Điểm tin y tế tuần 04 - 2019

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Lễ công bố Loại trừ bệnh giun chỉ Bạch huyết tại Việt Nam

Sáng 17/01/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ công bố Loại trừ bệnh giun chỉ Bạch huyết tại Việt Nam. Tham dự buổi Lễ có đại diện Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, đơn vị thuộc/ trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước; các tổ chức y tế trong và ngoài nước.

Đây là một thành tựu của Ngành Y tế nói chung, Viện và hệ thống mạng lưới y tế dự phòng các tỉnh trong cả nước nói riêng. Và cũng là một trong 9 sự kiện tiêu biểu năm 2019.

Với thành tựu này, trong năm 2018, Việt Nam đã cùng Paula, Wallis và Futuna loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, một vấn đề sức khỏe cộng đồng, nâng lên tổng số 11 quốc gia và lãnh thổ ở (TCYTTG) Khu vực Tây Thái bình dương nhận được chứng nhận của Tổ chức Y tế Thế giới .

Bệnh giun chỉ bạch huyết là một căn bệnh do muỗi truyền, giun chỉ bạch huyết là một trong số 15 bệnh nhiệt đới bị lãng quên lưu hành ở Khu vực Tây Thái bình dương của TCYTTG. Nó còn được gọi là bệnh phù chân voi, gây ra đau đớn và có thể dẫn đến tàn tật, biến dạng vĩnh viễn, và thường khiến người ta mất đi sinh kế, chịu đựng kỳ thị, trầm cảm và lo âu.

Ở Việt Nam, căn bệnh này đã có từ hơn một thế kỷ trước. Tỷ lệ nhiễm giảm dần trong nhiều năm nhờ thay đổi môi trường, cải thiện nhà ở, tăng cường sử dụng mùng màn và điều trị chọn lọc. Các chiến dịch điều trị trên quy mô lớn hàng năm, từ năm 2002 đến 2008 đã giúp cắt đứt lây truyền ở những vùng còn có bệnh, và tiếp tục giám sát. Kết quả từ năm 2013 - 2016 đã không phát hiện trường hợp nào dương tính.

Năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện và thấy rằng Việt Nam đã loại trừ giun chỉ bạch huyết đạt tiêu chuẩn của WHO và lập hồ sơ gửi đánh giá công nhận Việt Nam loại trừ giun chỉ bạch huyết.

Ngày 08/10/2018, tại Manila Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố và trao chứng nhận cho Việt Nam đã loại trừ được bệnh giun chỉ.

2. Dịch sởi sắp tái diễn quy mô lớn

Ngày 18/1/2019, tại Hà Nội, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2019. Theo đó, trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tới đây, điều kiện khí hậu Đông- Xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch giữa ngày và đêm lớn làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khoẻ yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, ốm. Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, sởi, rubella, liên cầu lợn, tiêu chảy.

Đặc biệt, theo chu kỳ diễn biến của dịch sởi, sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên qui mô lớn, dự kiến từ cuối năm 2018 đến 2019. Để chủ động phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em, trong năm 2018 được sự đồng ý của Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tổ chức 3 đợt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho nhóm đối tượng từ 1-5 tuổi tại các vùng nguy cơ cao. Chính nhờ chiến dịch này, số ca bệnh sởi, rubella đã được khống chế kịp thời, số mắc sởi trong năm 2018 đã giảm rõ rệt.

Trong năm 2019, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai hoàn thành đợt 2 và 3 của chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ em từ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công đoàn ngành y tế

Ngày 16/1/2019 tại công đoàn ngành Y tế Việt Nam đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành Y tế VN và Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế giai đoạn 2018-2023. Theo đó, Cục Công nghệ thông tin và Bộ Y tế cùng thống nhất nội dung ký kết, qua đó hai đơn vị đã thống nhất ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế và của tổ chức công đoàn, cập nhật bảo vệ an toàn thông tin mạng và duy trì cơ sở dữ liệu Công đoàn ngành y tế; Bồi dưỡng kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho đoàn viên và người lao động ngành Y tế. Tuyên truyền về an toàn thông tin trên mạng Internet, phổ biến kiến thức cho cán bộ công đoàn và đoàn viên công đoàn ngành Y tế thực hiện Luật An ninh mạng, nâng cao nhận thức và năng lực về tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, đáp ứng xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hướng dẫn sử dụng cho cán bộ công đoàn y tế các cấp về các ứng dụng công nghệ thông tin.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Anti vắc-xin đe dọa toàn cầu, nguy hiểm như HIV

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiêm vắc-xin giúp loài người ngăn ngừa đến 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm. Sẽ có thêm 1,5 triệu ca tử vong khác được ngăn ngừa nếu tình trạng vi phạm khuyến cáo tiêm chủng toàn cầu được cải thiện. Đó là sự do dự trước việc tiêm chủng, hay theo cách gọi thông dụng là phong trào anti vắc-xin.

Theo các điều tra của tổ chức này, có 3 lý do chính khiến người ta không tiêm chủng: Sự chủ quan, sự bất tiện khi tiếp cận vắc-xin và sự thiếu tự tin khi tiêm vắc-xin. WHO kêu gọi nhân viên y tế, đặc biệt là những chuyên gia có ảnh hưởng trong cộng đồng, tham gia việc cố vấn, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người dân về vắc-xin. Mối đe dọa mới này được báo chí Âu Mỹ đồng loạt nhấn mạnh khi thông tin. WHO cũng nhìn nhận phong trào anti vắc-xin đã góp phần khiến dịch sởi quay lại, giết chết và để lại di chứng cho vô số người trên toàn thế giới, nhất là trẻ em.

Để đối phó vấn đề này, trong vài năm trở lại đây, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Pháp, Ý, một số tiểu bang của Mỹ đã áp dụng chính sách tiêm vắc-xin bắt buộc với các biện pháp chế tài cứng rắn hướng đến các phụ huynh anti vắc-xin.

Theo đó, 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu năm 2019, theo WHO:

1. Ô nhiễm môi trường

2. Bệnh không lây (béo phì, tiểu đường, ung thư, bệnh tim…)

3. Một đại dịch cúm toàn cầu có thể xảy ra

4. Môi trường dễ tổn thương (nơi sống có khủng hoảng kéo dài, han hán, nạn đói, chiến tranh…)

5. Đề kháng kháng sinh

6. Ebola và các bệnh có khả năng lây nhiễm cao khác

7. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu kém

8. "Do dự vắc-xin" (miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm vắc-xin dù có sẵn)

9. Sốt xuất huyết

10. HIV

Ban Biên tập website Viện