Vắc xin sốt rét mới đạt được hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng

Các nhà khoa học của Trường Đại học Tübingen hợp tác với Công ty Công nghệ sinh học Sanaria đã thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin sốt rét mới có tên gọi Sanaria® PfSPZ-CVac đạt hiệu quả lên đến 100% sau 10 tuần. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên số mới nhất của tạp chí Nature.

Hầu hết các vắc xin trước đây được tạo ra chỉ lấy một vài thành phần đặc biệt của ký sinh trùng sốt rét để tạo vắc xin. Tuy nhiên, các vắc xin này không đủ tạo ra đáp ứng miễn dịch đối với bệnh. Nghiên cứu mới của Trường Đại học Tuebingen được thử nghiệm trên 67 người lớn khỏe mạnh, không ai trong số họ mắc bệnh sốt rét trước đây, kết quả có 09 người thử nghiệm với nồng độ vắc xin cao nhất và lập lại trong 03 lần trong khoảng thời gian 04 tuần đã có đáp ứng miễn dịch tốt nhất. Kết thúc thử nghiệm lâm sàng, tất cả 09 người này có đáp ứng miễn dịch 100% với ký sinh trùng sốt rét.

Các nhà nghiên cứu giải thích "Đáp ứng miễn dịch này tạo đã ra tế bào Lympho T và kháng thể ly giải đặc hiệu với ký sinh trùng rét trong giai đoạn ký sinh ở gan”, “Các nhà nghiên cứu đang phân tích các phản ứng miễn dịch của cơ thể và nhận biết các thành phần protein, điều này sẽ làm cải thiện hơn nữa việc sản xuất vắc xin sốt rét”, “Các nhà nghiên cứu đã tiêm ký sinh trùng sốt rét sống vào các tình nguyện viên, đồng thời cho uống chloroquine để ngăn chặn sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét . Điều này giúp các nhà nghiên cứu vừa hiểu thêm về hành vi của các ký sinh trùng sốt rét và các đặc tính của chloroquine.

Khi người bị nhiễm, ký sinh trùng Plasmodium falciparum di chuyển đến gan để sinh sản. Trong thời kỳ ủ bệnh này, hệ thống miễn dịch của con người có thể tạo ra đáp ứng; nhưng ở giai đoạn này, ký sinh trùng sốt rét không gây bệnh cho người. Chloroquine không có hiệu lực trong gan. Vì vậy, nó không thể ngăn chặn các ký sinh trùng sinh sản. Bệnh chỉ xảy ra khi ký sinh trùng phá vỡ tế bào gan đi vào máu và tấn công hồng cầu, tại đây chúng vẫn tiếp tục sinh sản và lây lan. Ở giai đoạn này ký sinh trùng sốt rét có thể bị giết bởi chloroquine và bệnh sẽ hết.

Nhà nghiên cứu nói: “Bằng cách tiêm vắc xin sống, tác nhân gây bệnh còn hoạt động hoàn toàn, chúng tôi đã có thể thiết lập một đáp ứng miễn dịch rất mạnh”, "Ngoài ra, tất cả số liệu chúng tôi có cho thấy đáp ứng miễn dịch là ổn định và bảo vệ lâu dài”, “Trong nhóm người thử nghiệm đã cho thấy những người được bảo vệ 100 phần trăm sau khi nhận được một liều vắc xin cao gấp ba lần, đáp ứng miễn dịch này vẫn ổn định sau 10 tuần và có thễ vẫn kéo dài hơn”. Ông nói thêm, loại vắc xin mới này không có ảnh hưởng xấu đến những người thử nghiệm. Bước tiếp theo là tiếp tục kiểm tra hiệu quả của vắc xin thêm một vài năm nữa trong một nghiên cứu lâm sàng ở Gabon do DZIF (German Center for Infection Research ) tài trợ.

Sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ trong năm 2105 có khoảng 214 triệu người bị nhiễm bệnh sốt rét. Khoảng 438.000 chết vì căn bệnh này. Khoảng 90% các ca tử vong sốt rét là ở châu Phi. Gần ba phần tư số người mắc bệnh là trẻ em dưới năm tuổi. Việc tìm kiếm một loại vắc xin đã được nghiên cứu trong hơn một thế kỷ. Một vắc xin có hiệu quả sẽ làm cho việc kiểm soát bệnh sốt rét được dễ dàng hơn; các chiến dịch tiêm chủng có thể được tiến hành tại các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng để loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Như vậy vắc xin có thể giúp ngăn chặn sự lây lan ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc và bảo vệ khách du lịch tốt hơn.

CN. Trần Nguyên Hùng, ThS. Đoàn Bình Minh

(Lược dịch New malaria vaccine effective in clinical trial, https://www.sciencedaily.com/releases/2017/02/170215131606.htm)