Điểm tin y tế tuần 17

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Chuẩn năng lực lãnh đạo, quản lý cơ bản của giám đốc bệnh viện

Ngày 14/3/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 866/QĐ-BYT về việc phê duyệt tài liệu “chuẩn năng lực lãnh đạo, quản lý cơ bản của giám đốc bệnh viện”

Theo đó, chuẩn năng lực lãnh đạo, quản lý cơ bản của Giám đốc Bệnh viện được cấu trúc theo khuôn mẫu chung của các bộ chuẩn năng lực trên thế giới (Anh, Mỹ,...) và được chia thành 4 nhóm như sau:

- Nhóm 1: Năng lực lãnh đạo và quản lý cơ bản.

- Nhóm 2: Năng lực triển khai thực hiện các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.

- Nhóm 3: Năng lực quản lý các nguồn lực như nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thông tin y tế.

- Nhóm 4: Năng lực quản lý hoạt động chuyên môn và cung cấp dịch vụ y tế.

Các năng lực này là căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo quản lý Y tế ở các vị trí công tác khác nhau từ trung ương đến tuyến tỉnh, huyện và xã.

2. Giám sát hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh nghi do vi rút Zika

Ngày 13/04/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1425QĐ-BYT về việc hướng dẫn giám sát hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh nghi do vi rút Zika.

Theo Hướng dẫn, phụ nữ mang thai có ít nhất một trong các tiêu chí như: Các trường hợp bệnh nghi ngờ, bệnh có thể, bệnh xác định do vi rút Zika; Trường hợp nghi ngờ thai nhi có đầu nhỏ sau khi siêu âm 02 lần liên tiếp, cách nhau 02 tuần và trẻ sơ sinh có đầu nhỏ hoặc trẻ sinh ra từ mẹ thuộc các trường hợp bệnh xác định do vi rút Zika cần phải được giám sát tại các cơ sở y tế có quản lý thai, đỡ đẻ. Trẻ sơ sinh có đầu nhỏ, trẻ sinh ra từ mẹ thuộc các trường hợp bệnh xác định do vi rút Zika hoặc trẻ dưới 01 tuổi có đầu nhỏ (kích thước vòng đầu nhỏ hơn -2SD theo tuổi và giới) cần được giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhi khoa…

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Tình hình dịch bệnh tính đến 17/4/2017

- Tả (A00): Trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

- Thương hàn (A01): Trong tháng ghi nhận 44 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 131 trường hợp mắc (87 trường hợp được chẩn đoán xác định), không trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp mắc tăng tăng 3,9% trường hợp (131/126).

- Sốt xuất huyết (A90): Trong tháng ghi nhận 6.895 trường hợp mắc, 02 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 20.947 trường hợp mắc, có 08 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016 (28.388/7) số mắc giảm 26,2%, số trường hợp tử vong tăng 01 trường hợp.

- Viêm não vi rút (A83-A89): Trong tháng ghi nhận 56 trường hợp mắc, 05 trường hợp tử vong nghi do viêm não vi rút. Tích lũy từ đầu năm, cả nước có 129 trường hợp mắc, 05 trường hợp tử vong nghi do viêm não vi rút.

- Viêm màng não do não mô cầu (A39): Trong tháng ghi nhận 01 trường hợp mắc, 02 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước có 11 trường hợp mắc, 02 trường hợp tử vong.

- Cúm A (H5N1): Trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

- Tay chân miệng: Trong tháng, cả nước ghi nhận 4.515 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 10.787 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (8.542/0), số mắc tăng 26,3%.

- Bệnh do vi rút Zika: Trong tháng cả nước ghi nhận 05 trường hợp mắc tại Tp. HCM (4) và Đồng Nai (1) trong tổng số 50 mẫu xét nghiệm. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 21 trường hợp mắc tại Tp. HCM (15), Bình Dương (2), Đồng Nai (2), Lâm Đồng (1) và Khánh Hòa (1) trong tổng số 251 mẫu xét nghiệm.

- Bệnh ho gà: Trong tháng ghi nhận 14 trường hợp mắc, không tử vong. Tích lũy từđầu năm, cả nước ghi nhận 220 trường hợp mắc (146 trường hợp đãđược chẩn đoán xác định), 05 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp mắc tăng 157 trường hợp (220/63), số tử vong tăng 3 trường hợp (5/2).

- Bệnh do liên cầu lợn ở người: Trong tháng ghi nhận 09 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 34 trường hợp mắc (23 trường hợp được chẩn đoán xác định), 03 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp mắc tăng 24 trường hợp (34/10), số tử vong tăng 01 trường hợp (3/2).

2. Chủ tịch Quốc hội: Thực phẩm bẩn khiến cuộc sống không yên bình

Theo báo Dân trí, ngày 21/4/2017, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân trần, nguyên nhân gây ung thư hàng đầu với người Việt không phải do thực phẩm bẩn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, mức độ nguy hại của thực phẩm bẩn ngày càng nhiều, làm người ta cảm thấy cuộc sống không yên bình…Đây là những quan điểm khác nhau được đưa ra tại phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội chiều ngày 20/4 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội nêu nhiều nhận định, con số. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng, là một thách thức lớn. Trong thời gian này, toàn quốc ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc với gần 31.000 người mắc, 25.600 người phải nhập viện, 164 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm tỷ lệ 26,6%)…Trong 5 năm, có hơn 150.000 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành được thành lập, kiểm tra được trên 3,3 triệu cơ sở, phát hiện gần 680.000 cơ sở vi phạm (tương đương 20,3%). Dù vậy, theo thống kê của Bộ công an, trong thời gian đó, chỉ có 1 vụ việc được khởi tố hình sự, 9 vụ khác được đề nghị truy tố.

Cơ bản đồng tình với báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát tối cao nhưng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến cũng giải thích, hiện nay, nguyên nhân hàng đầu gây ung thư là các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mãn tính như viêm gan B, viêm gan C… gây ra. “Nói ung thư là do thực phẩm bẩn, giờ ăn gì cũng sợ, ăn gì cũng ung thư thì không đúng, gây hoang mang không đáng có” – Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Chốt lại vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, nguy cơ về sức khoẻ do thực phẩm không an toàn là một thực tế, mới hôm qua vừa có thêm một người chết vì rượu cồn công nghiệp, những vụ ngộ độc lớn, tập thể diễn ra hàng ngày cũng rất nhiều. Cơ quan quản lý nhà nước cố gắng nhiều nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi. “An toàn thực phẩm ngày nay là mối quan tâm rất lớn của người dân khi mức độ nguy hại của thực phẩm bẩn ngày càng nhiều hơn. Nó làm người ta cảm thấy cuộc sống không yên bình, có quá nhiều mối đe doạ xung quanh, ngay cả từ chuyện ăn uống”. Chủ tịch Quốc hội dẫn báo cáo độc lập của Ngân hàng thế giới (WB) về vấn đề này để lưu ý, Việt Nam đã đi đầu trong khu vực, xây dựng được hệ thống khung pháp lý khá đầy đủ với lĩnh vực này, hạn chế lớn nhất cần tập trung khắc phục là khâu tổ chức thực hiện.

3. Gỡ khó giúp y tế biển, đảo phát triển

Theo báo Nhân dân, ngày 20/04/2017, Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm; có vùng nội thủy, lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích hơn một triệu km2... Việt Nam xác định kinh tế biển là mũi nhọn ưu tiên phát triển. Vì vậy, việc phát triển y tế biển, đảo nhằm vừa thực hiện chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, người lao động trên biển vừa bảo đảm an ninh - quốc phòng

Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” (Đề án 317) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương đầu tư cho phát triển mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe lực lượng vũ trang và người lao động đang sinh sống, hoạt động trong vùng biển, đảo Việt Nam; giúp người dân an tâm làm ăn, sinh sống, bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua bốn năm triển khai Đề án, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Nhờ đó, các cơ sở khám, chữa bệnh trên các huyện đảo, xã đảo và ven bờ từng bước được cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giúp người dân có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng hơn. Thống kê cho thấy, trên toàn tuyến biển, đảo các lực lượng dân y, quân y đã thực hiện cấp cứu, điều trị cho hàng chục nghìn lượt người bệnh; khám bệnh, phát thuốc điều trị cho hàng trăm nghìn người; phẫu thuật cho hàng nghìn trường hợp; tổ chức hàng chục chuyến bay trực thăng và chuyến tàu quân sự vận chuyển người bệnh an toàn về đất liền…

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tạo sự chuyển biến rõ nét. Một số mục tiêu của đề án vẫn chưa được triển khai, trong khi thời gian thực hiện không còn nhiều. Điều đó đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực phấn đấu để triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Hiện nay, y tế ở các huyện đảo, xã đảo, các ngành kinh tế biển, lực lượng vận tải biển, lực lượng bảo vệ trên biển… mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là khi có thiên tai thảm họa và những tình huống đặc biệt xảy ra như tai nạn, những bệnh lý cấp tính… Các đơn vị chưa có các đội cơ động cấp cứu vận chuyển chuyên nghiệp trên biển; trang thiết bị chuyên dụng và thuốc thiết yếu thiếu; việc phổ cập kiến thức về y học biển cho lực lượng còn hạn chế; ý thức chủ quan, kiến thức tự bảo vệ sức khỏe của người lao động, ngư dân trên biển vẫn còn là một thách thức lớn đối với ngành y tế. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư riêng cho Đề án 317. Ngân sách đầu tư cho y tế biển, đảo thời gian qua còn dàn trải và chủ yếu từ nguồn ngân sách địa phương và các bộ, ngành cho nên chưa có nguồn lực thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Để triển khai được các nhiệm vụ, nội dung của Đề án giai đoạn 2017 - 2020, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo Phạm Lê Tuấn cho rằng cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương và chính quyền các địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền kế hoạch tổng thể, kế hoạch hằng năm và các dự án để triển khai. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức, điều phối hệ thống vận chuyển cấp cứu trên biển bằng các phương tiện do các địa phương, bộ, ngành quản lý; đề xuất chủ trương đầu tư đóng mới, hoán cải tàu biển hiện có để có đủ điều kiện cấp cứu, điều trị trên các tàu quân sự, cảnh sát biển; đầu tư cho một số cơ sở cấp cứu biển để thực hiện nhiệm vụ đề án đề ra. Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và UBQG Tìm kiếm cứu nạn xây dựng các phương án tổ chức, huy động phương tiện tàu thuyền, máy bay phục vụ công tác cấp cứu, cứu nạn trên biển; tăng cường công tác kết hợp quân dân y củng cố y tế cơ sở, xây dựng các cơ chế phối hợp liên ngành nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội.

Các bộ, ngành rà soát, xây dựng dự án nâng cao năng lực các trung tâm y tế để phục vụ y tế biển, đảo; chủ động tìm kiếm các nguồn vốn viện trợ, ODA… và bố trí ngân sách ưu tiên để triển khai các hoạt động của Đề án. Đối với các địa phương ven biển cần rà soát, kiện toàn kế hoạch triển khai thực hiện theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 317, bổ sung các dự án vào danh mục đầu tư công của địa phương và chủ động bố trí ngân sách từ nhiều nguồn để thực hiện. Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tăng cường kết hợp quân dân y trong củng cố y tế cơ sở, sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp, phòng, chống dịch bệnh và góp phần xây dựng thế trận phòng thủ trên đảo.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Ngày thế giới phòng chống sốt rét

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO): Chủ đề toàn cầu năm nay cho ngày sốt rét thế giới (25/4/2017) là “End Malaria for Good” (Không còn bệnh sốt rét). WHO đang chú trọng công tác phòng ngừa, một chiến lược quan trọng để giảm số người mắc bệnh sốt rét, căn bệnh này tiếp tục giết chết hơn 400.000 người mỗi năm. Kể từ năm 2000, phòng chống sốt rét đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm các số ca mắc và tử vong, chủ yếu thông qua việc mở rộng phạm vi bao phủ màn tẩm hóa chất diệt (ITNs) và phun tồn lâu hóa chất trong nhà (IRS). Ở khắp khu vực cận Sahara của châu Phi, nơi có nhiều bệnh sốt rét trên toàn cầu, phần lớn người dân ngủ trong màng tẩm hóa chất diệt. Năm 2015, khoảng 53% dân số có nguy cơ được bảo vệ bằng ITNs so với 30% trong năm 2010. Tại 20 quốc gia châu Phi, điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai tăng gấp năm lần trong giai đoạn 2010 đến 2015. Theo số liệu báo cáo sốt rét toàn cầu của WHO 2016, trong năm 2015 có 212 triệu ca mắc mới sốt rét và 429.000 trường hợp tử vong, cứ mỗi 2 phút lại có một đứa trẻ chết vì sốt rét. Mở rộng phạm vi phòng ngừa đang thu được những kết quả khả quan, ước tính mới nhất của WHO cho thấy nhiều quốc gia còn sốt rét lưu hành gánh nặng sốt rét đã được làm giảm đáng kể. Trên quy mô toàn cầu, số ca mắc mới sốt rét giảm 21% giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ tử vong sốt rét giảm 29% so với cùng kỳ 5 năm trước đó.

Tuy nhiên tiến độ thực hiện cần được tăng tốc đáng kể, chiến lược kỹ thuật sốt rét toàn cầu của WHO kêu gọi giảm 40% số mắc và tử vong sốt rét vào năm 2020 so với 2015 nhưng chưa đầy một nửa (40/91) quốc gia trên thế giới có sốt rét lan truyền đang đi đúng hướng để đạt được những cột mốc này, tiến độ đặc biệt chậm ở các nước có thu nhập thấp với gánh nặng sốt rét cao. Để tăng tốc độ tiến bộ hướng tới những mục tiêu toàn cầu, WHO kêu gọi các nước bị ảnh hưởng sốt rét và các đối tác phát triển của họ đẩy mạnh đầu tư trong phòng chống sốt rét, đồng thời kêu gọi tài trợ lớn hơn cho sự phát triển, đánh giá và triển khai các công cụ mới.

Đầu tư mạnh mẽ trong phòng ngừa sốt rét và các công cụ mới sẽ thúc đẩy các quốc gia đi theo lộ trình loại trừ đồng thời góp phần vào các mục tiêu phát triển bền vững khác như cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Với các nguồn lực cần thiết và tất cả các đối tác thống nhất, chúng ta có thể chuyển đổi tầm nhìn chung “Không còn bệnh sốt rét” trở thành hiện thực.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,