Điểm tin y tế tuần 18

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Luật Dược

Ngày 06/4/2016, Quốc hội ban hành Luật Dược số 105/2016/QH13

Luật này quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động dược tại Việt Nam.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Ngày thế giới phòng chống sốt rét (25/4) năm 2016

Năm 2016, chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác lựa chọn là: “Mãi Loại trừ sốt rét cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, phản ánh tầm nhìn về một thế giới hoàn toàn không có sốt rét theo đúng như mục tiêu được xác định toàn cầu loại trừ sốt rét vào năm 2030.

Theo báo cáo của WHO năm 2015, trên phạm vi toàn cầu có 214 triệu trường hợp mắc sốt rét, tử vong 438.000 trường hợp, trong đó có 78% số trường hợp tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi. Có khoảng 3,2 tỷ người, tương đương 50% dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt rét. Tại Việt Nam, năm 2015 ghi nhận trên 19.000 trường hơp mắc và 3 trường hợp tử vong do sốt rét. Sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh trọng điểm thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ Quảng Bình, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hoà, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước…

Theo Cục Y tế dự phòng để tiến tới loại trừ sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030 cần triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe với nhiều loại hình thức khác nhau để mọi người dân chủ động phòng chống bệnh sốt rét; Tập trung các hoạt động giám sát và chỉ đạo các biện pháp phòng chống sốt rét tại các khu vực trọng điểm; Quản lý và giám sát chặt chẽ nhóm đối tượng dân di biến động, cấp thuốc tự điều trị cho người đi rừng, ngủ rẫy; Tăng cường giám sát, báo cáo ca bệnh, giám sát muỗi truyền bệnh; Bảo đảm người bị bệnh sốt rét và người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét được tiếp cận với các dịch vụ y tế chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

2. Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng

Môi trường nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu…

Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp; Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể; Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

3. Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên

Ngày 27/4/2016, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã xác nhận trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên trong năm 2016 ở TP. Hồ Chí Minh.

Bệnh nhân Nam 58 tuổi ngụ quận Thủ Đức cách đây hơn một tuần, bệnh nhân sốt cao, lạnh run, đau nhức toàn thân, tiêu chảy, ho đàm, khó thở... kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Sau khi được điều trị ban đầu tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị hiện sức khỏe bệnh nhân đang dần bình phục.

Cúm A/H1N1 là loại vi rút lưu hành quanh năm nhưng dịch bệnh thường xảy ra vào cuối mùa thu và mùa đông. Vi rút có nhiều biến thể khác nhau, triệu chứng của bệnh sốt cao, đau khắp người, đau đầu, mệt mỏi, ho khan, chảy nước mũi, đau họng. Để chủ động phòng bệnh, người dân nên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người và khi tiếp xúc với người bệnh.

4. Thành phố Hồ Chí Minh công bố hết dịch do vi rút Zika

Sau khi phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 06/4/2016, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định công bố dịch bệnh do vi rút Zika qui mô xã, phường. Ngành y tế Thành phố đã tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm, đồng thời tích cực triển khai chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy trên diện rộng, truyền thông cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Kể từ ngày khởi phát trường hợp bệnh đầu tiên đến nay TP. Hồ Chí Minh chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Zika. Ngày 22/4/2016, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định công bố hết dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn. Trước đó ngày 22/4/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã quyết định công bố hết dịch do loại vi rút này.

Đến nay tại Việt Nam không còn địa phương nào ghi nhận dịch bệnh do vi rút Zika trên qui mô xã, phường. Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm, đẩy mạnh chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên cả nước.

Ban Biên tập website Viện