VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO
1. Tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân
Hiện nay trên thế giới đã ghi nhận 278 trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em từ 01 tháng tuổi đến 16 tuổi, trong đó có 5 ca tử vong. Các trường hợp bệnh tập trung chủ yếu tại Anh, Tây Ban Nha, Israel, Mỹ và một số quốc gia Châu Âu. Khu vực Châu Á cũng đã ghi nhận các ca bệnh tại Nhật Bản, Indonesia.
Trước tình hình đó, ngày 9/5, Bộ Y tế ban hành công văn số 2329/BYT-DP Về việc tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân. Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Hầu hết các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (như virus viêm gan A, B, C, D và E).
Để phòng bệnh viêm gan bí ẩn cho trẻ cần chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn. Trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia đầy đủ để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường các hoạt động thể chất ngoài trời. Theo dõi sát trẻ, khi có dấu hiệu nghi ngờ thì cho trẻ đi khám tại bệnh viện.
Bộ Y tế cũng đề nghị tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống bệnh viêm gan virus theo Quyết định số 4531/QĐ-BYT ngày 24/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan virus giai đoạn 2021- 2025.
Chi tiết công văn số 2329/BYT-DP ngày 9/5/2022.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Việt Nam bỏ khai báo y tế nội địa
Hiện nay, dịch Covid-19 tại nước ta đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với số ca nhiễm, tử vong giảm rõ rệt (hiện chỉ còn dưới 10 ca tử vong/ngày). Tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao trên phạm vi toàn quốc (trên 96% ở nhóm trên 12 tuổi và đang triển khai tiêm vaccine cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi). Vaccine phòng Covid-19 vẫn có hiệu quả với các biến thể virus SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành.
Căn cứ tình hình, khả năng đáp ứng dịch Covid-19 của nước ta và thực hiện Nghị quyết số 38 của Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa (di chuyển nội địa, nơi công cộng, nhà hàng...).
2. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay (8/5/2022) Việt Nam 10.676.184 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.897 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.668.433 ca, trong đó có 9.317.774 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.591.431), TP. Hồ Chí Minh (608.729), Nghệ An (482.633), Bắc Giang (385.799), Bình Dương (383.517).
Về tình hình tử vong, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.056 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Về tình hình xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 39.501.731 mẫu tương đương 85.805.439 lượt người.
Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 215.688.790 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 196.483.237 liều: Mũi 1 là 71.452.664 liều; Mũi 2 là 68.658.415 liều; Mũi 3 là 1.505.954 liều; Mũi bổ sung là 15.241.704 liều; Mũi nhắc lại là 39.624.500 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.243.856 liều: Mũi 1 là 8.911.337 liều; Mũi 2 là 8.473.718 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.820.498 liều (mũi 1).
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới
Tính đến 18h ngày 08/5 (theo giờ VN), toàn thế giới có 517.082.145 ca nhiễm, trong đó 471.770.552 ca khỏi bệnh; 6.276.040 ca tử vong và 39.035.553 ca đang điều trị (39.911 ca diễn biến nặng).
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận hơn 83.581.715 triệu ca mắc và 1.024.546 triệu ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, hơn 43.105.401 triệu ca. Thứ ba là Brazil, với số ca mắc được ghi nhận là 30.564.536 và số ca tử vong là 664.189 nghìn ca.
Châu Âu vẫn chiếm số ca nhiễm đứng đầu với 192,9 triệu ca, tiếp đến là châu Á với trên 148,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 98,9 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,9 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,9 triệu ca và châu Đại Dương trên 7,5 triệu ca nhiễm.
Ban Biên tập website Viện
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)