Điểm tin y tế tuần 21

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh

Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh cho người dân thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân thay vì xuất trình thẻ bảo hiểm y tế khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức đi vào hoạt động. Hình thức thanh toán qua bưu điện khi thực hiện chuyển tiền thanh toán cho người bệnh trong trường hợp thanh toán trực tiếp cũng được bổ sung, nhằm giảm chi phí đi lại cho người bệnh.

Các quy định, thủ tục về khám, chữa bệnh; chuyển tuyến khám, chữa bệnh cũng được đơn giản hóa, bao gồm: Quy định phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế khi chuyển tuyến khám, chữa bệnh; Quy định về tạm giữ thẻ bảo hiểm y tế khi hoàn thành việc khám bệnh hoặc nhập viện; Quy định trong trường hợp cấp cứu, cơ sở khám, chữa bệnh cần liên hệ với cơ sở khám, chữa bệnh dự kiến chuyển người bệnh đến... Quy định về giấy hẹn tái khám sẽ được bãi bỏ.

Bỏ quy định bắt buộc hội chẩn trước khi chuyển tuyến. Cán bộ phụ trách chuyên môn chịu trách nhiệm quyết định việc hội chẩn khi cần thiết để giảm tải về hội chẩn và thuận tiện, nhanh chóng cho việc chuyển tuyến trong những trường hợp không cần thiết phải tiến hành hội chẩn.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập

Ngày 11/5/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Thông tư này quy định cụ thể một số nội dung về đấu thầu thuốc sử dụng vốn nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập; áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan hoạt động đấu thầu thuốc.

Thủ trưởng cơ sở y tế căn cứ vào nhu cầu sử dụng thuốc, ý kiến tư vấn của Hội đồng thuốc và điều trị để quyết định và chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng thuốc của đơn vị. Các cơ sở y tế tư nhân tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được áp dụng các quy định tại Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2016.

3. Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ

Ngày 11/4/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BGDĐT quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông tư này quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm: Xác định, tuyển chọn, thẩm định, tổ chức triển khai và kiểm tra tình hình thực hiện, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện. Áp dụng đối với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại học vùng, học viện, các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức, cá nhân được tuyển chọn hoặc được giao đề tài.

Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ đáp ứng các yêu cầu: Có tầm quan trọng đối với sự phát triển của ngành giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ quản lý. Kết hợp đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đề tài cấp bộ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc nguồn ngoài ngân sách và được giao thực hiện theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp. Mỗi đề tài cấp bộ do một cán bộ khoa học làm chủ nhiệm đề tài, có các thành viên tham gia nghiên cứu và một thành viên là thư ký khoa học, không có đồng chủ nhiệm và phó chủ nhiệm đề tài. Thời gian thực hiện đề tài cấp bộ không quá 24 tháng tính từ khi được phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện. Trường hợp đặc biệt có thời gian thực hiện đề tài trên 24 tháng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/5/2016 và thay thế Thông tư số 12/2010/TT-BGDĐT ngày 29/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Hướng dẫn tẩy Sán lá gan nhỏ tại cộng đồng

Ngày 19/5/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1931/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn tẩy Sán lá gan nhỏ tại cộng đồng.

Đối tượng và tần suất tẩy Sán lá gan nhỏ tại cộng đồng: Lứa tuổi từ 6 tuổi trở lên và đã từng ăn gỏi cá. Tại các vùng dịch tễ có tỉ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ trên 20% sẽ tiến hành tẩy sán tại cộng đồng 01 lần trong 1 năm, vùng có tỉ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ từ 10% đến dưới 20% sẽ tiến hành tẩy sán tại cộng đồng 01 lần trong 2 năm và các vùng có tỉ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ dưới 10% chỉ tiến hành điều trị ca bệnh. Thuốc sử dụng: Praziquantel 600mg/viên.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

5. Hướng dẫn tẩy Giun đường ruột tại cộng đồng

Ngày 19/5/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1932/QĐ-BYT về việc hướng dẫn tẩy Giun đường ruột tại cộng đồng

Đối tượng và tần suất tẩy Giun tại cộng đồng: Lứa tuổi từ 12 tháng tuổi trở lên. Tại các vùng dịch tễ có tỉ lệ nhiễm giun trên 20% sẽ tiến hành tẩy giun 02 lần/năm, vùng có tỉ lệ nhiễm giun từ 10% đến dưới 20% sẽ tiến hành tẩy giun 01 lần/năm và các vùng có tỉ lệ nhiễm giun dưới 10% sẽ tiến hành tẩy giun 01 lần/2 năm. Thuốc sử dụng là Albendazole hoặc Mebendazole.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Khuyến cáo phòng chống bệnh sốt vàng

Bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A do vi rút sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỷ lệ tử vong có thể đến 50%. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng và đau cơ; khoảng 15% trường hợp mắc sốt vàng phát triển các triệu chứng nguy hiểm dẫn đến chảy máu, sốc, tổn thương nội tạng và có thể tử vong. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, sử dụng vắc xin phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và cho miễn dịch phòng bệnh suốt đời.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt vàng hiện đang lưu hành tại hơn 40 quốc gia, chủ yếu ở các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ, trong đó khoảng 90% trường hợp mắc được báo cáo tại sa mạc Shara. Mỗi năm trên thế giới ước tính từ 84.000-170.000 trường hợp mắc và 60.000 người tử vong. Trong bốn tháng đầu năm 2016, dịch bệnh gia tăng tại một số nước khu vực châu Phi: Công Gô với 453 trường hợp mắc, 45 trường hợp tử vong, Uganda ghi nhận 30 trường hợp mắc, 7 trường hợp tử vong; đặc biệt hiện dịch bệnh đang xảy ra tại nước Cộng hoà Angola với ít nhất 2.149 trường hợp mắc với 277 tử vong. Tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận 11 trường hợp bệnh, tất cả đều là các lao động trở về từ Angola. Tại Việt Nam không lưu hành bệnh sốt vàng, tuy nhiên, nước ta có sự giao lưu, thương mại với nhiều quốc gia, do đó có thể ghi nhận các trường hợp mắc bệnh từ các vùng đang có dịch trở về.

Để chủ động phòng chống Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đi/đến vùng dịch thực hiện tốt các nội dung sau:

Người đến các quốc gia khu vực châu Phi và Mỹ La tinh chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh ít nhất 10 ngày trước khi đi/đến vùng có dịch; Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần thực hiện các biện pháp phòng phòng muỗi đốt và diệt muỗi, bọ gậy theo hướng dẫn của nước sở tại; Hành khách từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

2. Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh trong mùa hè

Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, tích lũy 18 tuần đầu năm nay trên cả nước cho thấy, số ca mắc bệnh viêm não do vi rút giảm 41,9% và số ca mắc bệnh tay chân miệng cũng giảm 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng vẫn ghi nhận các trường hợp mắc tại 61 tỉnh, thành phố và bệnh viêm não do vi rút cũng ghi nhận rải rác tại các địa phương. Dự báo thời gian tới, một số dịch bệnh như cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu... sẽ xuất hiện phổ biến vào mùa Hè, tập trung từ tháng 5-8. Vì vậy, nếu không triển khai tốt các biện pháp phòng chống, nguy cơ dịch sẽ bùng phát là rất lớn.

Để chủ động phòng bệnh Cục Y tế dự phòng dự khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Bên cạnh đó, tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối... chủ động thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai... Người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, không chờ đợi vắc xin dịch vụ. Khi phát hiện người bệnh có biểu hiện mắc bệnh truyền nhiễm, cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

3. Nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia không hoàn thành

Ngày 16/5/2016, Bộ Y tế đã tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia ngành y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh một số chỉ tiêu đạt yêu cầu thì còn nhiều chỉ tiêu chuyên môn y tế đã được Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 2011-2015 chưa hoàn thành. Theo kế hoạch là 100% bệnh nhân phong được săn sóc tàn tật nhưng mới đạt 85%; khống chế tỷ lệ lây truyền bệnh lao kháng thuốc, tăng tỷ lệ tiếp cận với điều trị lao đa kháng thuốc đạt 30% (kế hoạch là 55%); tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 22% (kế hoạch là 19,3%); có 50% trẻ em dưới khuyết tật dưới 6 tuổi được phát hiện sớm và can thiệp sớm để ngăn ngừa và điều trị phục hồi khuyết tật (kế hoạch là 60%); 65% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV (kế hoạch là 90%)… Kinh phí cho 4 chương mục tiêu quốc gia (gồm y tế, dân số/kế hoạch hóa gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS) của 5 năm qua lên tới 17.132 tỷ đồng.

Ban Biên tập website Viện