Điểm tin y tế tuần 1 - 2016

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Phải hoàn trả kinh phí nếu đề tài không cho ra sản phẩm như cam kết

Ngày 30/12/2015, Liên bộ KHCN và Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Thông tư, sẽ có 2 phương thức khoán chi để các nhà khoa học lựa chọn: Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng áp dụng đối với các đề tài, dự án xác định được cụ thể sản phẩm đầu ra; khoán từng phần khi sản phẩm đầu ra chưa rõ hoặc năng lực thực hiện của nhà khoa học chưa đáp ứng được sản phẩm đầu ra như đặt hàng.

Với các khoản kinh phí đã được khoán, các nhà khoa học thực hiện đề tài có quyền chi theo thực tế mà không phụ thuộc vào định mức và dự toán.

Thông tư sẽ có hiệu lực từ 15/2/2016

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Những thành tự khoa học về y tế năm 2015

Năm 2015 là năm có nhiều lĩnh vực khoa học phát triển lớn, trong đó về y học có các thành tựu:

- Chỉnh sửa gene: Phương pháp này được đưa ra từ năm 2014 nhưng đến năm 2015, khoa học đã đạt được những tiến bộ quan trọng cho phép chỉnh sửa dễ dàng cấu trúc gene của con người. Việc phát minh ra phương pháp chỉnh sửa cấu trúc gene có thể ứng dụng được vào nhiều lĩnh vực như điều trị các chứng rối loạn mắt hiếm, làm cho các loài thực vật không gây dị ứng cho cơ thể người…

- Thành công trong việc phẩu thuật ghép mặt: Trung tâm Y tế Langone của Đại học New York (Mỹ) đã tiến hành ghép mặt (được người khác hiến tặng) cho một lính cứu hỏa bị bỏng nặng khuôn mặt từ năm 2001. Ca phẫu thuật kéo dài đến 26 giờ với sự tham gia của khoảng 100 người. Đầu tiên, người ta tách khuôn mặt của người hiến tặng, sau đó loại bỏ các phần da, cơ bị hủy hoại của bệnh nhân và gắn khuôn mặt của người hiến tặng vào.

- Tạo ra thiết bị "đóng băng" vết thương do đạn bắn trong 20 giây: Thông thường những vết thương nghiêm trọng cần phải được xử lý và khâu lại càng nhanh càng tốt. Năm 2015, tại Mỹ đã cho ra đời một thiết bị y tế có dạng ống tiêm giúp bơm “bọt biển” nhỏ vào các vết thương sâu. Khi tiếp xúc với máu, “bọt biển” sẽ mở rộng và bịt kín vết thương cho tới khi người bị thương nhận được xử lý cần thiết. Thiết bị này đã được đưa vào sử dụng cho quân đội từ năm ngoái và hiện tại đã được cung cấp rộng rãi để xử lý các vết thương tại gia.

- Cấy ghép tử cung và dương vật: Phẫu thuật ghép tử cung đầu tiên tại Mỹ đang được lên kế hoạch thực hiện. Đây là hi vọng lớn dành cho những phụ nữ khao khát có con nhưng không có tử cung hoặc tử cung bị tổn thương. Từ trước đến nay chỉ mới có Thụy Điển là thành công trong việc cấy ghép tử cung. Năm 2015, các nhà khoa học cũng cố gắng để sớm thực hiện được việc cấy ghép dương vật tại Mỹ. Đến nay, chỉ có 2 ca phẩu thuật dạng này được tiến hành và chỉ mới có một trường hợp thành công.

- Khai thác hệ thống miễn dịch để chống lại ung thư: Sau nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng, các loại thuốc sử dụng hệ thống miễn dịch như là một cách để điều trị ung thư đã khiến nhiều người thất vọng vì hiệu quả tương đối thấp. Tuy nhiên, có thể trong tương lai có thể sẽ khác. Trường hợp cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, người đầu tiên khỏi bệnh ung thư sau khi thử nghiệm loại thuốc Keytruda (được FDA Mỹ phê chuẩn trong năm 2014). Năm 2015, loại thuốc mới này đã được phê chuẩn để sử dụng trong điều trị nhiều loại bệnh ung thư khác và tỏ ra là một giải pháp khá hữu hiệu.

- Chân tay giả có khả năng tùy chỉnh: Việc nghiên cứu, sản xuất các chân tay giả đã đạt được bước tiến rất lớn trong năm 2015. Các nhà khoa học tại ĐH Johns Hopkins đã tạo ra một cánh tay robot kết nối trực tiếp với não của một bệnh nhân 24 tuổi mắc bệnh tê liệt để giúp bệnh nhân có thể "cảm nhận".

- Vắc xin sốt xuất huyết lần đầu tiên được ứng dụng: Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, Chính phủ Mexico đã phê duyệt đưa vào sử dụng vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Vì loại bệnh này có 4 chủng khác nhau nên các nhà khoa học đã hết sức khó khăn trong việc tìm ra được một loại vắc xin có thể giải quyết được tất cả.

- Những tiến bộ quan trọng hướng đến việc xóa bỏ HIV/AIDS: Năm 2015, đã có nhiều bước tiến lớn trong việc ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS. Một loại vắc-xin chống HIV đã được đưa vào thử nghiệm trên cơ thể người và đã chứng tỏ được hiệu quả bước đầu. Song song đó, việc tiêm thuốc mới điều trị HIV mà chỉ phải tiêm 1 hoặc 2 tháng một lần đang dần trở thành hiện thực. Một tin tốt lành khác là loại thuốc này vẫn chưa mang lại một tác dụng phụ đáng kể nào cho những người tình nguyện cho đến thời điểm này.

2. Phát hiện vi rút cúm lợn ở Trung Quốc có thể lây sang người

Cúm lợn là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra do các vi rút cúm thuộc typ A (như H3N2, H1N1..) lây lan rất nhanh, được phát hiện lần đầu tiên năm 1918 ở vùng Bắc nước Mỹ, từ đây lây lan sang một số nước trên thế giới. Bệnh đã lây sang người và phát triển thành đại dịch cúm ở một số quốc gia trên thế giới vào năm 1918 gây tử vong 20 triệu người. Theo WHO, từ năm 1959 -1983 đã có khoảng 24 triệu người từ 14 - 30 tuổi bị nhiễm vi rút cúm lợn và tử vong ở nhiều quốc gia. Từ đầu tháng 4/2009 đến nay, trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ công bố có cúm lợn, trên 295.000 người mắc bệnh trong đó có hàng nghìn người tử vong.

Tại Trung Quốc, vi rút cúm lợn H1N1 được tìm thấy ở 139 con heo trong tổng số 36.417 con được lấy mẫu xét nghiệm tại 10 tỉnh. Có 3,6% trẻ em dưới 10 tuổi và 13,4% người từ 60 tuổi trở lên có kháng thể chống lại một trong các phân nhóm vi rút có đặc điểm giống vi rút cúm H1N1 vừa được phát hiện. Song, không một người nào trong độ tuổi trưởng thành có kháng thể này. Các loại vi rút cúm lợn và cúm gia cầm sau khi biến đổi gen có thể biến thành một dạng virút nguy hiểm, có khả năng gây ra dịch bệnh lớn đối với nhân loại. Tại Việt Nam bệnh cúm lợn đã lâu bệnh không xảy ra và không được tiếp tục nghiên cứu.

Phòng bệnh, trước hết là phòng bệnh ở lợn, quy hoạch nuôi giữ, thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh thú y, tiêm vắc xin cho đàn lợn…. Đối với người, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, phòng bệnh bao gồm che miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khẩu trang, khăn tay hoặc tay áo; giữ gìn vệ sinh cá nhân; rửa tay thường xuyên với xà phòng và tránh chạm tay vào mặt; tránh xa những người bị bệnh; nếu đã tới vùng dịch trong vòng 7 thì cần theo dõi cá nhân; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, đau người, đau đầu, ớn lạnh và mệt mỏi cần phải đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời và thông báo cho cơ sở y tế.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,