Các nhóm hóa chất diệt côn trùng phổ biến

Hóa chất diệt côn trùng có nguồn gốc hóa học và sinh học, được sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, làm vườn, các hộ dân và văn phòng. Chúng cũng được sử dụng trong kiểm soát véc tơ như muỗi và ve có liên quan đến việc truyền bệnh cho người và động vật trong cộng đồng[3].

Hiện tại các nhóm hóa chất diệt côn trùng tổng hợp vẫn đang được sử dụng chủ yếu trong hoạt động phòng chống côn trùng vì chúng xâm nhập và gây độc dễ dàng cho nhiều loài[1]. Các nhóm hóa chất tổng hợp gồm 5 nhóm chính: nhóm chlo hữu cơ, nhóm phốt pho hữu cơ, nhóm carbamate, nhóm pyrethroid và nhóm neonicotinoid

1. Nhóm Chlo hữu cơ

Nhóm này trước đây được sử dụng rất phổ biến, nhưng hiện tại nhiều quốc gia đã ngưng sử dụng do nó có tác động lên sức khỏe, môi trường và sự tồn lưu của nó. Các hóa chất đại diện cho nhóm này bao gồm: DDT, methoxychlor, aldrin, dieldrin, heptachlor, chlordane, lindane, BHC và chlorobenzilate [1].

Ưu điểm

  • Nhóm Chlo hữu cơ gây độc thần kinh rất mạnh với côn trùng, nhóm này đã có đóng góp đáng kể trong việc cải thiện hoạt động phòng chống côn trùng trước đây.

Khuyết điểm

  • Các hợp chất này có thời gian tồn lưu lâu trong môi trường nên đã bị cấm ở hầu hết các quốc gia trong 30 năm qua[3].

​2. Nhóm phốt pho hữu cơ

Các hợp chất trong nhóm này gồm: parathion, malathion, fenthion, fenitrothion, diazinon, naled, methyl parathion, và dichlorvos. Trong đó chỉ có parathion và fenitrothion được WHO cho phép sử dụng trong phòng chống véc tơ.

Ưu điểm

  • Hợp chất đặc biệt hiệu quả trong phòng chống các côn trùng sống bám trên cây như rệp và ve.

  • Ít tồn lưu trong môi trường.

Khuyết điểm

  • Độ độc cấp tính cao đối với động vật máu nóng và có mùi hôi khó chịu.

3. Nhóm Carbamates

Gồm các hợp chất như: carbamyl, carbaryl methomyl, propoxur và carbofuran. Trong đó, carbaryl là hợp chất được sử dụng rộng rãi nhất trong phòng chống côn trùng nhà cửa và làm vườn.

Ưu điểm

  • Có hiệu lực diệt côn trùng cao và ít tồn lưu trong môi trường.

Khuyết điểm

  • Các hợp chất này cũng có độ độc cấp tính cao đối với động vật máu nóng giống nhóm phốt pho hữu cơ.

4. Nhóm Pyrethroids

Các hợp chất pyrethroid có sẵn trên thị trường: cypermethrin, allethrin, bifenthrin, cyfluthrin, lambda-cyhalothrin, deltamethrin, permethrin, d-phenothrin, resmethrin, và tetramethrin [3].

Ưu điểm

  • Pyrethroids có độc tính cao đối với côn trùng nhưng ít gây độc với động vật máu nóng.

  • Thời gian tồn lưu trong môi trường ngắn.

Khuyết điểm

  • Giá thành cao và bị kháng thuốc nhiều.

5. Nhóm Neonicotinoids [2],[4],[5]

Nhóm neonicotinoid diệt côn trùng bao gồm: imidacloprid, acetamiprid, dinotefuran, thiamethoxam, và clothianidin. Trong đó imidacloprid là hợp chất được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

Ưu điểm

  • Là nhóm hóa chất diệt côn trùng mới, cực kỳ hiệu quả với côn trùng nhưng lại không gây độc đối với con người.

Khuyết điểm

  • Các hợp chất này có thể ảnh hưởng và gây độc đối với các loài côn trùng có lợi cho con người chẳng hạn như loài ong mật.

Lợi ích của hóa chất diệt côn trùng

  • Kiểm soát các véc tơ gây bệnh cho người và vật nuôi.

  • Kiểm soát các sinh vật gây hại và làm ảnh hưởng đến đời sống của con người.

Tác động của hóa chất diệt côn trùng

  • Mỗi loại hóa chất được thiết kế để tiêu diệt một vài loại côn trùng nhưng bên cạnh đó nó cũng chứa một tỉ lệ rất lớn hóa chất độc hại tác động vào môi trường xung quanh với mục đích không mong muốn. Các chất độc hại này xâm nhập vào không khí, nước, trầm tích và thậm chí cuối cùng là thức ăn của chúng ta.

  • Hóa chất diệt côn trùng có liên quan nhiều đến sức khỏe con người từ các tác động cấp tính như đau đầu, buồn nôn đến các tác động mãn tính như ung thư và sức khỏe sinh sản.

Trần Nguyên Hùng, Chung Thanh Nhã

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://www.britannica.com/technology/insecticide

  2. https://www.revealnews.org/article-legacy/5-pesticides-used-in-us-are-banned-in-other-countries/

  3. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/insecticide

  4. https://www.sciencedirect.com/topics/pharmacology-toxicology-and-pharmaceutical-science/neonicotinoid

  5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5533829/