Điểm tin y tế tuần 21 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Văn bản mới quy định về kinh doanh dược

Ngày 12 tháng 4 năm 2018 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BYT Quy định chi tiết một số điều về kinh doanh dược của Luật Dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược. Thông tư này quy định chi tiết về kinh doanh dược, bao gồm:

- Yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề dược tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật dược.

- Thông báo, công khai danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề tại cơ sở kinh doanh dược theo quy định tại điểm g Khoản 2 Điều 42 Luật dược.

- Hoạt động của cơ sở có hoạt động dược không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược theo quy định tại Điều 35 Luật dược.

- Bán thuốc thuộc Danh Mục thuốc hạn chế bán lẻ theo quy định tại điểm k Khoản 2 Điều 42 Luật dược.

- Bán thêm thuốc tại quầy thuốc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 48 Luật dược.

- Người giới thiệu thuốc của cơ sở kinh doanh dược cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 76 Luật dược.

- Tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo quy định tại Khoản 11 Điều 6 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Thông tư này có một số điểm mới cần lưu ý: Đó là thay đổi quy định về điều kiện của người được cấp thẻ “Người giới thiệu thuốc”, cụ thể: Không còn hạn chế công chức, viên chức tham gia giới thiệu thuốc; Người giới thiệu thuốc phải đáp ứng các yêu cầu: Có trình độ cao đẳng chuyên ngành y, dược trở lên; (theo quy định hiện hành chỉ cần trình độ trung cấp trở lên), Được cơ sở kinh doanh dược tuyển dụng và huấn luyện, đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến hoạt động giới thiệu thuốc và văn bản quy phạm pháp luật về dược.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2018. Thông tư số 13/2009/TT-BYT ngày 01/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Ký kết thoả thuận hợp tác về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính

Suckhoedoisong.vn - Chiều 16/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ thông tin và Truyền thông và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ ký kết thoả thuận hợp tác về việc triển khai thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTG ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Thỏa thuận hợp tác 3 bên có mục tiêu Triển khai thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTG ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trong lĩnh vực y tế nhằm phát huy hiệu quả, tận dụng tối đa mạng lưới bưu chính công cộng sẵn có để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của các tổ chức, doanh nghiệp và công dân trên toàn quốc.

Thỏa thuận hợp tác có hiệu lực trong vòng 5 năm và định kỳ hàng tháng, quý các bên cùng nhau tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện các công việc liên quan đến các nội dung hợp tác để điều chỉnh cho phù hợp.

2. Tăng cường năng lực cho các nghiên cứu y tế triển khai tại Việt Nam

Suckhoedoisong.vn - Nghiên cứu triển khai là một thuật từ mới. Nó không chỉ đánh giá thành công hay thất bại của các chương trình y tế, mà còn xem xét xem từng dự án/ chương trình đó có được triển khai đúng với cách tiếp cận hiệu quả...

Trong khuôn khổ hợp tác với Liên minh Nghiên cứu Chính sách và Hệ thống Y tế (AHPSR), Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức “Hội thảo công bố kết quả dự án Tăng cường năng lực cho các nghiên cứu triển khai tại Việt Nam”.

Hội thảo nhằm chia sẻ các đầu ra của dự án và báo cáo kết quả 6 nghiên cứu triển khai trong khuôn khổ dự án, từ đó tăng cường mối liên kết và hợp tác giữa các nhà khoa học, các chuyên gia trong thực hiện các nghiên cứu triển khai tại Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội thảo, GS.TS Bùi Thị Thu Hà- Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân trong những năm qua. Số liệu báo cáo cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong việc đạt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), như mục tiêu 5a và 5b về tỷ suất tử vong mẹ và tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Độ bao phủ của các chương trình y tế và chất lượng dịch vụ đã được cải thiện rõ rệt.

Đây là kết quả của nhiều nỗ lực, giải pháp và hỗ trợ ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Tuy vậy, các gánh nặng bệnh tật và tử vong của trẻ em vẫn còn tồn tại và sự cải thiện của nhiều chỉ số sức khỏe diễn ra rất chậm chạp. Vẫn còn sự chênh lệch trong tỷ lệ tử vong và bệnh tật giữa các vùng miền và giữa các nhóm dân số khác nhau, đặc biệt là trong nhóm dân tộc thiểu số.

Vẫn còn có sự khác biệt và thiếu công bằng trong tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng giữa các vùng miền khác nhau trên toàn quốc. Vì vậy, Trường Đại học Y tế công cộng hợp tác cùng Liên minh Nghiên cứu Chính sách và Hệ thống Y tế (AHPSR), Tổ chức y tế thế giới (WHO) thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cho các nghiên cứu triển khai tại Việt Nam” nhằm tạo ra các chiến lược và những hiểu biết mới nhằm hỗ trợ cho việc triển khai hiệu quả hơn các chương trình y tế hiện có.

3. Bộ Y tế họp khẩn giải quyết tình trạng thiếu vắc-xin dại

Suckhoedoisong.vn - Trước một số thông tin phản ánh về việc khan hiếm vắc-xin phòng bệnh dại cục bộ tại một số địa phương, cuối tuần qua, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn với sự chủ trì của Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhằm đánh giá tình hình dự trù, mua sắm và cung ứng đối với từng loại vắc-xin phòng bệnh dại trên toàn quốc.

Cũng tại cuộc họp này, đã có những đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý với nhà cung ứng và đơn vị đấu thầu nhằm ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và thống nhất giải pháp trong đảm bảo cung ứng vắc-xin phòng bệnh dại trong thời gian tới...

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, trên thực tế nhiều địa phương thiếu vắc-xin phòng chống bệnh dại là do nhu cầu tiêm chủng của người dân đối với vắc-xin này gia tăng khoảng 20% so với các năm trước đó. Việc thiếu vắc-xin phòng chống bệnh dại thời gian qua là do có sự chuyển giao của nhà cung ứng nên dẫn đến gián đoạn cung ứng, tuy nhiên, Thứ trưởng Trương Quốc Cường yêu cầu các địa phương cũng như nhà cung ứng không nên “bị động” như thời gian vừa qua.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ đạo cả nhà nhập khẩu/nhà cung ứng cũng như các địa phương nếu gặp khó khăn khi nhập khẩu/cung ứng vắc-xin nói chung/vắc-xin phòng chống bệnh dại nói riêng cần báo cáo ngay về Cục Quản lý Dược và các cơ quan liên quan để kịp thời xin ý kiến lãnh đạo Bộ tìm phương án giải quyết, nhằm có vắc-xin kịp thời phục vụ người dân.

TIN TỨC THẾ GIỚI

1. Dịch Ebola bùng phát tại Congo, ghi nhận 11 ca lây nhiễm

Bộ trưởng y tế Congo, ông Oly Ilunga, đã xác nhận thêm 11 trường hợp mắc bệnh Ebola và ca tử vong mới ở Bikoro, trong một đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Bản cập nhật thứ Năm tuần này về báo cáo dịch tễ học cập nhật đến ngày 16/5 cho biết tổng số trường hợp sốt xuất huyết ở tuổi 45, trong đó có 10 trường hợp nghi ngờ, 21 trường hợp có thể xảy ra và 14 trường hợp được xác nhận.

Các ca tử vong mới được ghi nhận ở thị trấn Bikoro, nơi có ca tử vong đầu tiên và có quan hệ dịch tễ học với một trường hợp khác. Một ca tử vong khác xảy ra ở Wangata hôm thứ Năm là một trường hợp trong diện nghi ngờ.

Hiện đã có 25 ca tử vong do các triệu chứng sốt xuất huyết. Cơ quan y tế Congo cho biết chỉ có một trường hợp tử vong đã được xác nhận là Ebola kể từ khi dịch bệnh này bùng phát.

Bệnh virus Ebola được truyền sang người từ động vật bị nhiễm virus, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính bệnh này có tỷ lệ tử vong 50%. Đại dịch này đã giết chết hơn 11.000 người ở Tây Phi từ năm 2014 đến năm 2015.

Ban Biên tập website Viện