Giám sát công tác phòng chống giun sán tại tỉnh Lâm Đồng

Ngày 25.03.2021, đoàn công tác của Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai các hoạt động phòng chống giun sán trong năm 2021.

Đoàn công tác do PGS. TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM làm trưởng đoàn, tham dự trong đoàn có lãnh đạo khoa Ký sinh trùng và một số nhân viên khác.

Đoàn công tác Viện Sốt rét - KST - CT TP. Hồ Chí Minh làm việc với Lãnh đạo TTKSBT tỉnh Lâm Đồng

Tại buổi làm việc, PGS. TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM cho biết: Việt Nam do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho mầm bệnh giun sán phát triển quanh năm. Đây là một vấn đề lớn của cộng đồng cả nước, gây nhiều tác hại lâu dài và nghiêm trọng tới sức khoẻ của nhân dân, sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em, phụ nữ có thai. Từ lâu nay, công tác phòng chống các bệnh giun sán kí sinh hầu như bị lãng quên hoặc có đầu tư nhưng không đáng kể, thiếu đồng bộ. Từ năm 1998, Bộ Y tế đưa công tác “Phòng chống giun sán” thành một dự án y tế cấp Bộ, do vậy công tác phòng chống giun sán càng được quan tâm và có nhiều chuyển biến ở các địa phương trong cả nước. Từ năm 2011, Bộ Y tế đã đầu tư kinh phí cho khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng thực hiện dự án phòng chống giun, sán cho trẻ lứa tuổi học đường. Đây là mô hình chăm sóc sức khỏe tiến bộ mà mục đích cuối cùng là xã hội hóa công tác phòng chống giun, sán cho trẻ em. Việc triển khai các hoạt động phòng chống giun sán một cách tích cực trong khu vực những năm qua đã mang lại nhiều thành quả nhất định. Kết quả khảo sát từ năm 2007 - 2016 ở khu vực Nam Bộ và Lâm Đồng cho thấy tỉ lệ nhiễm giun truyền qua đất giảm 55% - 70% vào năm 2006 xuống còn 12% - 35% vào năm 2016. Tỷ lệ nhiễm giun đũa và giun tóc ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng thấp so với cả nước.

Tại tỉnh Lâm Đồng, các cuộc điều tra năm 2017 cho thấy tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất năm là 15,88%. Sau khi truyền thông và thực hiện tẩy giun, năm 2018 tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất chỉ còn 4,7%. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm có thể tăng cao trở lại nếu công tác phòng chống không có sự quan tâm liên tục.

BS. CKII. Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng cho biết: trên địa bàn tỉnh, một số nơi có hệ thống giáo dục, hệ thống y tế, tình hình địa lý, đường xá đi lại bất tiện, khác biệt về văn hóa tại các vùng có người dân tộc thiểu số sinh sống khiến việc triển khai các hoạt động y tế trong đó có hoạt động phòng chống giun sán gặp nhiều khó khăn.

Sau khi nghe báo cáo về các hoạt động của đơn vị, những thuận lợi khó khăn trong việc triển khai các hoạt động, đặc biệt là công tác Phòng chống sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng trên địa bàn tỉnh, đoàn đã thông báo và thống nhất các hoạt động sẽ được thực hiện trong năm nay, chú trọng các hoạt động phòng chống giun sán cho các đối tượng nguy cơ cao, đẩy mạnh thực hiện tẩy giun dự vào cộng đồng và điều tra tình hình dịch tễ bệnh do ký sinh trùng trên địa bàn.

BS. Nguyễn Huỳnh Tố Như