Kết quả Hội nghị Sơ kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán 6 tháng đầu năm, kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2015 khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng

Để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán 6 tháng đầu năm 2015, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Viện Sốt rét - KST - CT TP. HCM đã long trọng tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán 6 tháng đầu năm 2015, triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015 khu vực NB - LĐ vào ngày 27/7/2015 tại Hội trường Viện.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu và khách mời có đại diện Cục Y tế dự phòng, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế; đại diện Lãnh đạo Viện và các chuyên viên Viện Sốt rét - KST - CT Trung ương, Viện Sốt rét - KST - CT Quy Nhơn, Viện Vệ sinh Phòng dịch Quân đội; đại diện Lãnh đạo Sở Y tế một số tỉnh, thành phố; các Trung tâm PCSR, Trung tâm YTDP của 20 tỉnh, thành phố khu vực NB - LĐ; đại diện các Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế có sốt rét gia tăng, các viện, bệnh viện, các đơn vị y tế của các bộ, ngành ở khu vực phía Nam; đại diện Công ty Cổ phần thuốc sát trùng Việt Nam - Vipesco. Toàn thể cán bộ viên chức của Viện.

PGS. TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng, phát biểu khai mạc
Sau phần khai mạc của PGS.TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng, Hội nghị đã nghe ThS. Lương Trường Sơn, Phó Viện trưởng, báo cáo kết quả công tác phòng chống và loại trừ sốt rét, phòng chống giun sán, sốt xuất huyết, ngoại ký sinh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015 khu vực NB - LĐ.

Về công tác phòng chống và loại trừ sốt rét

- Trong 6 tháng đầu năm 2015, tình hình sốt rét ở khu vực NB - LĐ tăng so với 6 tháng đầu năm 2014. Bệnh nhân sốt rét tăng 36,23% (1.632/1.198). Bệnh nhân sốt rét ác tính giảm 2 ca (8/6). Tổng số ký sinh trùng sốt rét (+) tăng 46,12% (1.451/993). Không có dịch sốt rét, không có ca tử vong do sốt rét, tương tự cùng kỳ năm 2014. Một số xã có sốt rét dai dẳng như Bù Gia Mập và Đắk Ơ huyện Bù Gia Mập, xã Đắk Nhau huyện Bù Đăng của tỉnh Bình Phước; hoặc sốt rét tăng cục bộ ở một số huyện của tỉnh Bình Phước như: TX. Bình Long: 29 ca (31/2), Bù Đốp: 129,09% (126/55), Bù Gia Mập: 125,55% (618/274), Bù Đăng: 67,03% (152/91), TX. Phước Long: 39,22% (71/51), Hớn Quản 25% (15/12). Tổng số BNSR của Bình Phước chiếm 68,2% (1.113/1.632), KST chiếm 76,02% (1.103/1.451) so với cả khu vực. Riêng Hậu Giang trong 6 tháng đầu năm 2015 không có ca sốt rét nào. Nhóm đối tượng mắc sốt rét khác là ở các địa phương từ lâu không còn sốt rét hoặc sốt rét lưu hành thấp xuất hiện các ca sốt rét ngoại lai: Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng,... Đa số những bệnh nhân tại các tỉnh này là dân đi làm thuê ở Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Ninh Thuận, Bình Thuận và từ châu Phi, Lào, Campuchia về.

- Số lượt người điều trị giảm do số BNSR giảm, vẫn còn hiện tượng lạm dụng Artesunat lọ, Arterakine trong điều trị sốt rét cả cho P.vivax. Tại Đồng Nai ghi nhận có 2 ca sốt rét tái phát do bệnh nhân không uống đủ liều Primaquin trong 14 ngày.

- Các địa phương đã thực hiện kế hoạch phun tẩm đúng tiến độ, đúng mục tiêu và đối tượng đích, do đặc điểm tình hình bệnh nhân sốt rét thường tăng cao vào những tháng cuối năm nên một số tỉnh sẽ triển khai phun, tẩm vào 6 tháng cuối năm. Một số địa phương đã chủ động thực hiện phun, tẩm bằng nguồn kinh phí đối ứng của địa phương hoặc sử dụng hóa chất do Viện hỗ trợ thêm.

- Kiểm tra kết quả soi lam xét nghiệm của các địa phương gửi về Viện vẫn còn sai sót; việc soi lam, kiểm tra, bảo quản lam ở các tuyến và gửi lam kiểm tra theo quy định cần quản lý chặt chẽ hơn nữa.

- Tổ chức giám sát dịch tễ sốt rét tập trung vào các trọng điểm sốt rét, các xã biên giới, xã có nhiều dân di cư, giao lưu vào vùng SRLH; điều tra, giám sát, điều trị sốt rét những đối tượng đi rừng về; điều tra, giám sát véc tơ; thử nghiệm nhạy cảm với muỗi An.epiroticus. Công tác nghiên cứu khoa học; đào tạo, tập huấn; hợp tác quốc tế, các dịch vụ khoa học kỹ thuật, khám chữa bệnh chuyên khoa ký sinh trùng đều triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, tình hình nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học có kỹ thuật cao, chuyên sâu nói riêng của Viện đã chuyển biến mạnh mẽ. Trong thời gian tới, tăng cường hợp tác quốc tế về sinh học phân tử (Thụy Điển), ký sinh trùng và côn trùng (Nhật Bản) và một số nước khác như Thái Lan, Singapore, Hoa Kỳ về một số lĩnh vực cần nghiên cứu sâu của Viện trong tương lai như chất lượng thuốc, tế bào học, miễn dịch học… Hiện đang xúc tiến hợp tác nghiên cứu với Đại học Duke (Mỹ), Đại học Tokyo, Viện các bệnh nhiệt đới của Nhật Bản. Thông điệp truyền thông hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4 với chủ đề “Đầu tư cho tương lai, đẩy lùi bệnh sốt rét”.

- Để duy trì thành quả phòng chống sốt rét, tiến tới chiến lược loại trừ sốt rét, các hoạt động giám sát, phát hiện, quản lý và điều trị triệt để KST sốt rét phải được thực hiện thường xuyên, rộng khắp, trong đó điểm KHV là nhân tố quan trọng nhất. Do đó, nhất thiết phải tổ chức mạng lưới hoạt động của các cụm kính hiển vi, đề nghị các địa phương quan tâm đến công tác nhân lực phụ trách điểm kính hiển vi, bổ sung số lượng thiếu, khẩn trương đào tạo, tập huấn cho cán bộ mới.

Những khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống và loại trừ sốt rét:

- Khu vực vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tình hình sốt rét phức tạp, di biến động dân khó kiểm soát (dân di cư tự do, đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu biên giới); Sốt rét kháng thuốc của P. falciparum chưa được giải quyết, có xu hướng tăng và lan rộng, cũng đã phát hiện kháng thuốc của P. vivax ở khu vực. Muỗi An. epiroticus - véc tơ truyền bệnh sốt rét chính ở đồng bằng Nam Bộ tăng sức chịu đựng và kháng với các hóa chất đang sử dụng hiện nay, chưa có hóa chất hiệu quả thay thế. Một số trọng điểm sốt rét trong khu vực khó giải quyết do nhiều nguyên nhân như môi trường sinh thái biến đổi, khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho các véc tơ truyền bệnh phát triển, hoạt động của người dân luôn ra khỏi tầm bảo vệ PCSR của các địa phương. Dân di cư tự do theo mùa vụ, dân đi rừng ngủ rẫy còn nhiều, khó kiểm soát. Chưa có sự phối hợp liên ngành trong công tác PCSR. Sự quan tâm, chỉ đạo của các địa phương không được quyết liệt và thường xuyên như trước, sự tập trung chuyên môn theo đó ngày một giảm. Tình hình sốt rét bộc lộ không ổn định, nguy cơ sốt rét quay trở lại khó tránh khỏi.

- Do tình hình sốt rét ngày càng giảm thấp, kinh phí đầu tư hạn chế, có thể các quan tâm, đầu tư nguồn lực của các địa phương cũng giảm dần, sự tập trung chuyên môn theo đó ngày một giảm.

- Giám sát, phát hiện ca bệnh còn thụ động. Chưa có biện pháp quản lý KST sốt rét ở vùng SRLH nặng, dai dẳng hoặc ở vùng SRLH thấp, không còn SRLH.

- Hệ thống các điểm kính hiển vi đảm bảo độ bao phủ cho phù hợp với phân bố lưu hành bệnh sốt rét. Chất lượng đào tạo kỹ thuật viên về sốt rét chưa chuyên sâu, vẫn mang tính hình thức.

- Vấn đề phun, tẩm hóa chất bảo vệ cho dân chưa thật sự có hiệu quả. Người dân chưa có ý thức tự bảo vệ khi đi vào vùng sốt rét lưu hành. Công tác truyền thông còn chưa được chú trọng.

Các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015: (1) Tăng cường chỉ đạo tuyến và giám sát dịch tễ sốt rét trong khu vực, đặc biệt tập trung tại các vùng trọng điểm; (2) Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe; (3) Nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân sốt rét và phòng chống muỗi sốt rét; (4) Nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại về phòng chống sốt rét cho cán bộ y tế các tuyến; (5) Tăng cường đầu tư nguồn lực, nhân lực và kinh phí; (6) Quản lý thuốc sốt rét, hóa chất, vật tư, kinh phí PCSR theo quy định của Bộ Y tế, điều chuyển phù hợp giữa các địa phương để tránh tình trạng nơi dư thuốc, nơi không có thuốc để dùng; (7) Đề xuất các giải pháp về nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế.

Định hướng hoạt động loại trừ sốt rét trong giai đoạn tới: Các tỉnh triển khai nhằm mục tiêu loại trừ sốt rét đến năm 2015 gồm 7 tỉnh: Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh. Một tỉnh ngoài kế hoạch là Đồng Tháp. Các tỉnh triển khai nhằm mục tiêu loại trừ sốt rét đến năm 2020 gồm 11 tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau.


PSG.TS. Trần Thanh Dương phát biểu tại Hội nghị
Thay mặt Ban điều hành dự án phòng chống và loại trừ sốt rét, PSG.TS. Trần Thanh Dương nhận định tình hình sốt rét cả nước trong 6 tháng đầu năm 2015 giảm 5,91%, tử vong do sốt rét không tăng, BNSR ác tính giảm 35,71%, bệnh nhân có KST sốt rét tăng 16,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Bộ lại tăng cả về BNSR và KST. Do đó để thực hiện mục tiêu giảm mắc, giảm chết cần tích cực triển khai các biện pháp giám sát dịch tễ, triển khai phun, tẩm theo kế hoạch, tăng cường chẩn đoán và điều trị triệt để ca bệnh, quyết liệt giám sát các ca sốt rét ngoại lai, tăng cường xét nghiệm. Khẩn trương thực hiện đánh giá công tác PCSR 5 năm giai đoạn 2011-2015. Về việc xây dựng kế hoạch PCSR năm 2016 cần phải sát với thực tế, dựa vào kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2014 và nguồn ngân sách của địa phương. Về dự án Quỹ toàn cầu tiếp tục tài trợ cho 29 tỉnh trong giai đoạn 2016-2017, trong đó khu vực NB - LĐ có 7 tỉnh. Trong thời gian tới, để thực hiện chiến lược loại trừ sốt rét sẽ có hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị, hồ sơ, số liệu, … cho địa phương.

Về công tác Phòng chống giun sán: Viện triển khai giám sát công tác tẩy giun cho học sinh tiểu học và truyền thông phòng chống giun, sán tại 20 tỉnh thành khu vực NB - LĐ, chỉ đạo chuyển giao kỹ thuật chuyên môn trong công tác phòng chống giun, sán cho tuyến tỉnh và tuyến huyện để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động. Tổ chức tẩy giun bằng thuốc Albendazole 400mg cho học sinh tiểu học. Tỷ lệ tẩy giun đều đạt trên 95%, tác dụng không mong muốn như đau bụng, đau đầu, buồn nôn rất thấp, không đáng kể. Công tác tẩy giun tại các tỉnh thành trên đều bị động, đề nghị thuốc tẩy giun của khu vực NB - LĐ phải được chuyển cho Viện quản lý, phân phối cho các tỉnh khu vực để phù hợp với yêu cầu thực tế. Sau khi phân phối và sử dụng, Viện sẽ báo cáo trực tiếp với WHO, như vậy công tác tẩy giun sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Các công tác điều tra, đánh giá tỷ lệ nhiễm giun sán; tập huấn về kỹ năng truyền thông phòng chống giun, sán triển khai có hiệu quả; đã và đang xây dựng, thực hiện 3 đề tài NCKH, tiếp tục triển khai đề án thư viện mẫu giun sán các loại. Bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn như công tác phòng chống giun sán chưa phải là chương trình mục tiêu Quốc gia, Viện không chủ động về nguồn thuốc tẩy giun; kinh phí hoạt động hạn hẹp, chủ yếu dựa vào các nguồn tài trợ; địa phương không có cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống giun sán; cán bộ phụ trách còn thiếu và yếu, chưa có cán bộ chuyên trách các tuyến... Từ đó đề xuất các giải pháp và kế hoạch thực hiện công tác 6 tháng cuối năm 2015 phải xây dựng và củng cố hệ thống cán bộ y tế làm công tác phòng chống giun sán ở các tuyến, kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước; xây dựng biểu mẫu báo cáo; đẩy mạnh hoạt động truyền thông hướng đến cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ dân trí, phong tục tập quán địa phương…

Về công tác phòng chống sốt xuất huyết: Viện đã tăng cường các hoạt động giám sát, điều tra véc tơ, điều tra bọ gậy nguồn, thử nhạy cảm và đánh giá mức độ nhạy cảm của muỗi Ae.aegypti với hóa chất. Kết quả hầu hết muỗi Aedes tăng kháng với giấy tẩm Deltamethrin 0,05%, Permethrin 0,75%, Alpha-cypermethrin30mg/m2, Cyfluthrin 0,15% và còn nhạy với Permethrin 50EC. Khảo sát véc tơ sốt xuất huyết tại một số khu công nghiệp nhằm xác định sự hiện diện thành phần loài và phân bố của véc tơ sốt xuất huyết trong các khu công nghiệp để có biện pháp phòng chống véc tơ hiệu quả hơn. Các hoạt động tập huấn, truyền thông, nghiên cứu khoa học được triển khai đều đặn, đạt kết quả khả quan. Trong năm 2015, tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Viện trong hoạt động Dự án phòng chống bệnh sốt xuất huyết, thực hiện tốt công tác tổ chức, chỉ đạo tuyến, thử nghiệm đánh giá nhạy, kháng với hóa chất, có ý kiến đề xuất kịp thời với Bộ Y tế về chiến lược sử dụng hóa chất phòng chống véc tơ sốt xuất huyết phù hợp.… Tiếp tục thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu lực phun tồn lưu phòng chống sốt xuất huyết chủ động” tại tỉnh Tiền Giang.

Về công tác phòng chống ngoại ký sinh: Trong 6 tháng đầu năm 2015, khu vực xuất hiện nhiều loài ngoại ký sinh như bọ đậu đen, ve chó, bọ xít hút máu,… Viện đã khẩn trương cử cán bộ tham gia điều tra, xử lý ổ dịch tại địa phương, hướng dẫn địa phương cách phòng chống. Tiếp tục điều tra đánh giá thành phần, phân bố và các vai trò truyền bệnh của ngoại ký sinh. Thu thập mẫu để xây dựng thư viện mẫu về côn trùng trong khu vực. Tư vấn trực tiếp và hướng dẫn biện pháp phòng chống bệnh do các loài côn trùng và các loài ngoại ký sinh (bọ chét, bọ xít, ve, mò, mạt…) cho các công ty, xí nghiệp, và người dân tại khu vực theo yêu cầu. Triển khai thực hiện đề tài cấp Bộ và đề tài cơ sở về công tác phòng chống ngoại ký sinh.

Hội nghị cũng đã nghe PGS.TS. Lê Thành Đồng, Viện trưởng, tóm tắt lại tình hình sốt rét khu vực NB - LĐ và đưa ra các nội dung chủ chốt trong công tác PCSR hiện nay; nghe báo cáo tham luận của các địa phương về các vấn đề trọng tâm như sốt rét gia tăng phức tạp, kết hợp nhiều yếu tố, bùng phát do di biến động dân ở Lâm Đồng, sốt rét dai dẳng ở Bình Phước và các vấn đề chuyên môn kỹ thuật; những khó khăn trong công tác PCSR ở địa phương, về tình hình kiểm soát di biến động dân, tình hình điều trị; các điểm sốt rét gia tăng, sốt rét kháng thuốc; muỗi kháng hóa chất; công tác quản lý, điều hành, kinh phí, ... Trong bối cảnh sốt rét giảm, sốt rét ngoại lai, dân di biến động, sốt rét kháng thuốc nên triển khai các biện pháp PCSR hay PC-LTSR như thế nào cho phù hợp.

Báo cáo tham luận của các đại biểu
Hội nghị đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn nhiều vấn đề bức xúc, cần giải quyết hiện nay như: Tình hình sốt rét phức tạp; ký sinh trùng P.falciparum đang giảm dần, P.vivax tăng dần, phát hiện kháng thuốc của P. vivax ở khu vực; đưa bệnh sốt rét vào kiểm dịch tại cửa khẩu, kiểm soát đối tượng dân di biến động, xây dựng các điểm PCSR miễn phí (MMP với sự hỗ trợ của WHO); Trong bối cảnh sốt rét giảm, sốt rét ngoại lai, dân di biến động, sốt rét kháng thuốc nên triển khai các biện pháp PCSR hay PC-LTSR; tổ chức lồng ghép hoạt động của điểm kính hiển vi với chương trình khác; biện pháp quản lý KST đối với từng vùng sốt rét lưu hành khác nhau; Công tác điều trị bệnh nhân sốt rét, sử dụng thuốc trong điều trị; Công tác tổ chức tập huấn, đối tượng tập huấn; Các biện pháp bảo vệ dân, lưu ý giữa các vùng có điều kiện địa lý tương đồng và áp dụng kết quả phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2014; địa phương phải nhận đủ kinh phí PCSR,… đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện.

Sau phần thảo luận, các địa phương cũng được hướng dẫn xây dựng kế hoạch PCSR năm 2016 dựa vào kết quả phân vùng dịch tễ can thiệp năm 2014, tùy thuộc vào tình hình sốt rét của địa phương, số lượng thuốc, hóa chất, vật tư tồn kho, cân nhắc các tỉnh có dự án Quỹ toàn cầu tài trợ.

Phát biểu bế mạc hội nghị, PGS.TS. Lê Thành Đồng đánh giá cao những nỗ lực và những thành tích đạt được trong công tác PCSR của các đơn vị y tế trong khu vực NB - LĐ, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai tốt các hoạt động PCSR trong 6 tháng cuối năm 2015, bám sát các chỉ tiêu, mục tiêu đã đặt ra, đặc biệt đánh giá sát tình hình sốt rét thực tế tại địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch năm 2016 phải cụ thể, sát với nhu cầu thực tế, nhất là các địa phương có sốt rét giảm, từng bước tiến tới loại trừ sốt rét ở những tỉnh có sốt rét ổn định. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các ca sốt rét nội địa và sốt rét ngoại lai; Triển khai đầy đủ các hoạt động PCSR theo quy định, phát hiện ca bệnh chủ động, điều trị triệt để các ca bệnh tại các vùng sốt rét lưu hành và những vùng không còn sốt rét lưu hành nội địa; Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường, thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; Thực hiện đồng bộ các công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng, sốt xuất huyết, ngoại ký sinh.

CN. Nguyễn Thị Yến

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,