Chiến lược kiểm soát và quản lý véc tơ sốt xuất huyết

Việc ngăn ngừa hoặc giảm sự lan truyền vi-rút sốt xuất huyết phụ thuộc hoàn toàn vào việc kiểm soát muỗi truyền bệnh hoặc làm gián đoạn sự tiếp xúc giữa người và trung gian truyền bệnh.

Các hoạt động kiểm soát lây truyền bệnh tập trung vào véc tơ chính Ae. aegypti trong môi trường sống ở giai đoạn trưởng thành và lăng quăng trong hộ gia đình và vùng lân cận cũng như các môi trường khác nơi xảy ra sự tiếp xúc giữa con người và véc tơ (ví dụ như trường học, bệnh viện và nơi làm việc), trừ khi có bằng chứng rõ ràng rằng Ae. albopictus hoặc các loài muỗi khác là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết tại địa phương. Ae. aegypti hiện diện trong nhiều vật chứa nước của hộ gia đình, những vật dụng chứa nước sinh hoạt và cây cảnh cũng như những vật chứa nước mưa trong môi trường sống, bao gồm lốp xe đã qua sử dụng, hộp đựng thức ăn và đồ uống bỏ đi, máng xối bị tắc, … Thông thường, những con muỗi này không bay xa mà phần lớn ở trong phạm vi 100 mét từ nơi chúng xuất hiện. Chúng ưa đốt máu con người, chủ yếu vào ban ngày, cả trong nhà và ngoài nhà. Ae. aegypti được kiểm soát chủ yếu bằng cách loại bỏ môi trường sống trong những vật chứa nước vì đó là nơi chúng đẻ trứng và phát triển. Môi trường sống bị loại bỏ bằng cách ngăn không cho muỗi tiếp cận các vật chứa này và thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ; ngăn cản sự phát triển bằng cách sử dụng thuốc diệt côn trùng hoặc tác nhân kiểm soát sinh học; tiêu diệt muỗi trưởng thành bằng hóa chất diệt côn trùng hoặc kết hợp tất cả các phương pháp.

Quản lý véc tơ (IVM) là chiến lược kiểm soát véc tơ do WHO thúc đẩy, trong đó có bao gồm kiểm soát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết. Được định nghĩa là “quy trình quản lý các nguồn lực tham gia thực hiện kiểm soát véc tơ một cách hiệu quả”, IVM xem xét năm yếu tố chính trong quy trình quản lý, đó là:

  • Vận động các chính sách xã hội và pháp luật – thúc đẩy các nguyên tắc này trong các chính sách phát triển của tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan; thiết lập hoặc tăng cường các biện pháp kiểm soát theo quy định đối với sức khỏe cộng đồng và trao quyền cho cộng đồng;
  • Hợp tác trong lĩnh vực y tế và với các lĩnh vực khác – xem xét tất cả các lựa chọn hợp tác giữa các lĩnh vực công và tư nhân; lập kế hoạch và ra quyết định cho cấp hành chính thấp nhất; tăng cường trao đổi thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý chương trình kiểm soát các bệnh do véc tơ truyền và các đối tác quan trọng khác;
  • Tiếp cận tổng hợp để kiểm soát dịch bệnh – đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn lực sẵn có bằng việc áp dụng cách tiếp cận kiểm soát dịch bệnh; sử dụng các biện pháp kiểm soát véc tơ bằng hóa chất và lồng ghép với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khác;
  • Ra quyết định dựa trên bằng chứng – điều chỉnh các chiến lược và can thiệp đối với hệ sinh thái véc tơ, dịch tễ học và nguồn lực địa phương thông qua những nghiên cứu hoạt động giám sát và đánh giá thường xuyên;
  • Xây dựng, củng cố năng lực – phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nguồn tài chính và nguồn nhân lực phù hợp ở cấp quốc gia và địa phương để quản lý các chương trình IVM.

Chiến lược kiểm soát và quản lý véc tơ được phân bổ thành nhiều hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực như côn trùng học, dịch tễ học, truyền thông, đào tạo và dịch vụ, vận chuyển, hành chính và tài chính. Một số hoạt động bao gồm các biện pháp can thiệp có thể kể đến như:

  1. Quản lý môi trường
  • Cải thiện hệ thống cấp nước và trữ nước
  • Xử lý các dụng cụ, vật dụng chứa nước
  • Quản lý chất thải rắn – các vật phẩm không phân hủy sinh học
  • Vệ sinh đường phố
  • Quản lý công trình xây dựng
  1. Kiểm soát hóa chất diệt lăng quăng và muỗi trưởng thành
  • Quản lý thủ tục hồ sơ
  • Nghiên cứu, giám sát khu vực mục tiêu
  • Kiểm soát loại hóa chất và chu kỳ sử dụng
  • Hướng dẫn sử dụng và các biện pháp an toàn
  • Xử lý dư lượng hóa chất
  • Phương pháp phun, xịt hóa chất
  1. Đánh giá khả năng nhạy cảm với thuốc diệt côn trùng
  • Mua sắm dụng cụ, giấy thử nghiệm tiêu chuẩn
  • Kiểm tra, đánh giá mức độ nhạy cảm đối với từng loại hóa chất
  1. Kiểm soát sinh học
  • Nuôi, thả cá
  • Sử dụng các loài giáp xác ăn lăng quăng
  1. Nghiên cứu các công cụ cải tiến để kiểm soát véc tơ
  • Vật liệu được xử lý với thuốc diệt côn trùng
  • Bẫy đẻ trứng – gây chết các quần thể Ae. aegypti ở giai đoạn bọ gậy hoặc trưởng thành
  1. Nâng cao trình độ, nhận thức
  • Tuyên truyền, đào tạo kỹ năng, kiến thức phòng chống véc tơ
  • Tổ chức các khóa học thường xuyên
  1. Sản xuất
  • Sản phẩm xua, diệt
  • Vật dụng ngăn chặn, phòng chống
  1. Hợp tác trong ngành và liên ngành
  • Chuyển giao kỹ thuật, công nghệ
  • Hỗ trợ, tài trợ kinh phí
  • Tổ chức hội thảo chuyên đề, chia sẻ cộng đồng
  • Liên kết với các tổ chức chính phủ, phi chính phủ

Khi lựa chọn một phương pháp kiểm soát véc tơ thích hợp hoặc kết hợp nhiều phương pháp, cần cân nhắc đến hệ sinh thái ở địa phương và hành vi của các loài mục tiêu, các nguồn lực sẵn có, bối cảnh văn hóa mà các biện pháp can thiệp được thực hiện, tính khả thi của việc áp dụng chúng một cách kịp thời cũng như phạm vi bao phủ. Bên cạnh đó, chiến lược kiểm soát và quản lý véc tơ cần được phân bổ rõ ràng và cụ thể cho từng hoạt động, từng cơ quan tổ chức, bao gồm cả sự hợp tác trong ngành y tế và liên ngành. Các chiến lược nhắm mục tiêu như vậy đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về hệ sinh thái véc tơ địa phương cũng như thái độ và thói quen của người dân đối với các vật chứa – nơi trú ngụ và sinh sản của véc tơ.

ThS. Phạm Thị Thu Giang, ThS. Mai Đình Thắng, ThS. Phạm Thị Nhung

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Dengue: Guidelines for Diagnosis, Treatment, Prevention and Control: New Edition. Geneva: World Health Organization; 2009. 3, VECTOR MANAGEMENT AND DELIVERY OF VECTOR CONTROL SERVICES. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK143163/