Điểm tin y tế tuần 11

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Tăng cường công tác phòng chống bệnh Ho gà.

Ngày 06/3/2017, Bộ Y tế ban hành Công văn số 905/BYT-DP về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh Ho gà.

Bệnh Ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp, diễn biến bệnh có thể dẫn đến tử vong. Trong những tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc ho gà tại một số tỉnh, thành phố so với cùng kỳ năm 2016, tập trung chủ yếu tại một tỉnh khu vực phía Bắc. Để chủ động phòng chống bệnh ho gà, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế chỉ đạo thực hiện:

  1. Thực hiện triệt để việc tiêm vắc xin, tổ chức rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, thông báo cho đối tượng tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều, tránh bỏ sót đối tượng, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 95% ở quy mô xã, phường. Thực hiện tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm, kiên quyết xóa các vùng lõm trong tiêm chủng.
  2. Thực hiện giám sát chủ động, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời không để dịch bùng phát. Triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ… đề phòng nguy cơ lây truyền bệnh.
  3. Tăng cường truyền thông vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ liều, tránh tình trạng trì hoãn, đợi chờ tiêm vắc xin.
  4. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh tại khu vực có nguy cơ cao, địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế

Theo Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe trung ương ngày 10/3/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế.Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia trực thuộc Bộ Y tế có chức năng tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia do Bộ Y tế ban hành và tổ chức đàm phán giá thuốc thuộc danh mục thuốc đàm phán giá theo quy định của pháp luật. Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm…

Đây là đơn vị sự nghiệp thứ 83 trực thuộc Bộ Y tế. Theo đó, việc đấu thầu tập trung sẽ chia 3 cấp. Bộ Y tế đã có danh mục thuốc đấu thầu cấp quốc gia, còn cấp sở y tế, đơn vị sự nghiệp sẽ đấu thầu theo danh mục thuốc riêng. Việc có Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia sẽ giúp việc tham chiếu về giá ở mức tối đa, tối thiểu, cố gắng quản lý giá thuốc tốt, tránh sự chênh lệch giữa các vùng miền, giảm giá thuốc.

2. Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM chính thức hoạt động

Theo Báo Sài gòn giải phóng, ngày 11/3/2017, UBND TP.HCM đã tổ chức công bố Quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM (ATTP).

Ban Quản lý ATTP TP.HCM là cơ quan trực thuộc UBND TP.HCM, được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng giúp UBND TP tổ chức thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TP, giải quyết dứt điểm tình trạng không đảm bảo ATTP trên địa bàn; đồng thời khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành....Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm.

3. 82 ca mắc bệnh ho gà: Chỉ có vắc xin là cách phòng bệnh tốt nhất

Theo Báo Sức khỏe đời sống, ngày 10/3/2017, ho gà là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nếu chưa có miễn dịch sẽ dễ mắc bệnh, diễn biến nặng có thể dẫn đến tử vong.

Dù là bệnh có vắc xin phòng nhưng hiện nay bệnh ho gà chưa được loại trừ nên hàng năm vẫn còn gặp những ca mắc bệnh rải rác tại một số địa phương trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã ghi nhận 82 trường hợp mắc ho gà tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam… trong đó Hà Nội có ca mắc cao nhất với 21 trường hợp, có một ca tử vong. Bốn trường hợp tử vong khác tại Cao Bằng, Nam Định (2 ca), Nghệ An. Riêng trong năm 2017, 80% số ca mắc là trẻ dưới 3 tháng tuổi và phần lớn rơi vào nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa tiêm chủng phòng ngừa ho gà. Các trẻ mắc bệnh cũng không nhận được miễn dịch từ mẹ truyền cho con do mẹ chưa tiêm phòng dịch trước đó.

4. Tình hình dịch bệnh trong tháng 02/2017

Theo báo cáo số 204/BC-BYT ngày 22/02/2017 của Bộ Y tế thì tình hình dịch bệnh trong tháng 02/2017 như sau:

  1. Tả: trong tháng không ghi nhận trường hơp mắc.
  2. Thương hàn: Trong tháng ghi nhân 6.245 trường hợp mắc, không có ghi nhận trường hợp tử vong. Tích lũy từ dầu năm, cả nước ghi nhận 9.863 trường hợp mắc, không trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (17.124/4) số mắc giảm 42%, tử vong giảm 04 trường hợp.
  3. Viêm não vi rút: Trong tháng ghi nhận 36 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước có 44 trường hợp mắc.
  4. Viêm màng não do não mô cầu: Trong tháng ghi nhận 03 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước có 05 trường hợp mắc.
  5. Cúm A (H5N1): Trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.
  6. Tay chân miệng: Trong tháng, cả nước ghi nhận 2.870 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 4.544 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (3.770 trường hợp mắc/0 tử vong), số mắc tăng 20,5%.
  7. Bệnh do vi rút Zika: Trong tháng cả nước ghi nhận 06 trường hợp mắc, trong đó tại TP.HCM (4), Đồng Nai (1) và Lâm Đồng (1) trên tổng số 50 mẫu xét nghiệm. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhậ 13 trường hợp mắc tại TP. HCM (9), Bình Dương (2), Đồng Nai (1) và Lâm Đồng (1) trong số 92 mẫu xét nghiệm.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Ô nhiễm môi trường giết chết 1,7 triệu trẻ em mỗi năm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 06/3/2017, các vấn đề môi trường phải chịu trách nhiệm cho một phần tư số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới (hơn 1,7 triệu trẻ em). Chưa dừng lại, các chuyên gia dự báo mối đe dọa ngày càng gia tăng khi ô nhiễm trở thành vấn đề toàn cầu. Tiêu chảy, sốt rét, viêm phổi, những dịch bệnh dễ gây tử vong nhất cho trẻ em sẽ còn trở nên trầm trọng hơn trong tương lai.

WHO cho biết trẻ em có thể bắt đầu tiếp xúc với các tác nhân ô nhiễm, từ khi còn trong dạ con của người mẹ. Sau khi được sinh ra và bước vào giai đoạn sơ sinh đến dưới 5 tuổi, trẻ tiếp tục phải sống trong môi trường ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, từ viêm phổi cấp đến các bệnh hô hấp mạn tính như hen. Ô nhiễm không khí cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim, đột qụy và ung thư trong suốt cuộc đời sau này, khi những đứa trẻ vượt qua được giai đoạn 5 tuổi và lớn lên. Trẻ em cũng là đối tượng dễ phơi nhiễm với nhiều hóa chất độc hại, thông qua thực phẩm, nước, không khí và vô vàn sản phẩm xung quanh.

Theo bản báo cáo mới nhất của WHO, mỗi năm cả thế giới có:

1) 570.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi. Nguyên nhân từ ô nhiễm không khí trong nhà, ngoài trời và hít phải khói thuốc thụ động.

2) 361.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì tiêu chảy, do không có nguồn nước sạch và hậu quả của điều kiện vệ sinh kém.

3) 200.000 trẻ em tử vong ngay trong tháng đầu tiên vì những điều kiện hoàn toàn có thể phòng ngừa, liên quan đến nước sạch, vệ sinh và không khí.

4) 200.000 trẻ em tử vong khi chưa tới 5 tuổi vì sốt rét, liên quan đến môi trường kém vệ sinh dẫn đến sự sinh sản của muỗi.

2. Thuốc mới giúp giảm tỉ lệ tử vong ung thư máu

Theo Channel NewsAsia, thuốc ETC-206 là sản phẩm do nhóm nghiên cứu thuộc Trường Y khoa thuộc ĐH Quốc gia Singapore - Duke (NUS-Duke), đơn vị Phát triển và Sáng chế Thuốc thuộc Viện Nghiên cứu, Công nghệ và Khoa học Singapore (A*STAR) và Trung tâm Chữa bệnh Thực nghiệm (ETC) bào chế tại Singapore.

ETC-206 có khả năng giảm tỉ lệ tử vong vì bệnh bạch cầu xuống thấp hơn so với phương pháp hóa trị truyền thống vốn tấn công cả hệ thống miễn dịch lẫn các tế bào ung thư. Đặc biệt ETC-206 có thể ức chế enzym Mnk trong các tế bào ung thư. Enzym Mnk có tác dụng thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào. Do vậy nếu có thể ức chế loại enzym này thì có thể ngăn chặn sự lây lan và phát triển của bệnh ung thư. Thuốc ETC-206, đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên 34 tình nguyện viên khỏe mạnh. Kết quả cho đến ngày hôm nay cho thấy cơ thể con người có thể thích ứng tốt với loại thuốc này qua đường uống. Các thông tin trong thử nghiệm lâm sàng sẽ giúp nhóm nghiên cứu đánh giá được sự an toàn và hiệu quả của thuốc trên cơ thể con người. Giai đoạn 2 của thử nghiệm sẽ bắt đầu vào tháng 8 trên những bệnh nhân bạch cầu giai đoạn muộn.

Ung thư vẫn là một trong những nguyên nhân gây chết người hàng đầu tại Singapore. Số người chết vì ung thư chiếm khoảng 30% tổng số người chết ở Singapore năm 2015.

Ban Biên tập website Viện