Điểm tin y tế tuần 20

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Công văn phòng chống dịch vi rút Zika

Ngày 06/5/2016, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn số 3122/VPCP-KGVX về việc phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika gây nên.

Xét kiến nghị của Bộ Y tế theo báo cáo số 355/BC-BYT ngày 14/4/2016 về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và cập nhật các hoạt động phòng, chống đến ngày 14/4/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Bộ Y tế tăng cường triển khai, đôn đốc các Bộ, ngành, các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo: Công điện số 1632/CĐ-TTg ngày 11/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 1060/VPCP-KGVX ngày 19/02/2016 và Công văn số 2414/VPCP-KGVX ngày 06/4/2016 của Văn phòng Chính phủ; thực hiện việc mua sắm đấu thầu vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu phục vụ công tác.

2. Danh mục thuốc đấu thầu, thuốc đấu thầu tập trung, thuốc được áp dụng hình thức đám phán giá

Ngày 05/5/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu, thuốc đấu thầu tập trung, thuốc được áp dụng hình thức đám phán giá. Danh mục thuốc được kèm theo tại các phụ lục 1, 2, 3, 4 của Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

3. Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp

Ngày 05/5/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BYT về danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Danh mục thuốc được kèm theo tại phụ lục 1 của Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Khuyến cáo phòng chống bệnh viêm não do vi rút

Bệnh Viêm não do vi rút có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp, trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh. Biểu hiện của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trên cả nước hiện nay số ca mắc bệnh viêm não do vi rút trong 18 tuần đầu năm 2016 giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh.

Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh như sau:

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; Không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín; Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh; Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

2. Chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3, 5, 9, 10. Số ca mắc tích lũy trên cả nước trong 18 tuần đầu năm 2016 giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên số ca mắc vẫn ghi nhận ở các tỉnh, thành phố.

Hiện nay, bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, để tích cực phòng chống giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh như sau:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống.

Hộ gia đình, nhà trẻ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom và xử lý.

Trẻ em cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Cách ly trẻ bị bệnh ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

3. Người Hàn Quốc nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam

Theo WHO, ngày 07/5/2016 tại Hàn Quốc ghi nhận trường hợp thứ tư nhiễm vi rút Zika. Bệnh nhân làm việc tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 10/4/2016 đến 30/4/2016 và trở về nước với biểu hiện sốt nhẹ, phát ban và đau khớp đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Hàn Quốc xác định các thông tin liên quan để hỗ trợ cho quá trình điều tra, xác minh ổ dịch tại Việt Nam.

4. Kiến Ba khoang xuất hiện ở bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ

Nhiều bệnh Nhi và người nhà đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ liên tục bị kiến Ba khoang tấn công gây phồng rộp trên da, vùng mắt, mặt, cổ, tay, chân. Bệnh viện mới di dời về cơ sở mới, khu vực xung quanh có nhiều cây, cỏ, kiến xuất hiện rất nhiều vào ban đêm và bệnh viện đã tổ chức phun xịt thuốc diệt kiến tại các Khoa, đồng thời hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách đề phòng.

5. Xét nghiệm vi rút Zika bằng nước tiểu

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), xét nghiệm nước tiểu bệnh nhân trong vòng 2 tuần sau khi khởi phát triệu chứng bệnh để kiểm tra nhiễm vi rút Zika bằng phản ứng chuỗi trùng hợp (phản ứng khuyếch đại gen rRT-PCR). Kết quả 95% mẫu nước tiểu dương tính với RNA vi rút Zika trong khi đó có 56% mẫu huyết thanh dương tính. Sau ngày thứ 5 phát bệnh, không tìm thấy RNA vi rút Zika trong huyết thanh, các mẫu nước tiểu vẫn cho kết quả dương tính đến ngày 20.

Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng lưu ý vì tình trạng nhiễm vi rút trong máu giảm dần theo thời gian và ngày khởi bệnh có thể khai không chính xác nên kết quả rRT-PCR âm tính không thể loại trừ nhiễm vi rút và xét nghiệm kháng thể immunoglobulin M cần được thực hiện.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,