Điểm tin y tế tuần 07

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bệnh sán lá gan xuất hiện tại nhiều địa phương

Theo báo điện tử đài truyền hình Việt Nam, ngày 09/02/2017, do tập quán ăn uống, sinh hoạt của người dân không hợp vệ sinh nên tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng rất cao trong cộng đồng, theo các nghiên cứu gần đây của các Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng cho thấy, do tập quán ăn uống, sinh hoạt của người dân không hợp vệ sinh nên tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng rất cao trong cộng đồng. Bệnh chủ yếu là giun truyền qua đất, bệnh sán truyền qua thức ăn (sán lá gan, sán phổi, ấu trùng sán lợn…).

Riêng bệnh sán lá gan nhỏ (gây tổn thương gan, xơ gan...) được phát hiện tại 32 tỉnh thành phố. Trong đó, một số địa phương chiếm tỷ lệ cao như: Nam Định 34,8%, Hòa Bình 32,7%, Hà Nội 27,7%, Ninh Bình 25%, và Thanh Hoá 17,7%. Bên cạnh đó, nhiều loại côn trùng như kiến ba khoang, bọ xít hút máu, bọ đậu đen... thay đổi tập tính trú đậu, chuyển từ môi trường tự nhiên sang nhà dân, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

2. Khuyến cáo về phòng, chống thủy đậu

Theo Cục y tế dự phòng, ngày 08/02/2017, Bệnh Thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter (gây ra bệnh Thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Vi rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy Thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng Thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Bệnh Thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh Thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân. Để chủ động phòng tránh bệnh Thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

  1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
  2. Những trường hợp mắc bệnh Thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
  3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
  4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
  5. Tiêm vắc xin phòng bệnh Thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

3. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị tiêm vắc xin phòng Sốt vàng khi đến các khu vực đang có dịch trước tình hình bệnh sốt vàng đang gia tăng tại Brasil

Theo Cục Y tế dự phòng, 09/02/2017, Bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A do vi rút sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỷ lệ tử vong có thể đến 50%. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, sử dụng vắc xin phòng bệnh sốt vàng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và cho miễn dịch phòng sốt vàng suốt đời. Bệnh sốt vàng hiện đang lưu hành tại 42 quốc gia, chủ yếu ở các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ.

Theo WHO, từ tháng 12/2016 đến nay Brazil đã liên tục ghi nhận các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh Sốt vàng tại 4 bang (Bahia, Espírito Santo, Minas Gerais, São Paulo) của nước này. Đến nay, đã có 364 trường hợp mắc trong đó có 49 trường hợp tử vong. WHO đánh giá đây là đợt dịch lớn nhất, rộng nhất tại Brazil kể từ năm 2000 và người đến vùng dịch có nguy cơ cao bị nhiễm vi rút Sốt vàng. Tại các nước khu vực châu Á và tại Việt Nam đến nay không có dấu hiệu lây truyền và lưu hành bệnh sốt vàng, tuy nhiên, một số nước đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh về từ vùng có dịch, đồng thời nước ta có giao lưu, thương mại, hợp tác lao động với nhiều quốc gia đang có dịch, do đó có thể ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sốt vàng từ các nước đang có dịch trở vào nước ta hoặc nhiễm bệnh khi đi đến các khu vực đang có dịch. Vì vậy vấn đề quan trọng hiện nay là phòng bệnh đối với người đi đến vùng dịch và những người từ vùng dịch về có triệu chứng để được theo dõi, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng và tử vong.

Để chủ động phòng chống, không để mắc bệnh sốt vàng khi đến các vùng có dịch và các biến chứng nặng của bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đi/đến vùng dịch thực hiện tốt các nội dung sau:

  1. Người đến quốc gia khu vực châu Phi và Mỹ La tinh chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi/đến vùng có dịch để có miễn dịch suốt đời phòng bệnh Sốt vàng.
  2. Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần chủ động thực hiện các biện pháp xua muỗi và phòng phòng muỗi đốt.
  3. Người từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

4. Khuyến cáo Phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người.

Theo Cục y tế dự phòng, ngày 09/02/2017, Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người qua đường tiêu hoá, chủ yếu là từ lợn.

Biểu hiện của bệnh: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể, cơ thể lạnh, tụt huyết áp,... Bệnh dễ diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong cao. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh Liên cầu lợn ở người, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

  1. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.
  2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
  3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
  4. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
  5. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

5. Gia tăng số ca mắc quai bị tại Khánh Hòa

Theo báo điện tử đài truyền hình Việt Nam, ngày 09/02/2017, từ đầu năm tới nay, Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 24 trường hợp mắc bệnh quai bị, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, gần 50% số ca bị biến chứng viêm tinh hoàn. Hiện tại, các ngành chức năng vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân số ca mắc quai bị gia tăng.

Các bác sĩ khuyến cáo, quai bị là bệnh lây qua các đường tiếp xúc thông thường nên rất dễ lây lan trong cộng đồng, dễ bùng phát thành dịch. Đối tượng mắc đa phần là trẻ em. Do vậy, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm ngừa vắc xin. Khi thấy trẻ có biểu hiện như sốt cao, nôn mửa, đau và sưng tấy vùng dưới tai, cần đưa trẻ đến bác sỹ để kịp thời chữa trị.

6. Lần đầu tiên Việt Nam xác định được loại viêm não... giống bệnh tâm thần

Theo báo Phụ nữ, ngày 09/02/2017, thông tin từ Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Mai (nghiên cứu về bệnh viêm não tự miễn của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) cho biết: Ở tất cả các bệnh viêm não nói chung, chỉ có viêm não do nhiễm trùng tìm được nguyên nhân, còn hơn 60% bệnh viêm não hiện nay không tìm được yếu tố gây bệnh, trong đó có viêm não tự miễn. Viêm não tự miễn là tự cơ thể sinh ra kháng thể, rồi chúng gắn kết vô các thụ thể của tế bào thần kinh gây ra bệnh viêm não. Người bị viêm não tự miễn là bệnh hiếm, người bệnh có triệu chứng: lo âu, la hét, sợ hãi, tay múa máy và tự cắn lưỡi… thông thường bệnh nhân sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Trong các kháng thể gây bệnh thì hiện nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới mới tìm ra được kháng thể NMDA. Kháng thể này gắn kết vô các thụ thể của tế bào thần kinh gây ra bệnh viêm não.

Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới phát hiện ra kháng thể NMDA gây viêm não tự miễn vào năm 2005. Bệnh viêm não tự miễn do kháng thể NMDA gây ra thường gặp ở phụ nữ dưới 30 tuổi. Hiện cơ chế sinh ra kháng thể NMDA vẫn chưa rõ, nhưng y học ghi nhận phụ nữ bị bướu buồng trứng dễ sản sinh ra kháng thể NMDA. Trước đây, nếu viêm não tự miễn chưa tìm được nguyên nhân thì bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng của bệnh. Ví dụ, nếu bệnh nhân co giật thì sử dụng thuốc chống co giật, bị suy hô hấp thì dùng máy thở…Người bệnh phải nằm điều trị dai dẳng từ 6 - 12 tháng. Bệnh xảy ra chủ yếu ở phụ nữ, nhưng ở Việt Nam do mới làm được kỹ thuật này, nên số ca phát hiện mới có 13 ca chưa đủ nói phụ nữ mắc nhiều hay ít, vì có 5 ca bệnh là nam giới.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Bé trai 3 tuổi bị liệt sau khi bị ve đốt

Theo trang điện tử afamily.vn, ngày 10/2/2017, chỉ một đêm sau khi ngủ dậy, bé trai 3 tuổi tên Collin bỗng dưng không thể đi được và thậm chí không thể ngồi vững nữa. Dillon và Stephanie (phụ huynh của bé) cho biết vào tối hôm trước, Collin chơi đùa với anh trai và té đập đầu xuống đất, thế nhưng sau đó bé vẫn đứng dậy, cười đùa và khỏe mạnh như bình thường. Rõ ràng là Collin không hề có dấu hiệu gì của việc bị chấn động não, nhưng việc bé gần như trở thành bại liệt như vậy khiến cho gia đình vô cùng hoảng loạn rằng có những điều gì khác kinh khủng hơn đã xảy ra. Sau khi được đưa vào phòng cấp cứu và làm nhiều xét nghiệm, bác sĩ cũng khẳng định rằng, ngoài vết xước nhỏ xíu trên đầu thì Collin không hề có một chấn thương nào ảnh hưởng đến chức năng của não. Thế nhưng tình hình của cậu bé thì ngày một xấu đi. Collin bị liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống và hầu như không thể ăn uống gì được nữa. Các y bác sĩ ở bệnh viện cũng không thể tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh của cậu bé tội nghiệp.

Bố mẹ Collin yêu cầu cho cậu bé được chuyển tới một bệnh viện nhi lớn hơn để theo dõi. Tại đây, các bác sĩ đã nói với Dillon và Stephanie rằng chỉ cần chậm cỡ 30 phút thôi, có lẽ là Collin đã bị trụy tim và không giữ được mạng sống nữa rồi. Tại bệnh viện mới, sau khi kiểm tra tỉ mỉ tình trạng của cậu bé, các bác sĩ thần kinh và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã vỡ òa khi tìm ra được hung thủ gây nên chứng bại liệt. Đó là một con ve nhỏ bấu ở phía sau lỗ tai của Collin. Bác sĩ Travis Stork tại phòng cấp cứu cho biết, tình trạng ve đốt là khá phổ biến, nhưng bị liệt là trường hợp hiếm gặp khi phản ứng với nước bọt của ve (hoàn toàn không liên quan đến chứng bệnh Lyme - một loại bệnh truyền nhiễm thường gặp do bị ve đốt). Bác sĩ cũng giải thích rằng, trong nước bọt của ve có chứa một loại chất độc thần kinh mà khi truyền vào máu, sẽ gây ra tình trạng bại liệt tăng dần, đầu tiên là ở chân, và sau đó lan ra khắp cơ thể. Sau khi con ve được loại bỏ, sức khỏe của Collin lập tức có những chuyển biến tốt lên, cậu bé dần lấy được cảm giác ở chân và khôi phục lại khả năng vận động.

Loài ve chủ yếu ký sinh ở động vật để hút máu, nhất là chó, và có khả năng lây lan nhanh chóng khi các con vật tiếp xúc với nhau. Đối với con người, đặc biệt là trẻ nhỏ khi bị ve đốt sẽ rất dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, một số loại ve còn có thể tiết ra độc tố nguy hiểm. Qua câu chuyện của mình, Dillon và Stephanie cũng muốn chia sẻ để các bậc phụ huynh lưu ý hơn trong việc giữ gìn vệ sinh trong gia đình và các loại vật nuôi trong nhà, cũng hy vọng không ai sẽ phải gặp trường hợp không may như mình nữa.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,