Điểm tin y tế tuần 3

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trực tuyến

Từ ngày 01/02/2016, Bộ Y tế sẽ triển khai hệ thống cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở Y tế và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Để xin cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh các tổ chức và cá nhân thực hiện khai báo và gửi hồ sơ lên hệ thống trực tuyến và thanh toán phí, lệ phí trực tiếp mà không phải đến nộp hồ sơ tại Bộ Y tế. Sau khi nhận được hồ sơ, cán bộ Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh kiểm tra, thẩm định các hồ sơ trên hệ thống mạng.

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1. Ung thư gan cách phát hiện và phòng bệnh

Việt Nam là một trong 9 quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao. Cả nước có hơn 20 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và C, trong đó khoảng 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Ung thư gan gồm ung thư nguyên phát và ung thư thứ phát. Ung thư gan nguyên phát là xuất phát từ tế bào gan hoặc tế bào ống mật. Ung thư gan thứ phát là ung thư di căn từ các nơi khác đến như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, tụy, thực quản…, có nhiều nguyên nhân ung thư gan: Viêm gan vi rút B; viêm gan virút C; nhiễm độc aflatoxin; nhiễm dioxin; nhiễm các hóa chất độc hại khác; viêm gan do rượu lâu ngày dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Bệnh ung thư gan giai đoạn đầu rất khó phát hiện vì không có triệu chứng. Khi sờ thấy gan to ở vùng dưới sườn phải, hoặc vàng da, báng bụng là đã ở giai đoạn muộn. Chẩn đoán thường dựa vào siêu âm bụng, CT, hoặc chụp MRI vùng bụng.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư gan như: đốt u gan bằng sóng cao tần, bằng microwave, công nghệ Nano; bơm hóa dầu làm tắc mạch; phẫu thuật …

Để phòng bệnh người dân cần chủng ngừa viêm gan, siêu âm bụng tầm soát 3 - 6 tháng/lần. Khi mắc bệnh viêm gan B, C, phải đến bác sĩ chuyên khoa điều trị triệt đễ bệnh lý này. Tránh dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm viêm gan B; tránh ăn uống cùng chung thìa, muỗng, chén, bát với những người viêm gan C. Không ăn, uống các thức ăn nhiễm hóa chất, đậu mốc. Hạn chế bia, rượu, thức uống có nồng độ cồn cao.

2. Phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trong tháng đầu năm 2016

Ngày 06/01/2016 và ngày 10/01/2016 Cục thú Y đã ghi nhận thông tin các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Các ổ dịch xảy ra chủ yếu trên gia cầm nuôi tại các hộ gia đình, chưa được tiêm phòng. Hiện nay, do thời tiết thay đổi nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao.

Cục thú Y đề nghị các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9. Các đơn vị cơ sở cần tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời, đặc biệt trong thời điểm gần tết nguyên đán.

3. Đẩy mạnh hợp tác Y tế dự phòng Việt Nam – Nhật Bản

Ngày 11/01/2016, Bộ Y tế đã làm việc với Hiệp hội Y tế Nhật Bản về những hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời gian qua. Tại buổi làm việc Bộ Y tế và Hiệp hội Y tế công Nhật Bản tăng cường hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng. Nhật Bản là nước có hệ thống tiêm chủng được triển khai rất tốt, trong thời gian tới Nhật Bản sẽ tăng cường trao đổi với Việt Nam trong quản lý tiêm chủng, vắc xin thế hệ mới và hợp tác phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm khác.

4. Một bệnh nhân tử vong do Ebola sau khi WHO tuyên bố hết dịch

Ngày 14/01/2016, WHO tuyên bố hết dịch Ebola, đã kéo dài hơn 02 năm qua gây thiệt hại hàng chục tỷ USD và tử vong hơn 11.315 người trong tổng số 29.000 người mắc bệnh. Chỉ vài giờ sau tuyến bố hết dịch thì một phụ nữ Sierra Leone đã tử vong do nhiễm vi rút nguy hiểm này. Theo Bộ Y tế Sierra Leone, ca tử vong mới này là một nữ sinh viên, sống gần biên giới với Guinea, xét nghiệm ban đầu cho kết quả dương tính với vi rút Ebola.

Theo WHO mặc dù bệnh Ebola đã chấm dứt tại khu vực Tây Phi nhưng khả năng xảy ra dịch là rất lớn đặc biệt là Liberia, Guinea và Sierra Leone, vì hiện nay chưa có vắc xin dự phòng hiệu quả, cần có những biện pháp y tế đối phó kịp thời hiệu quả. Người dân cần báo ngay cho các cơ sở y tế địa phương và WHO khi có người xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, đau cơ, nôn mửa, tiêu chảy...

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,