Điểm tin y tế tuần 14 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Hết tháng 5, Việt Nam dừng lưu hành vaccine Quinvaxem 5 trong 1

Theo NDĐT (27/3/2018), Bộ Y tế cho biết, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem, do đó, số vaccine Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5-2018 trên quy mô toàn quốc.

Trong hơn bảy năm qua, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã sử dụng vaccine Quinvaxem để tiêm cho trẻ dưới một tuổi. Vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Do nhà sản xuất ngừng sản xuất Quinvaxem nên Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vaccine này bằng loại vaccine phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Theo kế hoạch, loại vaccinephối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại bốn tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc vào cuối quý II năm 2018. Vaccine Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vaccine phối hợp 5 trong 1.

Bộ Y tế cũng cho biết, để tiếp tục duy trì thành tựu và kết quả công tác tiêm chủng mở rộng, năm 2018, Bộ Y tế có kế hoạch đưa một số vaccine mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

2. Lần đầu tiên ghép xương tay cho bệnh nhân ung thư xương ở VN

TTO (30/03/2018), Ca phẫu thuật cho bệnh nhân Đỗ Thị N. (16 tuổi) được ê kíp Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện K thực hiện. Đây là lần đầu tiên ca mổ ghép xương cho bệnh nhân ung thư xương được thực hiện tại VN. Bệnh nhân N. bị ung thư xương cánh tay và đã trải qua 6 đợt điều trị hóa chất, sau điều trị hóa chất có chỉ định phẫu thuật điều trị bảo tồn cánh tay cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Trần Quang Sáng (Bệnh viện K), trước đây thông thường những trường hợp như N. phải cắt cụt cánh tay hoặc cắt đầu trên xương cánh tay của bệnh nhân, dẫn đến cánh tay mất chức năng và ảnh hưởng thẩm mỹ.

Với bệnh nhân N., lần đầu tiên các bác sĩ đã cắt đầu trên xương cánh tay cách khối u 2 cm để tránh tái phát sớm, đoạn cắt dài 18 cm. Tuy nhiên, khớp vai nhân tạo dài nhất chỉ 13 cm dẫn đến tay bị ngắn. Vì vậy các bác sĩ đã ghép xương đồng loại sau đó mới đưa chỏm nhân tạo vào khớp vai, giúp phục hồi chức năng chi, khớp và thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, cánh tay được bảo tồn tiếp xúc tốt. Ung thư xương là thể bệnh có tỷ lệ ác tính cao, nhưng với kỹ thuật hiện nay thì trên 70% bệnh nhân có thể sống thêm được 5 năm.

3. Công bố Quốc tế về 9 chất mới điều trị tiểu đường từ dây thìa canh Việt Nam

Mới đây, Tạp chí Quốc tế hàng đầu Châu Âu Phytochemistry đã công bố nghiên cứu lần đầu tiên tìm ra chín chất mới trong Dây thìa canh Việt Nam có hiệu quả trong việc giảm đường huyết cho người mắc bệnh tiểu đường.

9 chất mới được tìm thấy trong Dây thìa canh “made in Việt Nam”

Đầu tháng 3-2018, tạp chí khoa học quốc tế uy tín hàng đầu Châu Âu Phytochemistry (tạp chí chính thức của Hiệp hội Thực vật Hóa học Châu Âu và Hiệp hội Thực vật Hóa học Bắc Mỹ) đã công bố nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng sinh học của Dây thìa canh Việt Nam.

Mẫu nghiên cứu là dây thìa canh tại vùng trồng đạt tiêu chuẩn GACP- WHO trồng tại vùng Hải Hậu Nam Định của công ty Nam Dược. Tất cả các mẫu được thu thập năm 2016.

Công trình nghiên cứu là sự hợp tác của nhóm các nhà khoa học thuộc khoa Dược, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc và công ty cổ phần Nam Dược.

Kết quả nghiên cứu gây ấn tượng khi phân lập được 9 hoạt chất saponin có tên là Gymnemosides ND1 - ND9 lần đầu tiên được tìm thấy từ thực vật, có tác dụng giúp hạ đường huyết. Đồng thời tìm ra được thời điểm những hoạt chất này có tích lũy hàm lượng cao nhất để thu hái là vào tháng 5 và tháng 10.

Đây được coi là một phát hiện mang tính đột phá, giúp xác định được hoạt chất thực sự có tác dụng hạ đường huyết từ Dây thìa canh để phục vụ cho việc sàng lọc thuốc điều trị đái tháo đường trong tương lai.

4. Bộ Y tế đưa một số vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng

Theo báo Dân trí, Để tiếp tục duy trì thành tựu và kết quả công tác tiêm chủng mở rộng, năm 2018, Bộ Y tế có kế hoạch đưa một số vắc xin mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Cụ thể, đối với vắc xin phòng bệnh Sởi - Rubella: Giai đoạn 2014 - 2016, Việt Nam đã triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho hơn 23 triệu trẻ em dưới 19 tuổi trên toàn quốc do Ấn độ sản xuất, góp phần kiểm soát dịch bệnh sởi rubella, năm 2017 số ca mắc thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin Sởi - Rubella. Trong tháng 3/2018, vắc xin Sởi - Rubella được đưa vào sử dụng trong chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại 04 tỉnh, kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vắc xin Sởi - Rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016.

Theo kế hoạch, từ tháng 4/2018, vắc xin Sởi - Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR.

TIN TỨC THẾ GIỚI

1. Kháng sinh mới tiêu diệt vi khuẩn kháng thuốc

Theo báo Dân trí, Một nghiên cứu mới được xuất bản trên tờ Journal of Medicinal Chemistry đã cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy dạng tổng hợp mới của thuốc kháng sinh teixobactin có thể vô hiệu hóa các vi khuẩn kháng thuốc.

Theo CDC, kháng kháng sinh là "một trong những vấn đề sức khoẻ cộng đồng bức xúc nhất thế giới".

Riêng ở Mỹ, mỗi năm có 2 triệu người bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, với hậu quả là hơn 23.000 người tử vong.

Mối đe dọa của mầm bệnh kháng kháng sinh đặc biệt cao ở các cơ sở y tế.

Ba năm trước, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một loại kháng sinh tự nhiên có tên là teixobactin có thể có khả năng tiêu diệt MRSA và VRE.

Giờ đây, một nhóm các nhà nghiên cứu đã lần đầu tiên tạo ra được phiên bản tổng hợp của thuốc này và sử dụng thành công để điều trị nhiễm trùng ở chuột.

Thuốc kháng sinh mới được xem là một bước ngoặt và những phát hiện này có thể "dẫn tới nhóm thuốc kháng sinh mới đầu tiên trong vòng 30 năm qua".

Ý nghĩa của những phát hiện này là ở chỗ khi teixobactin được phát hiện, bản nó đã là một bước đột phá như một loại thuốc kháng sinh mới tiêu diệt vi khuẩn mà không gây kháng thuốc, bao gồm các loại “siêu vi khuẩn” như MRSA, nhưng teixobactin tự nhiên không được tạo ra để sử dụng cho người.

Ban Biên tập website Viện