Điểm tin y tế tuần 23 - 2018

VĂN BẢN PHÁP LÝ CHỈ ĐẠO

1. Bộ Y tế ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam

Ngày 27/4/2018 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 09/2018/TT-BYT về Danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế - Hàng hóa trong danh mục ban hành kèm theo Thông tư này được quản lý theo quy định tại Nghị định số 91/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

  • Hàng hóa được quy định trong danh mục nhưng chưa liệt kê mã số hàng hóa, khi nhập khẩu doanh nghiệp phải cung cấp cho cơ quan hải quan đầy đủ các thông tin của hàng hóa nhập khẩu về thành phần, tác dụng, tài liệu kỹ thuật (nếu có) và cam kết chịu trách nhiệm về nội dung đã khai báo và sử dụng hàng hóa nhập khẩu đúng mục đích.
  • Trường hợp hàng hóa chưa có mã số trong danh mục, phát sinh vướng mắc hoặc có sự khác biệt trong việc xác định mã số hàng hóa tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thì Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) để xem xét và quyết định mã số hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
  • Hàng hóa đã làm thủ tục Hải quan trước ngày Thông tư này có hiệu lực, Doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế theo mã số HS trong Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 6 năm 2018.

Xem chi tiết tại Thông tư 09/2018/TT-BYT ngày 27/04/2018 về việc ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Dịch Ebola diễn biến phức tạp, Bộ Y tế họp đánh giá nguy cơ

Trước tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola diễn biến phức tạp tại Cộng hòa dân chủ Công Gô, ngày 31/5/2018, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC Việt Nam), Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình dịch bệnh Ebola nhằm xác định mức độ nguy cơ dịch bệnh Ebola xâm nhập vào nước ta cũng như đề xuất các hoạt động phòng chống dịch phù hợp tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHRNFP) và đại diện WHO, dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại Công gô từ đầu tháng 4/2018, đến ngày 29/5/2018 đã ghi nhận 58 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola, trong đó có 27 trường hợp tử vong (tỷ lệ chết/mắc 47%). Có 35 trường hợp xác định, 23 trường hợp nghi ngờ, trong đó có 3 trường hợp là nhân viên y tế.

Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh Ebola xâm nhập vào nước ta, cuộc họp đã thống nhất cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai giám sát tại cửa khẩu và tại các bệnh viện nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola, đặc biệt là những người có tiền sử về từ vùng có dịch; các bệnh viện tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, sẵn sàng khu vực cách ly thu dung, điều trị ngay cả khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Ebola tại Việt Nam; rà soát lại kế hoạch hành động và các hướng dẫn chuyên môn về phòng chống, đáp ứng với dịch bệnh do vi rút Ebola; thường xuyên cập nhật và chia sẻ tình hình dịch bệnh Ebola tại Công Gô và tại các nước trên thế giới đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí để đưa tin phù hợp, chính xác với tình hình dịch bệnh.

Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với WHO để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola trên thế giới; đồng thời phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan để chia sẻ thông tin dịch bệnh, tình hình xuất nhập cảnh của hành khách về từ vùng có dịch, các biện pháp phòng chống để tổ chức đánh giá nguy cơ, thống nhất triển khai các hoạt động phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.

2. Bốn bệnh lây truyền do muỗi đốt tăng cao vào mùa hè

Mùa hè với khí hậu nóng ẩm ướt thường tạo điều kiện thuận lợi để cho muỗi phát triển. Muỗi đốt là nguyên nhân chính của các bệnh truyền nhiễm.

Sốt xuất huyết

  • Muỗi vằn Aedes là loài trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết thường đốt người vào ban ngày, nhiều nhất vào 8 -10h. Đây là loại muỗi có khả năng mang vi rút sốt xuất huyết Dengue truyền từ người này sang người khác thông qua việc đốt và hút máu người.
  • Triệu chứng: Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có thể sốt cao, nổi phát ban kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, chảy máu răng, dễ bầm tím,... nghiêm trọng hơn là đau bụng, tiêu chảy hay xuất huyết dưới da... Tuy nhiên, nếu phát hiện ra bệnh sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh rất cao.

Sốt rét

  • Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền bởi muỗi Anopheles. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa.
  • Triệu chứng: Khi mới mắc bệnh, biểu hiện ban đầu có thể thấy như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, cơ thể nhức mỏi, thường xuyên buồn nôn, ói mửa và tái phát các triệu chứng mỗi 48-72 giờ, tùy theo cơ địa của từng bệnh nhân và mức độ nhiễm sốt rét.

Virus Zika

  • Virus Zika thường lây truyền qua vết cắn của những con muỗi mang mầm bệnh, chủ yếu là từ muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti).
  • Triệu chứng: sốt, phát ban, đau khớp và đỏ mắt. Các triệu chứng thường nhẹ và kéo dài chưa đến một tuần.

Viêm não Nhật Bản

  • Viêm não Nhật Bản cũng là bệnh nguy hiểm do muỗi gây ra. Bệnh dễ xuất hiện nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi từ 2-6 tuổi. Đây là bệnh gây ra mức độ tử vong cao. Nếu không chữa trị kíp thời sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm như động kinh, thiểu năng trí tuệ...
  • Triệu chứng: sốt cao, lên cơn co giật, hôn mê bất tỉnh, nhức đầu dữ dội.

Các bệnh do muỗi đốt sẽ phát triển thành dịch lớn gây khó khăn cho việc phòng chống, điều trị, đe dọa tính mạng của hàng triệu người, đặc biệt là với trẻ em nếu như không biết cách phòng chống kịp thời.

3. Hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế - giải pháp thúc đẩy ngành y tế phát triển

Sáng 31/5, Bộ Y tế phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn Hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế vì một Việt Nam thịnh vượng. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các tập đoàn, công ty quốc gia, các nhà đầu tư trong lĩnh vực hợp tác công tư trong y tế, đại diện các bệnh viện …

Các diễn giả tham gia hội nghị cho rằng, y tế là lĩnh vực được Chính phủ quan tâm đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển… Tuy nhiên nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực y tế rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng đủ, thu hút nguồn lực xã hội qua hình thức xã hội hóa đầu tư theo hình thức công tư (PPP) là giải pháp tốt để thúc đẩy ngành y tế phát triển. Thông qua hợp tác công tư trong y tế không chỉ huy động được nguồn lực tài chính mà còn tận dụng được kinh nghiệm, trình độ, mô hình quản lý, cung ứng dịch vụ của khu vực tư nhân để Nhà nước và tư nhân phối hợp cung ứng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của mọi người dân từ Trung ương đến cơ sở.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thông qua việc thực hiện xã hội hóa, đầu tư theo hình thức PPP, các bệnh viện đã có thêm hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, phát triển một số kỹ thuật mới, đặc biệt một số bệnh viện mới được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao trình độ chuyên môn, các bệnh viện đã cung ứng nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, người bệnh đang được hưởng lợi từ các dịch vụ này mang lại. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ có thể thực hiện ở nước ngoài với chi phí rất cao thì nay Việt Nam đã có thể thực hiện được với chi phí hợp lý mà nhiều bệnh nhân có thể chi trả được như ghép gan, phẫu thuật tạo hình, thụ tinh trong ống nghiệm…

Để đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác PPP và đang kiện toàn để thành lập Ban chỉ đạo PPP. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang tích cực phối hợp với các chuyên gia trong nước, nước ngoài, một số tổ chức quốc tế triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn về thực hiện PPP trong ngành y tế, đồng thời nghiên cứu, xây dựng các mô hình đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ban Biên tập website Viện