Điểm tin y tế tuần 25

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Ngày 14/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP về việc quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập do các cơ quan có thẩm quyền thành lập quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e, g Khoản 1 Điều 12 Luật khoa học và công nghệ; Tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội áp dụng các quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan; Nghị định này không áp dụng đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập là cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp thì được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cụ thể, tổ chức khoa học công nghệ công lập được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm; được miễn thuế tối đa không quá 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 09 năm tiếp theo.

Bên cạnh ưu đãi về thuế, tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, trong đó: Được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Được vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương và các quỹ khác… Đồng thời, tổ chức khoa học và công nghệ công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, huy động vốn của công chức, viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ…

Nghi định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Khuyến cáo phòng, chống bệnh cúm mùa

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Theo WHO, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong. Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 - 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.

Triệu chứng của bệnh với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Kết quả giám sát trên người tại các điểm giám sát trọng điểm cúm quốc gia cho thấy trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 chủng vi rút cúm A(H3) là chủng lưu hành chủ yếu (79,9%), tiếp đó là chủng vi rút cúm A(H1N1) 11% và cúm B (9,1%).

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

2. Thuốc điều trị viêm gan C làm vi rút Zika chậm phát triển?

Các nhà khoa học của Bỉ đã khám phá ra rằng vi rút Zika có liên quan đến vi rút viêm gan C. Họ đã thử nghiệm và nhận thấy một số thuốc ức chế vi rút viêm gan C cũng ngăn chặn sự nhân lên của vi rút Zika trong các tế bào. Các nhà khoa học đã thử nghiệm hiệu quả chống lại vi rút Zika của các loại thuốc này trên chuột. Họ nhận thấy khi những con chuột bị nhiễm vi rút Zika, nó xuất hiện một số triệu chứng cũng thấy ở trên người và điều trị cho chúng bằng các chất kháng vi rút viêm gan C thì các triệu chứng trên đã giảm.

Mặc dù nghiên cứu này mới chỉ thử nghiệm, nhưng đã mở ra một khả năng mới cho các nhà khoa học về một loại thuốc kháng vi rút và vắc xin chống lại vi rút Zika.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,