ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 25

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019

Sáng ngày 11/6/2019 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai Công tác Phòng, chống dịch bệnh, Công tác tiêm chủng và An toàn tiêm chủng năm 2019. PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương; Tại điểm cầu địa phương kết nối trực tuyến 63 tỉnh, thành phố và gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã các đơn vị liên quan.

Theo báo cáo, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc cao, bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, Ngành Y tế đã nỗ lực làm tốt công tác phát hiện ca bệnh, điều trị, quản lý, cách ly, vệ sinh phòng bệnh và tiêm chủng. Hầu hết các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi đã được ngăn chặn, không ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam như bệnh MERS-CoV, bệnh cúm A(H7N9).

Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ trên 95%, đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay. Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván... trước kia là bệnh dịch lưu hành hàng năm thường gây ra những dịch bệnh lớn thường xuyên thì hiện nay đã được khống chế nhờ duy trì tốt tỷ lệ tiêm chủng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết và đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét, bệnh sởi, bệnh dại và khống chế bệnh rubella.

Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân…

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm, việc chỉ đạo và quản lý công tác tiêm chủng có nhiều đổi mới, khuyến cáo đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, phòng chống bệnh tay chân miệng, thực hiện tốt về tiêm chủng phòng bệnh và an toàn tiêm chủng.

2.Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết

Đến nay, cả nước ghi nhận hơn 67.000 ca sốt xuất huyết, trong đó, sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng cục bộ tại một số tỉnh, tập trung ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động. Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, chưa có vacxin phòng ngừa.

Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm nay, các địa phương đã tổ chức truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết với mục đích nâng cao trách nhiệm, ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện trong việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường sống xung quanh mình, không để tồn đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết.

3. Thông tư 08/2019/TT-BYT hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng trong y tế

Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị y tế cho nhóm chuyên dùng đặc thù (bao gồm 26 chủng loại), và nhóm trang thiết bị y tế chuyên dùng khác.

Về thẩm quyền ban hành, phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng, Thông tư quy định thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị.

Ngoài ra, Thông tư 08/2019/TT-BYT còn hướng dẫn lập, phê duyệt và điều chỉnh tiêu chuẩn định mức sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2019.

Xem chi tiết Thông tư 08/2019/TT-BYT tại đây: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-08-2019-TT-BYT-dinh-muc-su-dung-may-moc-thiet-bi-chuyen-dung-linh-vuc-y-te-416352.aspx

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Đột phá công nghệ chuyển đổi các nhóm máu sang nhóm máu O

Trong một đột phá có thể cứu sống hàng ngàn mạng người, các nhà khoa học đã tìm được cách chuyển toàn bộ các nhóm máu khác trở về nhóm phổ biến và an toàn cho mọi bệnh nhân tiếp nhận.

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học British Columbia (Canada) đã thành công trong việc chuyển các nhóm máu A, B và AB về nhóm phổ thông là O, cho phép tất cả các bệnh nhân có thể được truyền máu một cách an toàn.

Nhóm máu được phân loại dựa vào loại đường được tìm thấy bên trên bề mặt của các tế bào hồng cầu. Nhóm O không chứa đường. Các nhà khoa học nhận ra rằng có một số loại enzyme loại bỏ đường khỏi các tế bào hồng cầu A, B và AB, biến chúng về nhóm máu O.

Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa tìm được enzyme nào hoạt động an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích kinh tế, cho đến khi nghiên cứu cộng đồng vi khuẩn trong ruột.

Ống tiêu hóa của người chứa cùng dạng đường bên trên bề mặt tế bào hồng cầu, và các enzyme có trong phân giúp loại bỏ đường để hỗ trợ tiêu hóa.

Nhóm chuyên gia đã có thể cô lập được enzyme này và thử tách đường ở các nhóm máu. Kết quả thu được đã cho thấy hiệu quả vượt trội của enzyme trong ruột, theo báo cáo vừa được công bố trên chuyên san Nature Microbiology.

Theo các nhà nghiên cứu, bước kế tiếp là thử nghiệm lâm sàng loại enzyme này để theo dõi tác dụng phụ trong quá trình diễn ra. Nếu mọi thứ đều ổn thỏa, việc hiến máu trong tương lai sẽ thay đổi hoàn toàn.

2. Uganda xác nhận trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên

Bộ Y tế Uganda và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận trường hợp nhiễm virus Ebola đầu tiên của quốc gia châu Phi này. Đó là một bé trai 5 tuổi nhiễm bệnh sau khi trở về từ Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi đại dịch Ebola đang bùng phát. Ngay lập tức, họ đã cử một đội phản ứng nhanh tới hỗ trợ các nhóm khác đang hoạt động tại hiện trường để tiếp tục xử lí và kiểm soát bệnh dịch.

Theo WHO, Ebola là căn bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như: sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài. Căn bệnh này lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh. Tiếp đó, virus sẽ lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng nhiễm bệnh, hay lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó để chẩn đoán bệnh.

Tuy nhiên, các chuyên gia của WHO cho rằng đợt dịch tại CHDC Congo và Uganda hiện nay vẫn chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí để phát đi Cảnh báo quốc tế về sức khoẻ cộng đồng, WHO quyết định chưa xem dịch Ebola bùng phát tại Congo và một số nước lân cận là “tình trạng y tế khẩn cấp tầm toàn cầu”.

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,