Rận mu (còn gọi là rận càng cua, rận bẹn, rận chân mày, rận lông mi...)có tên khoa học Pthirius pubis, là một loại côn trùng sống ký sinh, phổ biến ở vùng lông mu của con người, thậm chí chúng có thể sống trên các khu vực có lông khác, bao gồm cả lông mi và tóc, gây ra bệnh rận mu. Mặc dù gây bệnh rận mu do loài côn trùng ký sinh nhưng được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
1. Hình thể
Rận mu có màu trắng xám kích thước 0,8 - 1,2 mm. Đầu tương đối ngắn và nằm trong một lõm của ngực. Ngực của rận lớn bề ngang và dính liền với bụng thành một khối. Chúng có 6 chân, trên các đôi chân của rận đều có nhũng móng vuốt nhọn. Các móng vuốt trên đôi chân thứ nhất nhỏ hơn nhiều so với móng vuốt của 2 đôi chân sau
Trứng dài 0,6 - 0,8mm, Pthirus pubis đẻ trứng vào gốc lông mu, ngoài ra chúng còn đẻ trứng trong khu vực hậu môn, nách, đùi, bụng và thậm chí sẽ ở lông mi, lông mày và râu.
Hình 1: Rận mu tìm thấy trên bệnh nhân khám tại Phòng khám bệnh Chuyên khoa Ký Sinh Trùng
2. Chu kỳ phát triển
Pthirus pubis có chu kỳ phát triển biến thái không hoàn toàn (tức ấu trùng và con trưởng thành có hình thái không khác nhau là mấy) .Chy kỳ phát triển của Pthirus pubis chia 3 giai đoạn: trứng, nhộng, và con trưởng thành.
Rận mu sinh sản quanh năm, thời gian mang thai khoảng 6 - 8 ngày, độ tuổi trung bình ở tuổi trưởng thành hoặc sinh sản của con cái là 23 ngày. Rận cái đẻ khoảng 30 - 50 trứng, Ấu trùng nở trong 6 - 8 ngày và thường bắt đầu hút máu trong vòng vài giờ đầu. Toàn bộ chu trình sống của rận mu từ trứng cho con trưởng thành là 4 - 6 tuần, với con trưởng thành sống khoảng 2 tuần.Rận thường sống khoảng 1 tháng, chết ngay sau khi sinh sản
Hình 2: Rận mu và trứng rận mu tìm thấy trên bệnh nhân khám tại Phòng khám bệnh Chuyên khoa Ký Sinh Trùng
Khi nhiệt độ cơ thể tăng (sốt) hay giảm (lúc sắp chết), rận sẽ rời vật chủ, đi tìm vật chủ khác
Rận mu sống ở người và có mặt khắp nơi trên thế giới, Pthirus pubis chủ yếu được tìm thấy trong điều kiện vệ sinh kém
3. Vai trò gây bệnh
Rận mu ít di chuyển có thể bò khoảng 10cm/đêm, thường nằm imở vị trí ký sinh và hút máu nhiều giờ hoặc nhiều ngày tại một chỗ mà không cần phải lấy phần miệng ra khỏi da, tạo nên một nốt sần nhô cao,nước bọt của chúng gây ra phản ứng dị ứng gây ra ngứa. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm chúng sẽ phát triển thành bầy đàn lúc này chúng hút máu người với số lượng lớn sẻ gây tình trạng thiếu máu, thiếu sắt… Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh này là ngứa trầm trọng.Ngứa gãi nhiều làm viêm và bội nhiễm vi trùng, tạo thành mủ, năng có thể gây loét da viêm sâu để lai sẹo chai cứng. Nếu ký sinh ở lông mi có thể gây viêm kết mạc
Nếu có những biểu hiện: ngứa, xuất hiện nốt sần mẫn đỏ…vùng sinh dục hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa khám phát hiện và điều trị kip thời
Từ đầu năm đến nay Phòng khám bệnh Chuyên khoa Ký sinh trùng đã tiếp nhận gần 30 trường hợp đến khám có triệu trứng ngứa bộ phận sinh dục và tìm thấy 6 cas bệnh có rận mu ký sinh.
4. Cách phòng bệnh
Rận mu rất dễ lây lan, nên việc phòng tránh rất khó khăn. Có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm bằng cách:
- Phát hiện sớm và điều trị người có côn trùng rân mu ký sinh hạn chế lây lan sang người khác
- Giữ gìn vệ sinh cá nhânsạch sạch sẽ đặc biệt là những nơi có nhiều lông như bộ phận sinh dục.
- Nên quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng
- Giặt thường xuyên quần áo, chăn màn, khăn tắm sạch sẽ, phơi đồ nơi có ánh nắng
- Tổng vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để loại bỏ triệt để mầm bệnh khiến chúng không thể lây lan hoặc tái phát.
CN. Phạm Thị Thu Giang
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)