Điểm tin y tế tuần 26

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Sử dụng thuốc nội trong các cơ sở khám chữa bệnh

Ngày 19/06/2017, Văn phòng Chính Phủ ban hành Công văn số 6304/VPCP-KGVX về việc sử dụng thuốc nội trong các cơ sở khám chữa bệnh

Báo tin tức ngày 12 tháng 5 năm 2017 có tin “Tuyến y tế càng cao, tỷ lệ sử dụng thuốc nội càng thấp”, trong đó phản ánh: sau 4 năm triển khai Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại tuyến tỉnh đã đạt 35,4% nhưng ở các bệnh viện tuyến Trung ương mới chỉ đạt khoảng 10%.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo như sau:

+ Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng cường sử dụng thuốc Việt Nam trong các cơ sở khám chữa bệnh.

+ Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Y tế biết, thực hiện.

2. Danh mục thuốc không kê đơn

Ngày 03/5/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BYT về danh mục thuốc không kê đơn

Danh mục thuốc không kê đơn là cơ sở để phân loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn. Các thuốc không thuộc Danh mục thuốc không kê đơn được phân loại là thuốc kê đơn.

Danh mục thuốc không kê đơn là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn đối với thuốc không kê đơn trong đăng ký thuốc, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc, thông tin quảng cáo thuốc, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và các hoạt động khác có liên quan.

Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (01/7/2017), các thuốc trong Danh mục thuốc không kê đơn ban hành kèm theo Thông tư này được phép cấp phát, bán lẻ và sử dụng không cần đơn thuốc, trừ trường hợp thuốc đang được phân loại là thuốc kê đơn trên nhãn (bao gồm cả tờ hướng dẫn sử dụng thuốc) thì phải cấp phát, bán lẻ và sử dụng theo đơn thuốc.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Cả nước đã ghi nhận 10 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ngày19/06/2017, báo cáo của Cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 4/6/2017 cả nước ghi nhận 36.437 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại 47 tỉnh/thành phố, trong đó có 10 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố như: Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mỗi địa phương 1 trường hợp, Đồng Tháp 2 trường hợp và Trà Vinh 3 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 số mắc là 36.224 trường hợp, tử vong là 10 trường hợp.

Các trường hợp mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và tăng cao tại khu vực miền Bắc. Đặc biệt Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi và Cà Mau là những tỉnh, thành phố có số mắc sốt xuất huyết tăng cao bất thường so với năm trước.

Để tiếp tục chủ động và nâng cao chất lượng của công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do SXHD, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh- Bộ Y tế đã có công văn khẩn số 789/KCB- NV yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tiếp tục phổ biến, tập huấn, tập huấn lại "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue" ban hành theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bác sĩ và điều dưỡng tham gia công tác khám, điều trị SXHD tại khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Nhi, khoa Truyền nhiễm, ... của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do đơn vị quản lý

Tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton).

Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến về bệnh SXHD đối với y tế các tỉnh theo khu vực đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công. Chịu trách nhiệm trong công tác đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức và hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt là hỗ trợ trong chẩn đoán, điều trị các trường hợp SXHD có diễn biến phức tạp, các trường hợp có biến chứng nặng trong khu vực được phân công.

Theo dõi, tổng hợp, thống kê tình hình bệnh dịch SXHD tại bệnh viện để đánh giá công tác tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị của tuyến dưới và các tỉnh có chuyển người bệnh đến bệnh viện xem đã phù hợp chưa, chuyển viện đã an toàn và hợp lý chưa để rút kinh nghiệm với các đơn vị. Tổng hợp các trường hợp tử vong, phân tích nguyên nhân tử vong, tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Bé 2 tuổi tử vong sau khi bị ve đốt 1 tuần.

Theo Dailymail, Bé Kenley Ratliff, từ Indiana (Mỹ) đã qua đời tại bệnh viện Nhi Riley vào ngày 4/6 sau 1 tuần bị sốt cao. Theo kết luận cuối cùng của các bác sĩ, cô bé bị bệnh sốt màng não miền núi (Rocky Mountain Spotted Fever), một căn bệnh gây ra do bọ ve đốt. “Trước khi mất 1 tuần, Kenley bắt đầu sốt cao đến 40 độ C. Lúc đó, bé đã được bố mẹ đưa đi bệnh viện, nhưng các bác sĩ kết luận rằng cô bé chỉ bị bệnh nhiễm trùng do vi rút. Bác sĩ kê thuốc và cho Kenley trở về nhà”. Thế nhưng, sau đó mấy ngày, Kenley được đưa trở lại bệnh viện trong tình trạng sốt cao, toàn thân bị sưng lên và xuất hiện những nốt ban đỏ trên da. Lúc này, em được chuyển tới Bệnh Nhi Riley thuộc Đại học Indiana.

Tại bệnh viện Riley, các bác sĩ kết luận Kenley bị bệnh sốt màng não miền núi. Bệnh này gây ra ve đốt. Một số triệu chứng của bệnh là sốt đột ngột vài ngày sau khi bị ve đốt, nhức đầu, buồn nôn và nôn, phát ban. Theo Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh này rất nguy hiểm và thường dễ mắc vào mùa hè.

2. Châm cứu có hiệu quả tương đương với thuốc trong giảm đau

Theo Indiaexpress, các nhà nghiên cứu từ Đại học RMIT, Úc đã thực hiện một nghiên cứu trong khoa cấp cứu ở 4 bệnh viện, bao gồm 528 bệnh nhân bị đau lưng dưới cấp, đau đầu hoặc chấn thương mắt cá chân. Châm cứu là một dạng y học thay thế trong đó các mũi kim được đâm sâu vào cơ thể. Đây là một thành phần của y học cổ truyền Trung Quốc. Các bệnh nhân được xác định mức độ đau sử dụng thang điểm thấp nhất là 4 trên thang điểm 10, được nhận ngẫu nhiên 3 phương pháp điều trị: chỉ châm cứu, châm cứu kết hợp dùng thuốc hoặc chỉ dùng thuốc.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng 1 giờ sau khi điều trị, dưới 40% bệnh nhân ở cả 3 nhóm đều giảm đau đáng kể, mặc dù 80% tiếp tục đau ở điểm đau ít nhất là 4. Tuy nhiên, sau 48 giờ, đa số cho rằng phương pháp của họ có thể chấp nhận được, với 82,8% bệnh nhân chỉ châm cứu cho biết họ có thể hoặc chắc chắn sẽ lặp lại phương pháp điều trị này so với 80,8% ở nhóm điều trị kết hợp và 78,2% ở nhóm chỉ dùng thuốc. Nghiên cứu này cho thấy, châm cứu có thể là một phương pháp thay thế có giá trị, đặc biệt có lợi đối với những bệnh nhân không thể dùng các thuốc giảm đau thông thường vì đang điều trị bệnh khác. Mặc dù châm cứu được sử dụng rộng rãi trong môi trường cộng đồng để giảm đau nhưng nó ít khi được sử dụng ở khoa cấp cứu của các bệnh viện.

Các nhà nghiên cứu cho biết cũng cần xác định những tình trạng bệnh đáp ứng tốt nhất với châm cứu, tính khả thi của việc sử dụng điều trị trong môi trường cấp cứu và đào tạo cần thiết cho bác sĩ và nhân viên y tế có liên quan.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,