; 10,4%; 2,3%; 98,1%); nhức đầu (91,6%; 19,2%; 2,6%; 99,0%)
Từ các kết qủa trên các tác giả đề nghị nên tuân thủ nghiêm ngặt các triêu chứng chẩn đoán của Dự án Phòng chống Sốt rét quốc gia, tăng cường tập huấn kỹ năng chẩn đoán sốt rét cho cán bộ y tế địa phương, cung cấp đủ kính hiển vi phục vụ cho việc chẩn đoán chính xác.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Những nghiên cứu trong nước phát hiện rằng một số triệu chứng có giá trị cao trong chẩn đoán sốt rét ở những vùng sốt rét lưu hành nặng và những nghiên cứu này cũng đưa ra được qui tắc chẩn đoán sốt rét tại đây. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu về bệnh cảnh lâm sàng tại vùng lưu hành sốt rét ven biển.
Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu ở nước ngoài thì các tiêu chuẩn lâm sàng không thật chuyên biệt ở những vùng sốt rét lưu hành khác nhau. Tiêu chuẩn lâm sàng để chẩn đoán bệnh sốt rét thay đổi theo mức độ lưu hành của bệnh. Ở nước ta, các tiêu chuẩn lâm sàng cho chẩn đoán sốt rét (theo định nghĩa ca bệnh của Dự án Phòng chống Sốt rét quốc gia (DAPCSRQG)) được áp dụng rộng rãi cho cả bảy phân vùng dịch tễ sốt rét.
Do đó, độ chuyên và độ nhạy của các tiêu chuẩn chẩn đoán cũng như các triệu chứng lâm sàng chưa thật sự thích hợp ở những vùng sốt rét lưu hành khác nhau. Ở tỉnh Cà Mau có sự chênh lệch quá lớn giữa bệnh nhân sốt rét (BNSR) có và không có ký sinh trùng sốt rét (KSTSR). Tỉ lệ KSTSR/BNSR là 4,48% trong năm 2000 và 4,58% trong năm 2001. Riêng tại huyện Ngọc Hiển, nơi thực hiện nghiên cứu, thì tỉ lệ này thấp hơn nữa, 2,43% trong 9 tháng đầu năm 2000 và 2,61% trong năm 2001.
Từ thực tế trên, Phân Viện Sốt rét - Ký Sinh Trùng - Côn Trùng TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Cà Mau, Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển và Trạm Y tế xã Viên An Đông tiến hành nghiên cứu đánh giá các tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng bệnh sốt rét tại xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau, nơi chưa được trang bị kính hiển vi để chẩn đoán, nhằm mục đích :
- Xác định độ nhạy và độ chuyên của các tiêu chuẩn chẩn đoán lâm sàng bệnh sốt rét.
- Xác định độ nhạy và độ chuyên của chẩn đoán lâm sàng bệnh sốt rét do cán bộ y tế địa phương thực hiện.
- Tìm các giá trị dự đoán dương tính và âm tính của các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét.
- Xác định các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét có gia trị chẩn đoán cao tại đây.
- Xác định nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến sự chênh lệch quá lớn giữa BNSR và KSTSR, đây cũng là mục tiêu chính nhằm giải quyết vấn đề chẩn đoán thật sự mang tính chất thời sự này.
Trên cơ sở đó, đưa ra những khuyến cáo về vấn đề chẩn đoán lâm sàng bệnh sốt rét ở một vùng lưu hành sốt rét ven biển nhằm cải thiện chất lượng phục vụ bệnh nhân cũng như có kế hoạch phòng chống sốt rét thích hợp theo thực tế tình hình sốt rét tại mỗi địa phương và tiết kiệm kinh phí cho việc phòng chống sốt rét.
2. VẬT LIỆU - PHƯƠNG PHÁP
Phương pháp
Nghiên cứu theo phương pháp dịch tễ học mô tả – hồi cứu, thực hiện trên 2 nhóm bệnh nhân đến điều trị tại trạm y tế. Họ đều có sốt (nhiệt độ nách >37,50 C được cán bộ y tế địa phương chẩn đoán sốt rét và không được chẩn đoán sốt rét (chẩn đoán khác) tại trạm y tế xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, thuộc vùng đồng bằng ven biển, nơi chưa có kính hiển vi. Việc chẩn đoán sốt rét hoàn toàn dựa vào định nghĩa ca bệnh của DAPCSRQG và kinh nghiệm của các cán bộ y tế địa phương.
Các bước tiến hành
- Tiêu chuẩn chọn vào nghiên cứu là tất cả dân sống ở xã Viên An Đông huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau đến khám và điều trị tại trạm y tế xã khi họ,bị sốt .
- Dự kiến mẫu là 300 bệnh nhân được cán bộ y tế xã chẩn đoán là sốt rét và 300 bệnh nhân được cán bộ y tế xã chẩn đoán không là sốt rét.
- Lập phiếu nghiên cứu ghi nhận các thông tin về triệu chứng lâm sàng ở cả 2 nhóm đều có sốt được chẩn đoán sốt rét và chẩn đoán khác
- Làm phết máu ngoại biên tìm KSTSR cho tất cả những người được chọn vào làm nghiên cứu và xem như là chuẩn vàng cho chẩn đoán sốt rét
- Đánh giá các giá trị của tiêu chuẩn chẩn đoán và sốt rét các thông số liên quan dựa vào phần mềm thống kê EpiInfo và các tét thống kê thích hợp.
Thời gian thực hiện
Sáu tháng, từ tháng 9/2001 đến 2/2002
3. KẾT QUẢ
Trong 531 phiếu nghiên cứu được thực hiện thì có 302 trường hợp cán bộ y tế địa phương chẩn đoán là sốt rét và 229 là chẩn đoán khác. Nhưng trong số 302 BNSR đó thì chỉ có 11 trường hợp có KSTSR thể vô tính trong máu ngoại biên, đạt 3,64%. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ KSTSR/BNSR của toàn tỉnh Cà Mau đã được đề cập trong phần đặt vấn đề, một xác suất quá thấp cho một cá thể được chẩn đoán là sốt rét có bệnh thực sự. Đặc biệt, trong 302 BNSR đó chỉ có 46 trường hợp có đầy đủ các tiêu chuẩn lâm sàng để chẩn đoán bệnh sốt rét theo DAPCSRQG (Bảng 1). Biểu đồ sự phân bố BNSR theo các tiêu chuẩn khác nhau sau đây sẽ bộc lộ các vấn đề nêu trên.
Các triêu chứng lâm sàng bệnh sốt rét có giá trị chẩn đoán cao tại thực địa nghiên cứu (dựa theo chuẩn vàng là KSTSR dương tính)
Đang sốt. Chiếm 100% các ca bệnh, X2 = 4,35. Giá trị P = 0,037 (không hiệu chỉnh)
- Sốt trong vòng 3 ngày trước khi đến khám bệnh. Chiếm 75% các ca bệnh, X2 = 7,56. Giá trị P = 0,005 (không hiệu chỉnh)
- Ớn lạnh. Chiếm 91,6% các ca bệnh, X2 = 37,45. Giá trị P = 0,0000001 (không hiệu chỉnh)
- Đau đầu. Chiếm 91,6% các ca bệnh, X2 = 89,80. Giá trị P = 0,0000001 (không hiệu chỉnh)
Đây cũng là những triệu chứng có giá trị dự đoán âm tính rất cao lần lượt là 100%; 96,8%; 98,1% và 99,0% (Bảng 4).
Những giá trị này giúp cho cán bộ y tế làm công tác chẩn đoán sốt rét dễ dàng hướng đến bệnh sốt rét khi các triệu chứng trên hiện hữu và tự tin hơn trong việc loại trừ bệnh sốt rét khi thiếu vắng các triệu chứng đó.
Các triệu chứng lâm sàng có giá trị cao trong việc chẩn đoán loại trừ bệnh sốt rét tại thực địa nghiên cứu
- Ho khan. Chiếm 0% các ca bệnh, X2 = 88,87. Giá trị P = 0,0000001 (không hiệu chỉnh)
- Khó thở. Chiếm 16,6 % các ca bệnh, X2 = 98,84. Giá trị P = 0,0000001 (không hiệu chỉnh)
- au ngực. Chiếm 8,3% các ca bệnh, X2 = 75,62. Giá trị P = 0,0000001 (không hiệu chỉnh)
- Ran phổi. Chiếm 8,3% các ca bệnh, X2 = 59,97. Giá trị P = 0,0000001 (không hiệu chỉnh)
- Đau họng. Chiếm 8,3% các ca bệnh, X2 = 19,80. Giá trị P = 0,0000086 (không hiệu chỉnh)
- Viêm hạch. Chiếm 0% các ca bệnh, X2 = 30,49. Giá trị P = 0,0000001 (không hiệu chỉnh)
Từ những kết quả trên cho thấy khi những bệnh nhân sốt mà có các triệu chứng lâm sàng của viêm nhiễm đường hô hấp thì xác suất để họ bị bệnh sốt rét là rất thấp. Chẩn đoán của thầy thuốc phải nên chuyển sang hướng khác.
4. BÀN LUẬN
4.1 Độ nhạy và độ chuyên của chẩn đoán sốt rét thực hiện bởi cán bộ y tế địa phương, chuẩn vàng của chẩn đoán là KSTSR dương tính
Kết qủa trên cho thấy việc chẩn đoán của cán bộ y tế địa phương có độ nhạy và độ chuyên không đạt tiêu chuẩn để áp dụng, nghĩa là không thể áp dụng một chẩn đoán mà độ chuyên chỉ đạt 43,9% cũng như xác suất để một cá thể có bệnh thật sự chỉ là 3,43%. Tuy nhiên, xác suất không mắc bệnh của một cá thể khi được chẩn đoán là âm tính cũng rất cao (99,56%) nghĩa là khi cán bộ y tế chẩn đoán không phải là sốt rét thì 99,56% họ thật sự không bị sốt rét.
4.2 Độ nhạy và tính đặc hiệu của chẩn đoán sốt rét thực hiện bởi cán bộ y tế địa phương, chuẩn vàng là các tiêu chuẩn chẩn đoán của DAPCSRQG
Một lần nữa, với chuẩn vàng là các tiêu chuẩn của DAPCSRQG thì việc chẩn đoán thực hiện bởi cán bộ y tế địa phương chưa thực sự thích hợp và không hiệu quả. Lại nói về việc áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chẩn đoán sốt rét theo DAPCSRQG thì cán bộ y tế địa phương chỉ thực hiện đúng 15,23% (46/302 trường hợp, số liệu từ bảng 1). Đây phải chăng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch quá lớn giữa BNSR có và không có KSTSR.
4.3 Độ nhạy, tính đặc hiệu và giá trị dự đoán dương tính – âm tính của các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét, chuẩn vàng là BNSR có KSTSR dương tính
Kết quả từ bảng 4 cho thấy tất cả các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét tại xã nghiên cứu đều có độ nhạy và độ chuyên không lớn hơn hoặc bằng 95% để áp dụng cho việc chẩn đoán. Vả lại, giá trị dự đoán dương tính của từng triệu chứng quá thấp ( 2,3 %). Quan trọng hơn nữa là trong 46 trường hợp BNSR có đầy đủ các triệu chứng lâm sàng kinh điển theo định nghĩa ca bệnh của DAPCSRQG thì không có trường hợp nào có KSTSR thể vô tính trong máu ngọai biên.
Và ngược lại, trong 12 trường hợp BNSR có KSTSR thể vô tính trong máu ngoại biên thì không có trường hợp nào có đầy đủ các triệu chứng kinh điển đó. Từ những dữ kiện trên, chúng ta cần đặt lại vấn đề chẩn đoán bệnh sốt rét dựa vào những tiêu chuẩn chẩn đoán của DAPCSRQG. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt có giá trị thống kê của các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét giữa nhóm bệnh nhân được chẩn đoán sốt rét và nhóm bệnh nhân không được chẩn đoán sốt rét.
Từ sự mâu thuẫn này cho phép chúng ta đặt ra các giả thuyết:
- Thật sự thì các triệu chứng lâm sàng không còn đặc hiệu cho việc chẩn đoán bệnh sốt rét ở những vùng lưu hành sốt rét khác nhau ?
- Số lượng bệnh nhân có KSTSR trong máu ngoại biên (chuẩn vàng cho chẩn đoán bệnh sốt rét) quá ít, chỉ 12 trường hợp, không đủ để phân tích đưa ra những nhận xét khách quan và chính xác?
- Khả năng phát hiện triệu chứng của cán bộ y tế địa phương cũng như tính khách quan và chính xác của những triệu chứng đó có vấn đề?
- Việc chẩn đoán bệnh sốt rét phụ thuộc phần lớn vào kinh nghiệm của cán bộ y tế tại địa phương?
5. KẾT LUẬN
Chất lượng chẩn đoán bệnh sốt rét của cán bộ y tế địa phương quá thấp (Chỉ đạt 3,64% nếu so sánh với chuẩn vàng). Nguyên nhân là do không tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh sốt rét của DAPCSRQG (chỉ 15,23% trường hợp có đủ triệu chứng theo tiêu chuẩn), chưa làm tốt việc chẩn đoán loại trừ bệnh.
Độ nhạy và độ chuyên của chẩn đoán bệnh sốt rét thực hiện bởi cán bộ y tế địa phương quá thấp, không thích hợp cho việc chẩn đoán và không đảm bảo tính chính xác.
Các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét tại thực địa (vùng sốt rét lưu hành ven biển) không thật đặc hiệu, chưa thật sự thích hợp cho việc chẩn đoán bệnh sốt rét ở những vùng sốt rét lưu hành khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét kinh điển có sự khác biệt giữa nhóm BNSR và nhóm bệnh nhân không được chẩn đoán sốt rét. Sự khác biệt này có ý nghĩa về mặt thống kê.
Các giá trị dự đoán dương tính của các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét quá thấp, mặc dù các giá trị dự đoán âm tính của các triệu chứng này thì lại quá cao.
Các triêu chứng lâm sàng bệnh sốt rét có giá trị chẩn đoán cao tại đây là đang sốt, sốt trong vòng 3 ngày trước khi đến khám bệnh, ớn lạn, nhức đầu.
Các triệu chứng lâm sàng có giá trị cao trong việc chẩn đoán loại trừ bệnh sốt rét là các triệu chứng về hô hấp (ho khan, khó thở, đau ngực, ran phổi, đau họng), viêm hạch.
Tuy nhiên, các kết qủa trên chưa thực sự mang tính khách quan do có nhiều yếu tố gây nhiễu như số lượng BNSR có KSTSR quá ít. Kết quả xét nghiệm không được thực hiện 2 lần ở 2 kỹ thuật viên khác nhau để có thể đối chiếu, thời gian nghiên cứu ngắn, thông tin cập nhật trong phiếu nghiên cứu không mang tính khách quan…
6. KIẾN NGHỊ
Các cơ quan đơn vị có chức năng phải thường xuyên giám sát, nhắc nhở nhân viên y tế địa phương trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh sốt rét của DAPCSRQG nhằm cải thiện chất lượng chẩn đoán bệnh sốt rét.
Tăng cường tập huấn về chẩn đoán sốt rét cho cán bộ y tế địa phương để nâng cao kỹ năng chẩn đoán cho họ.
Bảo đảm cho tất cả các trạm y tế xã nằm trong vùng sốt rét lưu hành trên toàn quốc đều có kính hiển vi phục vụ cho việc chẩn đoán chính xác ca bệnh, bởi vì các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét không thật đặc hiệu, nhằm tiết kiệm kinh phí cũng như hạn chế tối đa tác dụng mgoại ý cuả việc dùng thuốc không đúng bệnh.
Để kết quả nghiên cứu bảo đảm tính khách quan và có thể đưa ra những khuyến cáo hữu ích, khoa học về các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh sốt rét cho từng vùng dịch tễ sốt rét khác nhau thì cần có một nghiên cứu sâu hơn, lâu hơn về vấn đề này.
THAM KHẢO
1. RP.Marchand, JV. Velema, Nguyễn Thọ Viễn, Nguyễn Đình Năm, N N Dương, Bùi Văn Đỉnh, Nguyễn Tuyên Quang và cộng sự. Các triệu chứng lâm sàng bệnh sốt rét ở Khánh Phú, tỉnh Khánh Hoà, Việt Nam (1996).
2. Đoàn Hạnh Nhân. Nghiên cứu miễn dịch dịch tễ và chẩn đoán ký sinh trùng sốt rét (1996).
3. Trường Đại học Y Hà Nội. Dịch tễ học lâm sàng bệnh truyền nhiễm (1996).
4. Nguyễn Văn Truyền. Phương pháp dịch tễ học (1994).
5. Vũ Thị Phan. Dịch tễ học bệnh sốt rét và phòng chống sốt rét ở Việt Nam (1996).
6. Trape JF, Peelman P, Morualt, Peelman P. Criteria for diagnosing clinical malaria among a semi-immune population exposed to intense and perennial transmission (1985).
7. Lanar DE, Mc Laughlin GL, Wirth DF, Barken RJ, Zolg JW, Chulay JD. Comparison of thick films in vitro culture and DNA hybridization probes for detecting Plasmodium falciparum malaria (1989).
8. Kyronseppa, Tiula E, Repo H, Lahdevirta J. Diagnosis of falciparum malaria delayed by long incubation period and misleading present symptoms: Life saving role of manual leucocyte differential count (1989).
9. Genton B, Smith T, Baea K, Narara A, Al Yaman F, Beck HP, Hii J, Alpers M. Malaria: How useful are clinical criteria for improving the diagnosis in a highly endemic area? (1994).
Nhóm tác giả: Nguyễn Quốc Hưng, Phạm Tất Đắc, Nguyễn Vũ Linh, Dương Kế Thiện, Dương Công Thịnh, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Phục Nguyễn, Trần Minh Phích
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)