Điểm tin y tế tuần 03 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Hội nghị tổng kết công tác Văn phòng Bộ Y tế năm 2017 Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 (12/01/2018)

Theo tin từ Cổng thông tin điện tử, Bộ Y tế, Ngày 12/01/2018, tại Bộ Y tế, Văn phòng Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn phòng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018.

Tham dự Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Vụ trưởng Vụ Hành chính – Văn phòng Chính phủ; Đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục/Tổng cục/Thanh tra Bộ cùng tập thể công nhân viên chức người lao động Văn phòng Bộ.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ cho biết: Năm 2017, Văn phòng Bộ đã Chủ động tham mưu, tổng hợp, báo cáo, bảo đảm yêu cầu các nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách, đột xuất của Lãnh đạo Bộ. Tích cực đôn đốc các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế giao đúng tiến độ; tổng hợp và chuẩn bị nội dung trả lời 350 kiến nghị của cử tri, 20 chất vấn của Đại biểu Quốc hội, các báo cáo phục vụ hoạt động giám sát của các Ủy ban của Quốc hội; là đơn vị chủ trì hệ thống Quản lý và Điều hành Văn bản điện tử Bộ Y tế, năm 2017 Bộ Y tế là một trong hai đơn vị đầu tiên thực hiện kết nối liên thông văn bản điện tử 4 cấp chỉ đạo của Chính phủ; xử lý văn bản đi, đến nhanh chóng, chính xác, kịp thời 31.661 văn bản đến, 16.763 văn bản đi, scan 180.000 trang văn bản; tiếp nhận trình Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng 9.273 hồ sơ; đã ban hành Quyết định 5868/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Bộ; hoàn thiện Đề án vị trí việc làm của Văn phòng Bộ. Các công tác tài chính, kế toán, hậu cần, lưu trữ, bảo vệ… đều được thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng, đảm bảo công tác trong cơ quan.

Năm 2018, Văn phòng Bộ sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho Đảng viên và quần chúng, khuyến khích đảng viên, cán bộ, công chức, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, công tác thường xuyên tại cơ quan Bộ…

2. Tạp chí y khoa hàng đầu thế giới đăng nghiên cứu thụ tinh ống nghiệm VN (11/01/2018)

Theo báo Tuổi trẻ, nghiên cứu này chỉ ra việc chuyển phôi đông lạnh cũng có kết quả tương đương phôi tươi.

Nghiên cứu của TS Vương Thị Ngọc Lan, ĐH Y dược TP.HCM, cùng các cộng sự ở Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) và GS Ben Mol, GS Robert Normal ở ĐH Adelaide (Úc) vừa được công bố hôm nay 11-1, trên tạp chí y khoa danh tiếng hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine. Nghiên cứu này thực hiện từ 2015, trên 792 bệnh nhân. Sau hai năm nghiên cứu, nhóm tác giả đã gửi báo cáo dài hơn 200 trang đến The New England Journal of Medicine và trải qua ba vòng thẩm định, cùng nhiều lần bổ sung, giải thích, nghiên cứu đã được chấp thuận công bố.

Theo BS Hồ Mạnh Tường, đồng tác giả của nghiên cứu này, trước đây các bác sĩ thường ưu tiên chuyển phôi tươi trong thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sau kích thích buồng trứng, nội tiết tăng cao hơn bình thường nhiều lần và không tốt cho phôi làm tổ. Vì thế nhiều trung tâm có xu hướng đông lạnh toàn bộ phôi để chờ một vài tháng khi nội tiết trở lại bình thường, lúc đó mới chuyển phôi.

Nghiên cứu đã cho một số kết quả quan trọng là kết quả thành công từ chuyển phôi đông lạnh cũng tương tự như chuyển phôi tươi, do việc trữ phôi đông lạnh rất an toàn nên trong quá trình thụ tinh ống nghiệm các bác sĩ không cần chuyển quá nhiều phôi trong một lần, dễ dẫn đến tình trạng đa thai, mà có thể chuyển mỗi lần 1-2 phôi và làm nhiều lần. Ở từng trường hợp, các bác sĩ sẽ quyết định chuyển phôi tươi hay phôi đông lạnh hoặc đông lạnh toàn bộ để chờ đợi thời điểm phù hợp nhất.

Tạp chí y khoa danh tiếng hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine là nơi đăng nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về lâm sàng trên thế giới. Do đó, việc các tác giả VN được đứng tên là tác giả chính của một nghiên cứu lâm sàng về y khoa trên tạp chí này cũng là niềm tự hào của ngành y VN.

3. Bộ Y tế đề xuất lập hồ sơ sức khỏe cho từng người dân (12/01/2018)

Theo báo Dân trí, Bộ Y tế đề xuất lập hồ sơ sức khỏe đối với từng người dân. Trong đó, quy định việc lập hồ sơ sức khỏe cho người dân từ khi mới sinh và tích hợp dữ liệu về tình trạng sức khỏe của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân.Đó là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật do Bộ Y tế đề xuất và đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Tờ trình của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tăng tuổi thọ và thực hiện thành công nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Năm 2015, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 73,3 tuổi. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm còn 14,7‰ và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn khoảng 14,1%.

Việt Nam cũng đã kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn không để dịch xâm nhập và không để dịch lớn xảy ra; được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc cải thiện các chỉ số sức khỏe, kiểm soát bệnh tật và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể là chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật; sự gia tăng nhanh của gánh nặng bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ về môi trường và công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn bất cập.

Bộ Y tế đề xuất 4 chính sách lớn

Trong dự thảo tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Y tế đề xuất 4 nhóm chính sách lớn để thực hiện Luật Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật.

Thứ nhất là bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó Nhà nước, cơ sở y tế không phải tăng chi kinh phí cho các hoạt động phục vụ việc tổ chức thực hiện chính sách mà Nhà nước còn tăng thu thuế và giảm chi từ ngân sách. Doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí đầu tư cho việc thực hiện chính sách. Các chi phí này sẽ được tính vào trong giá thành sản phẩm và qua đánh giá cho thấy mức tăng giá của sản phẩm được người dân chấp nhận.

Theo Bộ Y tế, chính sách này cũng giúp giảm được gánh nặng về chi phí quản lý và chi phí bệnh tật cho nhà nước, tăng năng suất lao động của người dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính sách thứ hai là bảo đảm hoạt động vận động nâng cao thể lực, nhằm giải quyết các bất cập, tồn tại liên quan đến vận động thể lực và giúp cải thiện tầm vóc, thể lực của người Việt Nam; góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, hen suyễn…

Bộ Y tế tính toán, Nhà nước sẽ phải tăng đầu tư ước tính khoảng 6.000 tỷ cho 200 trường học có vị trí ở xa trung tâm huyện. Người dân có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nếu thực hiện chính sách sẽ làm tăng chi phí học phí do các trường phải chi trả thêm chi phí cho việc thuê cơ sở vật chất, giáo viên để thực hiện việc tăng thời lượng vận động; các chủ đầu tư phải tăng chi phí xây dựng cho việc bảo đảm khoảng không gian cho người dân luyện tập thể dục, thể thao tại khu dân cư.

Chính sách thứ ba là kiểm soát yếu tố nguy cơ gây rối loạn tâm thần. Trong đó, Bộ Y tế kiến nghị chọn giải pháp quy định về kiểm soát yếu tố nguy cơ tại cộng đồng, bao gồm: kiểm soát yếu tố nguy cơ gây rối loạn tâm thần liên quan đến lối sống thông qua việc ban hành các điều kiện nhằm hạn chế tiếp cận với yếu tố nguy cơ và cung cấp dịch vụ tư vấn, dự phòng và hỗ trợ.

Thực hiện chính sách này, Nhà nước sẽ phải bỏ ra khoảng 30 tỷ đồng/năm cho việc cung cấp dịch vụ điều trị một số bệnh tâm thần. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách sẽ giúp Nhà nước và xã hội giảm bớt chi phí điều trị các rối loạn tâm thần mà như nghiên cứu tại Anh cho thấy chi phí cho chăm sóc sức khỏe tâm thần năm 2009-2010 là 105 tỷ bảng Anh bao gồm chi phí cho chăm sóc y tế và xã hội và chi phí mất đi trong sản xuất và chi phí nhân lực.

Chính sách thứ tư là lập hồ sơ sức khỏe đối với từng người dân. Trong đó, quy định việc lập hồ sơ sức khỏe cho người dân từ khi mới sinh và tích hợp dữ liệu về tình trạng sức khỏe của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân.

Nhà nước sẽ phải chi khoảng 11,3 tỷ đồng cho việc lập hồ sơ sức khỏe của các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng về lâu dài sẽ giảm chi từ ngân sách do tiết kiệm được các khoản chi để giải quyết hậu quả kinh tế - xã hội do bệnh tật để lại.

Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải chi khoảng 552 tỷ đồng cho việc lập hồ sơ sức khỏe của các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế. Mặc dù vậy, việc áp dụng hồ sơ sức khỏe sẽ giúp Quỹ bảo hiểm y tế giảm chi bởi khi người dân có hồ sơ sức khỏe thì mọi thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe sẽ được thể hiện trong hồ sơ.

Mặt khác sẽ giúp hỗ trợ việc phát hiện sớm bệnh tật (nếu có) và cung cấp đầy đủ các thông tin về tiền sử bệnh tật của người dân tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Dịch cúm lan rộng ở Anh và Mỹ (12/01/2018)

Theo báo Thanh Niên Online, Mới đây nhất Fox News trích dẫn thông tin của Sở Y tế Idaho cho thấy chỉ riêng ở Idaho, có 13 người tử vong vì cúm. Cúm đã “tấn công”vào trường tiểu học ở phía bắc Idaho, gần 40% học sinh của trường tiểu học Pinehurst đã nghỉ học vì bị cúm.

Mỗi năm, Mỹ có 36.000 người tử vong vì cúm. Tuy nhiên, theo The New York Times, cúm mùa năm nay “nghiêm trọng hơn” vì mùa đông năm này kéo dài

Bác sĩ Daniel B. Jernigan, giám đốc phụ trách cúm của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết khoảng 80% trường hợp bị nhiễm chủng vi rút biến thể mới của H3N2 - đã gây nên dịch cúm lan rộng rãi ở Úc vào tháng 7 và 8 năm ngoái và giết chết nhiều người. So với cúm H1N1, vi rút cúm H3N2 làm nhiều bệnh nhân trẻ và già tử vong. Theo báo chí Anh, các chuyên gia cũng đã khuyến cáo về “kẻ sát nhân” cúm H3N2 từ tháng 9.2017.

The Sun ngày 12.1 đưa tin số người tử vong vì cúm ở nước Anh đã tăng lên 27 trong số 4,5 triệu người bị cúm. Số người đã nhập viện vì cúm đã tăng lên 4.059. Các chuyên gia y tế cảnh báo đây là mùa cúm “tồi tệ nhất” trong nhiều năm qua.

Một trong bốn bệnh nhân cúm nhập viện là nhiễm chủng vi rút biến đổi của cúm H3N2. Nhiều bệnh viện đã không còn phòng để nhận bệnh nhân cúm mới.

2. Liên hiệp quốc về Môi trường và Tổ chức Y tế thế giới đồng ý hợp tác chính thức về các nguy cơ trong sức khoẻ môi trường (10/01/2018)

Theo thông báo của WHO, Liên hiệp quốc về Môi trường và WHO đã thống nhất một sự hợp tác mới, rộng khắp để đẩy nhanh hành động giảm nguy cơ sức khoẻ môi trường gây ra 12,6 triệu ca tử vong mỗi năm.

Tại Nairobi, ông Erik Solheim, người đứng đầu Liên hiệp quốc về Môi trường, và TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, đã ký một thỏa thuận tăng cường các hoạt động chung nhằm chống lại ô nhiễm không khí, thay đổi khí hậu và đề kháng kháng sinh, quản lý chất thải và hóa chất, chất lượng nước, và vấn đề lương thực và dinh dưỡng. Sự hợp tác này cũng bao gồm quản lý chung chiến dịch vận động BreatheLife nhằm giảm ô nhiễm không khí, khí hậu, môi trường và sức khoẻ.

Đây là thỏa thuận chính thức quan trọng nhất về hành động chung trong toàn bộ các vấn đề về môi trường và sức khoẻ trong hơn 15 năm.

Sự hợp tác mới tạo ra khuôn khổ có hệ thống hơn cho việc nghiên cứu chung, phát triển các công cụ, xây dựng năng lực, giám sát các Mục tiêu Phát triển Bền vững, quan hệ đối tác toàn cầu và khu vực hỗ trợ cho các lĩnh vực y tế và môi trường.

Hai cơ quan này sẽ xây dựng một chương trình làm việc chung và tổ chức cuộc họp cấp cao hàng năm để đánh giá tiến độ và đưa ra các khuyến nghị để tiếp tục hợp tác.

Ban Biên tập website Viện