Điểm tin y tế tuần 07 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Lưu trữ thành công 3.400 mẫu tế bào gốc từ máu dây rốn

Theo báo NDĐT (06/02/2018), TS Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết, sau hơn ba năm hoạt động, Ngân hàng Tế bào gốc của Viện đã xử lý và lưu trữ thành công 3.400 mẫu tế bào gốc từ máu dây rốn do các sản phụ tự nguyện hiến tặng. Trong đó, có 3.215 mẫu được làm xét nghiệm HLA độ phân giải cao, đều đạt tiêu chuẩn và sẵn sàng để ghép cho người bệnh phù hợp và có nhu cầu.

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị tối ưu nhất hiện nay, giúp bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính cũng như lành tính có cơ hội khỏi bệnh. Từ năm 2006 đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã ghép tế bào gốc tạo máu cho 290 trường hợp, tương đương khoảng 50% các ca ghép trên toàn quốc. Trong đó, có 131 trường hợp ghép đồng loại, 163 trường hợp ghép tự thân, 19 ca được lấy từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng.

Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đã và đang phát huy nhiều ưu điểm, là một bước tiến lớn để hỗ trợ kỹ thuật ghép tế bào gốc cho các bệnh nhân mắc bệnh máu hiểm nghèo nói riêng cũng như các bệnh lý khác nói chung. Thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục ghép cho nhiều bệnh nhân bằng nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng này.

2. VN lần đầu có phòng xét nghiệm tham chiếu về kháng sinh

Theo báo tuổi trẻ (05/02/2018), Phòng xét nghiệm này được xây dựng với khoản kinh phí 60 tỉ đồng, do Quỹ Fleming Fund tài trợ và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford, Vương quốc Anh hỗ trợ về chuyên môn. Phòng xét nghiệm được đặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, là cơ sở đầu tiên ở VN được giao nhiệm vụ thu thập, phân tích các số liệu về kháng kháng sinh, các trường hợp đề kháng mới. Sau khi đi vào hoạt động, phòng xét nghiệm này sẽ có khả năng xác định kiểu hình và kiểu gen liên quan tới các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh phân lập từ các bệnh viện; điều phối hoạt động ngoại kiểm định danh và kháng sinh đồ trong các bệnh viện; phát triển phương pháp chẩn đoán căn nguyên gây bệnh, tính chất kháng kháng sinh bằng kỹ thuật sinh học phân tử và giải trình tự gen trong một số trường hợp đặc biệt. Các số liệu này sẽ được cập nhật thường xuyên để điều phối hoạt động kháng kháng sinh tại VN.

VN là một trong những quốc gia có tình trạng đề kháng kháng sinh khá cao, do bán thuốc kháng sinh không theo đơn ở khắp nơi và nhiều loại thực phẩm còn tồn dư kháng sinh. Tuy nhiên cho đến nay VN chưa có một nghiên cứu quy mô nào về tình trạng đề kháng kháng sinh, ngoài nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cách đây gần 10 năm, dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của ĐH Oxford

3. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư

Theo NDĐT (06/02/2018), Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tổ chức công bố triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư (công nghệ IBM Watson for Oncology).

Công nghệ IBM Watson for Oncology đã được triển khai trên 80 bệnh viện và các cơ sở y tế tại 11 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là đơn vị y tế đầu tiên triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến này.

IBM Watson for Oncology là hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ trong điều trị ung thư được phát triển bởi tập đoàn IBM với nền tảng bao gồm hơn 300 tạp chí y khoa, hơn 200 đầu sách y khoa trên thế giới được cập nhật liên tục. Cùng với đó, hàng chục triệu hồ sơ bệnh án cùng hệ thống hướng dẫn điều trị hàng đầu của Hoa Kỳ đã được triển khai rộng rãi., theo đó công nghệ này có thể tóm tắt được đặc điểm y tế chính của bệnh nhân, cung cấp thông tin cho bác sĩ, sắp xếp lựa chọn phác đồ điều trị. Từ đó sẽ giúp các bác sĩ lựa chọn được phác đồ điều trị mới nhất, phù hợp nhất cho từng người bệnh. Đây không chỉ là cơ hội cho người bệnh ung thư tiếp cận được các phác đồ điều trị chuẩn mà còn giúp các bác sĩ có cơ hội nâng cao trình độ, cập nhật nhanh chóng các phác đồ điều trị tiên tiến trên thế giới. Công nghệ đám mây, bệnh án được cập nhật liên tục, sẽ tự động lựa chọn phác đồ điều trị tối ưu trên thế giới cho người bệnh.

4. Anh hỗ trợ Việt Nam 130 tỉ đồng dự báo dịch sốt xuất huyết

Theo báo Tuổi trẻ (8/02/2018), Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết Cơ quan Vũ trụ Anh và một số đối tác hỗ trợ 6 triệu bảng (khoảng 190 tỉ đồng) cho Việt Nam để xây dựng công cụ cảnh báo sớm dịch sốt xuất huyết. Đây là một trong 10 dự án nhận tài trợ từ Chương trình Đối tác Quốc tế (IPP) của Cơ quan Vũ trụ Anh.

Cụ thể, dự án nhận 4,1 triệu bảng (gần 130 tỉ đồng) là khoản viện trợ không hoàn lại (ODA) từ Cơ quan Vũ trụ Anh và phần còn lại là đóng góp của các bên tham gia dự án, gồm: Bộ Y tế, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN); Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh Dịch tễ (NIHE), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP).

Theo Đại sứ quán Anh, một nhóm các tổ chức của Anh, đứng đầu là Công ty HR Wallingford sẽ cùng với các đối tác Việt Nam phát triển một công cụ cảnh báo sớm khả năng bùng phát dịch sốt xuất huyết, giúp các cơ quan y tế cộng đồng huy động và phân bổ nguồn lực ở những nơi cần thiết nhất. Dự án cũng sẽ hỗ trợ dự báo dịch sốt xuất huyết với những kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau.

Hệ thống sẽ liên kết dữ liệu vệ tinh Quan sát Trái đất với các mô hình dự báo bề mặt đất và khí hậu để lần đầu tiên dự đoán tác động của một loạt các yếu tố (ví dụ nguồn nước sẵn có, tình hình sử dụng đất và khí hậu) đến khả năng xảy ra dịch sốt xuất huyết trong tương lai.

Hệ thống cảnh báo sốt xuất huyết cũng bao gồm mô hình đánh giá tài nguyên nước, từ đó mang lại lợi ích bổ sung là cải thiện công tác quản lý nguồn nước tại các lưu vực sông xuyên biên giới đi qua Việt Nam.

Ban Biên tập website Viện