- Đặc điểm:
+ Đặc diểm cơ thể dài từ 8 - 10mm, màu đỏ có ba khoang đen ở đầu, cánh và cuối bụng. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ. Kiến ba khoang có thể bò trên mặt nước, thích ăn côn trùng như ăn rầy nâu ở ruộng lúa hay bọ hóng bay vào ánh đèn ban đêm.
+ Đặc tính gây bệnh: Con cái có độc tố Pederin (thuộc nhóm alkaloid) trong một đôi tuyến ở cuối bụng dùng để bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các loài thiên địch khác tấn công. Cho nên nếu con vật bị chà xát hay chạm mạnh thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người làm có cảm giác cháy da, đau đớn.
Độc tố có tính chất làm phồng rộp da, nổi mụn nước, nhất là ở mặt, cổ, hông, nách (sợ nhất là vào mắt có thể làm bỏng võng mạc). Vết phồng thường xuất hiện độ một ngày sau khi bị dính độc tố. Nếu được trị thì sau một tuần sẽ hết. Có trường hợp để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết.
- Đặc điểm phân bố: Loài này xuất hiện vào đầu mùa mưa khi có ẩm độ cao, nhất là sau các đám mưa lớn đầu mùa. Chúng thường sống trong ruộng lúa, ăn rầy nâu và rất thích ánh sáng đèn nên thường vào đèn chung với rầy nâu ở những nơi có nhiều ruộng lúa bao quanh như TP.HCM hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
- Biện pháp phòng bệnh
Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng. Nếu bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng. Sau đó đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng sử dụng thuốc.
CN. Mai Đình Thắng
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)