Điểm tin y tế tuần 31

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết

Ngày 27/7/2017, Công điện số 1106/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng, kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

  1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ; phân công cụ thể nhiệm vụ cho chính quyền các cấp về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Bố trí kinh phí kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

  1. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp để người dân chủ động, tích cực việc phòng chống; đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục huy động giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình và cộng đồng.
  4. Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
  5. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp cơ sở chủ động thực hiện và tích cực vận động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là diệt lăng quăng (bọ gậy).

Bộ Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Công điện này./.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức và nội dung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế

Ngày 10/7/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư Số 29/2017/TT-BYT về việc ban hành tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức và nội dung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

Theo đó, viên chức đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng điều kiện tại Điều 9 Thông tư 12/2012/TT-BNV và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I:

+ Có đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hạng I;

+ Có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư chuyên ngành phù hợp;

+ Đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng II và mã số chức danh nghề nghiệp có cùng 4 chữ số đầu với mã số chức danh xét thăng hạng.

- Xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II:

+ Có đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành y tế hạng II;

+ Có bằng chuyên khoa cấp II hoặc Tiến sĩ chuyên ngành phù hợp;

+ Đang giữ chức danh nghề nghiệp hạng III, mã số chức danh có cùng 4 chữ số đầu với mã xét thăng hạng.

Xem chi tiết nội dung xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III tại Thông tư 29/2017/TT-BYT (có hiệu lực từ 01/9/2017).

3. Toàn bộ chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2017

Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Phú Thọ quản lý. Ngày hiệu lực: 01/08/2017

Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐND quy định mức thu dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Ngày hiệu lực: 01/08/2017

Nghị quyết 32/2017/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết 264/2016/NQ-HĐND về đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Long An ban hành. Ngày hiệu lực: 01/08/2017

Nghị quyết 06/2017/NQ-HĐND Quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội quản lý. Ngày hiệu lực: 01/08/2017

Thông tư 26/2017/TT-BYT Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Ngày hiệu lực: 10/08/2017

Thông tư 03/2017/TT-BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Ngày hiệu lực: 13/08/2017

Thông tư 28/2017/TT-BYT quy định về quản lý thuốc kháng HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Ngày hiệu lực: 15/08/2017

4. Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 - 2020)

Ngày 17/7/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1042/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 - 2020).

Nhằm điều chỉnh, bổ sung và cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp của Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020; xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc triển khai thực hiện theo phân công, phân cấp của Chính phủ, nhằm thực hiện toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020

Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016 - 2020).

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Tình hình sốt xuất huyết

Theo thông tin từ báo đài, hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm 2017 đến 27/7/2017, cả nước đã ghi nhận hơn 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có hơn 49.000 trường hợp nhập viện và 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 số nhập viện tằng 11,2%, số tử vong tăng 03 trường hợp. Nhiều tỉnh, thành phố có số mắc cao và dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, nhất là các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Tây Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Nam Định. Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyêt lan rộng, kéo dài, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1106/CĐ-TTg ngày 27/7/2017 về việc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Chiều 28/7/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã bất ngờ kiểm tra tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ngay sau khi đi thị sát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với UBND TP Hà Nội, Sở Y tế và quận Đống Đa về công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự lo lắng dù dịch SXH đang bùng phát trên địa bàn Hà Nội nhưng nhiều người dân vẫn lơ là trong việc phòng chống. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn công tác phòng chống dịch nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông để người dân tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch của ngành y tế. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đến nay tại Hà Nội đã ghi nhận gần 8.000 người mắc SXH với 4 trường hợp tử vong. Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm. Đáng lo ngại là nhiều hộ gia đình khi lực lượng phòng chống dịch đến phun thuốc diệt muỗi thì đi vắng hoặc không hợp tác.

Ngày 29/7/2017, Đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại TP HCM. Đoàn đã kiểm tra thực tế tại phường Hiệp Thành, đây là phường có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tại Quận 12. Từ đầu năm đến nay, phường có 197 ca bệnh, trong đó có một trường hợp tử vong. Theo Sở Y tế TP HCM, 18/24 quận, huyện có số ca bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó huyện Cần Giờ và Quận 12 tăng cao hơn 100%. Hiện quận Bình Tân có số ca bệnh ca và tỷ lệ mắc/100.000 dân cao nhất thành phố.Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân có nhận thức đúng về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Muốn phòng bệnh hiệu quả, nhiệm vụ trọng tâm là diệt lăng quăng và muỗi, từ đó mới có thể khống chế dịch bệnh, giảm số ca mắc và khi có dịch bệnh phải phun thuốc diệt muỗi cho đúng cách.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Ca nhiễm vi rút HIV được chữa khỏi thứ 3 trên thế giới

Theo thông tấn xã Việt Nam, Hy vọng về việc chữa khỏi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS một lần nữa được thắp lên khi một bé gái Nam Phi, 9 tuổi trở thành ca bệnh được chữa khỏi thứ 3 trên thế giới. Các nhà khoa học ngày 24/7/2017 đã công bố thông tin trên tại Hội nghị quốc tế về bệnh AIDS đang diễn ra tại thủ đô Paris, Pháp.

Theo giới nguyên cứu, bé gái nói trên đã bị chẩn đoán nhiễm HIV khi mới 32 ngày tuổi. Sau đó, bé đã tiếp nhận một liệu trình kéo dài 10 tháng theo chương trình thử nghiệm thuốc kháng HIV. Toàn bộ liệu trình điều trị kết thúc lúc cô bé 1 tuổi. Tại thời điểm kết thúc liệu trình, kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng vi rút HIV trong máu của bệnh nhi từ mức "rất cao" đã xuống còn "không thể phát hiện".Sau thời gian 8 năm 9 tháng, HIV trong cơ thể cô bé đã rơi vào trạng thái "ngủ đông" và sức khỏe hiện nay của cô bé hoàn toàn bình thường mà không cần tiếp nhận thêm bất cứ liệu trình điều trị nào.

Trước đây, hai bệnh nhân được coi là đã chữa khỏi căn bệnh thế kỷ này là ông Thimothy Brown, 46 tuổi, ở miền Tây nước Mỹ, vào tháng 7/2012 và một trường hợp em bé 2 tuổi, người Mỹ, được công bố vào tháng 3/2013. Các nhà nghiên cứu hy vọng, việc người nhiễm vi rút được điều trị sớm ngay sau khi nhiễm bệnh sẽ giúp cơ thể họ một ngày nào đó kích hoạt khả năng "chữa bệnh chức năng" để người bệnh có một cuộc sống ổn định lâu dài. Các nhà nghiên cứu đang tập trung nghiên cứu cơ chế chữa bệnh này, bên cạnh các nghiên cứu nhằm tìm ra một phương pháp chữa bệnh lâu dài. Điều trị bằng thuốc kháng retrovirus (ARV) như hiện nay chỉ giúp kiềm chế hoạt động của virus HIV, song không thể diệt trừ virus nguy hiểm này. Người nhiễm HIV phải uống thuốc hàng ngày với chi phí tốn kém và phải chịu nhiều phản ứng phụ.

2. Chẩn đoán 13 bệnh ung thư qua một giọt máu

Theo The Japan News, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Ung thư quốc gia Tokyo (Nhật Bản) đã phát triển một phương pháp để chẩn đoán 13 loại bệnh ung thư chỉ qua một giọt máu. Trong tháng 8 tới, thử nghiệm lâm sàng sinh thiết lỏng sẽ được bắt đầu.

Cho đến nay, một xét nghiệm máu không thể xác định được một số loại ung thư liền một lúc. Nếu phương pháp này được xác nhận qua thử nghiệm lâm sàng, nó có thể được sử dụng để thúc đẩy sự chẩn đoán các loại bệnh ung thư và làm giảm đáng kể số lượng các ca tử vong. Các phân tích mới được dựa trên sự khác biệt về microRNA, được tiết vào máu như một phương tiện giao tiếp giữa các tế bào khỏe mạnh và các tế bào ung thư. Phương pháp sử dụng một giọt máu để xét nghiệm có thể phát hiện ung thư vú, phổi, dạ dày, đại tràng, thực quản, gan, buồng trứng, ống mật, bàng quang, xương, tuyến tiền liệt, u thần kinh đệm và tuyến tụy. Trong một thử nghiệm, các nhà khoa học xác định được trong 40.000 mẫu máu các chỉ dấu đặc trưng cho từng loại ung thư với độ chính xác lớn hơn 95%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng khi lưu trữ các microRNA có thể đã thay đổi, thử nghiệm lâm sàng với các mẫu máu tươi từ 3.000 bệnh nhân sẽ được thực hiện vào tháng 8 này.

Ban Biên tập website Viện