VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO
1. Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học
Ngày 12/06/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2429/QĐ-BYT về tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học” tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tiêu chí này được sử dụng để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế có thực hiện xét nghiệm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi chung là phòng xét nghiệm) tự đánh giá, công khai mức chất lượng xét nghiệm của đơn vị mình và để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá, giám sát, công bố mức chất lượng xét nghiệm của phòng xét nghiệm. Cán bộ, nhân viên tham gia quản lý hoạt động xét nghiệm tại Bộ Y tế, các Sở Y tế, y tế các bộ, ngành, bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thực hiện xét nghiệm. Cán bộ, nhân viên có trách nhiệm thực hiện công tác đánh giá, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật QLCL PXN. Cán bộ, nhân viên công tác tại PXN hóa sinh, huyết học, vi sinh và các phòng xét nghiệm khác làm việc với mẫu bệnh phẩm từ người.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Hội thảo quốc tế về quản lý phòng ngừa và kiểm soát bệnh do vi rút Arbo
Theo báo Sức khỏa & Đời sồng, ngày 12-13/6/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC) phối hợp cùng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức Hội thảo quốc tế về “Quản lý, phòng ngừa và kiểm soát một số bệnh do vi rút Arbo” với sự tham gia của gần 130 đại biểu đến từ các nước Đông Nam Á và các chuyên gia y tế công cộng quốc tế. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 7.
Việt Nam và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia... là những quốc gia nhiệt đới nằm trong khu vực lưu hành của nhiều loại bệnh do vi rút Arbo nguy hiểm, trong đó điển hình phải kể đến các loại bệnh được truyền từ muỗi Aedes như sốt xuất huyết Dengue, Zika và Chikungunya. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có trên 2,5 tỷ người (trên 40% dân số thế giới) có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam và các nước khu vực ASEAN là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sốt xuất huyết. Bên cạnh bệnh sốt xuất huyết Dengue, năm 2016 vừa qua, một loại bệnh khác có cùng véc tơ từ muỗi Aedes đã trở thành vấn đề khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu, đó là bệnh do virut Zika. Tại Việt Nam đã có 219 ca mắc Zika, trong đó có một ca mắc chứng đầu nhỏ nghi có liên quan tới vi rút Zika.
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, các bệnh do vi rút Arbo được truyền từ muỗi Aedes là những căn bệnh khó phòng chống, không bị ngăn cách bởi biên giới các quốc gia, do vậy mà không một quốc gia thành viên ASEAN đơn lẻ nào có thể có những giải pháp phòng, chống căn bệnh này một cách hiệu quả và triệt để nếu không có sự liên kết lại.
Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học tập trung thảo luận, đưa ra những khuyến nghị cấp quốc gia, những giải pháp giải quyết những tồn tại trong phòng chống sốt xuất huyết Dengue, Zika, Chikungunya tại khu vực: bao gồm chẩn đoán và điều trị, giám sát và phòng chống véc-tơ, nghiên cứu virut và vắc xin cho cộng đồng, sự hợp tác bền vững giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế.
2. Bệnh nhân sốt xuất huyết Hà Nội tăng gấp 2,6 lần
Theo Báo Lao động, ngày 13/06/2017, Hà Nội không vào danh sách điểm nóng của SXH nhưng tính đến ngày 4/6/2017 trên địa bàn toàn thành phố đã ghi nhận 1.281 bệnh nhân mắc SXH với trên 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh, 126 bệnh nhân đang điều trị, 1 trường hợp đã tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Theo dự báo, đỉnh dịch thường xuất hiện vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Chu kỳ dịch SXH thường 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện nay chu kỳ này đang có thay đổi. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc SXH trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch.
Tính đến ngày 4/6/2017, các đơn vị đã điều tra, giám sát côn trùng tại 1.925 điểm ổ dịch cũ, ổ dịch mới, nơi có bệnh nhân nghi SXH, có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Kết quả, 25,7% điểm có chỉ số véc tơ cao tập trung chủ yếu tại các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức, Hai Bà Trưng, Thanh Trì... Các dụng cụ chứa nước có bọ gậy bao gồm 13 loại dụng cụ, chủ yếu là các bể hở, xô, thùng nước, chậu cảnh và phế liệu. Ngay tại các khu vực được coi là “nóng” của SXH người dân vẫn thờ ơ. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng thừa nhận, có tình trạng chính quyền và người dân vẫn còn chủ quan, thờ ơ với công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Chẳng hạn tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, nơi từng bùng phát ổ dịch SXH lớn hồi cuối năm ngoái với gần 100 người mắc nhưng hiện tại, một số người dân vẫn không tự giác diệt loăng quăng, diệt muỗi để phòng bệnh dù đã được chính quyền vận động.
3. Bộ Y tế cam kết sẽ thông tuyến các kết quả xét nghiệm vào năm 2018
Theo báo Bảo vệ pháp luât, ngày 14/06/2017, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đối với tình trạng không thừa nhận xét nghiệm ở các cấp khám, chữa bệnh nêu rõ: “Hiện đã có thông tư để công nhận xét nghiệm lẫn nhau của các cơ sở y tế. Theo đó, từ tháng 8 tới đây, các bệnh viện tuyến Trung ương, và tuyến tỉnh sẽ công nhận các kết quả xét nghiệm, và đến 2018 sẽ thống nhất thông tuyến các kết quả xét nghiệm”.
Ngoài ra, Bộ trưởng còn cho biết về vấn đề mức giá các dịch vụ, theo Nghị định 16 thì trong năm 2017 phải hoàn thành tính đúng, tính đủ về yếu tố đầu vào trực tiếp, nhưng đến năm 2017 chúng ta chưa thực hiện được do phải xem xét CPI để chống lạm phát. Khi giá tính đúng, tính đủ, thay vì người dân bù thêm giá chưa được tính thì được BHYT chi trả, người dân sẽ đỡ mất tiền túi.
4. Tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu năm 2017
Theo Trung tâm TTGDSKTW, ngày 14/6/2017, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức Chương trình “Tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc” và “Sự kiện toàn cầu kỷ niệm Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6/2017”. Tới dự buổi Lễ có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; đại diện các đại biểu quốc tế và trong nước và 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2017.
“Hiến máu cứu người - Xin hiến thường xuyên” là thông điệp của Ngày Quốc tế Người hiến máu năm 2017 do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra, nhằm kêu gọi cộng đồng thường xuyên hiến máu và sẵn sàng hiến máu trong trường hợp khẩn cấp. Năm nay, Việt Nam cũng là nước đăng cai tổ chức sự kiện toàn cầu kỷ niệm Ngày Quốc tế Người hiến máu, với nhiều hoạt động sôi nổi.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao những thành tích của Bộ Y tế, các tổ chức, cá nhân đạt được trong việc vận động, tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia hiến máu tình nguyện; đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những người đã hiến máu, đặc biệt là 100 cá nhân tiêu biểu tại buổi Lễ. Bên cạnh đó, để công tác vận động người hiến máu tình nguyện đạt hiệu quả hơn nữa, bà Trương Thị Mai cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan nâng cao hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền để cả cộng đồng chung tay làm việc nghĩa.
Đặc biệt năm nay, vào ngày 10/6/2017, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trần Đại Quang đã có Thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước, những người hiến máu tình nguyện, các cá nhân, tập thể với những lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, đồng thời động viên đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước tiếp tục tham gia hiến máu cứu người vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn.
THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Số ca mắc tả ở Yemen có thể tăng gấp 4 trong tháng tới
Theo báo Gulfnews của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 3/6/2017 dẫn lời ông Cappelaere, chưa bao giờ chứng kiến một đợt dịch tả nào nghiêm trọng như hiện nay ở Yemen, trong bối cảnh người dân nước này đang phải đối mặt nạn đói cũng như sự sụp đổ của hệ thống y tế do chiến tranh. Theo ông Cappelaere, một nửa số ca mắc tả ở Yemen là trẻ em, trong khi người lớn khó tiếp cận được hỗ trợ y tế vì nhiều bệnh viện và trung tâm y tế ở nước này không hoạt động. Ông nói thêm dịch tả đã lan rộng ở mức báo động trong tháng qua, từ vài nghìn ca lên gần 70.000 ca hiện nay, với hầu hết các khu vực trên cả nước đều bị ảnh hưởng.
Theo tính toán của UNICEF, nếu không có sự can thiệp đáng kể, số ca mắc tả tại Yemen có thể tăng lên 250.000 đến 300.000 người trong vài tuần tới. Theo quan chức UNICEF, dịch tả dễ dàng lây lan nhanh. UNICEF đã thúc đẩy hoạt động cung cấp nước sạch cho gần 1 triệu người ở Yemen, cũng như một loại thuốc men cần thiết để ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh.
Theo đánh giá mới đây của Quỹ "Save the Children" (Bảo vệ Trẻ em), dịch tả tại Yemen đang ngày một xấu đi giữa lúc hệ thống y tế, các điều kiện vệ sinh và hạ tầng dân sinh ở nước này đã bị hủy hoại do chiến tranh; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính khẩn cấp để giúp Yemen giải quyết dịch bệnh. "Save the Children" cảnh báo với mức độ lây lan như hiện nay, số ca mắc tả ở Yemen sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
2. Vi rút Zika ảnh hưởng đến 5% phụ nữ mang thai ở vùng hải ngoại Mỹ
Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết 5% số phụ nữ nhiễm loại vi rút nguy hiểm này khi mang thai đã được xác định có bào thai và trẻ nhỏ được sinh ra bị di tật đầu nhỏ. Khảo sát bệnh án của 1.508 phụ nữ được xác định nhiễm vi Zika trong giai đoạn từ 1/1/2016 đến 25/4 vừa qua và đã hoàn tất thai kỳ, các chuyên gia CDC phát hiện hơn 120 trường hợp thai phụ có kết quả kiểm tra cho thấy bào thai và trẻ nhỏ được sinh ra bị khuyết tật đầu nhỏ bất thường. Bên cạnh đó, các chuyên gia phát hiện nhiều biểu hiện phức tạp khác xuất hiện ở trẻ nhỏ, bao gồm các vấn đề về vận động, phối hợp, ăn uống và gần như quấy khóc liên tục.
Thống kê của CDC được thực hiện tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ gồm Guam, American Samoa, các quần đảo Virgin, Micronesia, Cộng hòa đảo Marshall và Puerto Rico. Kết quả trên cũng phù hợp với những số liệu báo cáo trước đó về các trường họp nhiễm vi rút Zika tại Mỹ. CDC khuyến cáo các cơ quan chức năng tiếp tục cảnh giác và duy trì các biện pháp nhằm ngăn chặn các trường hợp nhiễm vi rút Zika mới.
3. Thiết bị siêu nhỏ mang thuốc diệt tế bào ung thư
Theo Seeker, các nhà nghiên cứu tại Đại học Radboud, Hà Lan trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Angewandte Chemie cho biết đã phát triển hệ thống có khả năng tự tìm đến tế bào ung thư, giải phóng thuốc để tiêu diệt tế bào gây hại. Các nhà khoa học sử dụng loại túi có kích thước siêu nhỏ được tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Được đưa vào cơ thể từ vùng lân cận của tế bào ung thư, túi thuốc phản ứng với một số chất hóa học để tìm đến tế bào gây bệnh. Hệ thống này hoạt động như tàu ngầm thu nhỏ, tự vận hành nhờ động cơ hóa học sử dụng nhiên liệu là axit yếu hydro peroxyt. Khi hydro peroxyt phân tách, túi thuốc di chuyển về phía trước, xuyên qua thành tế bào ung thư và tự phân hủy để giải phóng thuốc. Cơ chế tự giải phóng thuốc không cần tác động từ bên ngoài diễn ra khi glutathione, tác nhân hóa học thường được tìm thấy với mật độ cao trong các tế bào ung thư, phản ứng với một chất giữ thuốc bên trong túi, phá vỡ các liên kết cộng hóa trị là cầu disulfide S–S, giúp thuốc được giải phóng ra ngoài.
Kỹ thuật mới có thể giúp các bác sĩ cải tiến phương pháp đưa thuốc đến chính xác vị trí mong muốn trên cơ thể người bệnh trong tương lai.
Ban Biên tập website Viện
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)