Điểm tin y tế tuần 32

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức

Ngày 27/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2017/NĐ-CP về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 như sau: “Thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm, thời điểm đánh giá, phân loại công chức, viên chức do người đứng đầu quyết định”.
  2. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 24 như sau: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp tham khảo các ý kiến tham gia tại điểm b và c Khoản này, quyết định đánh giá, phân loại đối với người đứng đầu. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tham khảo các ý kiến tham gia tại điểm b và c Khoản này, quyết định đánh giá, phân loại đối với cấp phó do mình bổ nhiệm; trường hợp theo phân cấp quản lý cấp phó không do mình bổ nhiệm thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị tham khảo các ý kiến tham gia tại điểm b và c Khoản này, có trách nhiệm nhận xét bằng văn bản và đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định việc đánh giá, phân loại đối với cấp phó của mình”.
  3. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 26 như sau: Các tiêu chí quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều 25 Nghị định này.”
  4. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 27 như sau: Các tiêu chí quy định tại điểm b, c và d khoản 1 Điều 25 Nghị định này.”
  5. Sửa đổi, bổ sung Điều 29.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2017.

2. Phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 – 2020

Ngày 31/07/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1125/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 – 2020.

Muc tiêu: Chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời khống chế không để dịch lớn xảy ra. Giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm. Bảo đảm cung cấp máu, an toàn truyền máu và phòng, chống hiệu quả một số bệnh lý huyết học. Khống chế và giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tăng cường công tác kết hợp quân dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng biên giới, biển đảo và vùng trọng điểm an ninh quốc phòng.

Phạm vi thực hiện: Các tỉnh/thành phố trong cả nước, ưu tiên một số địa phương trọng điểm của từng dự án thành phần.

Đối tượng thực hiện Chương trình: Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án, hoạt động của Chương trình.

Thời gian thực hiện Chương trình: Từ năm 2016 đến năm 2020.

Kinh phí thực hiện Chương trình: Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 19.380 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 20.413 tỷ đồng).

3. Quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Ngày 28/7/2017, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BYT về quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Theo đó, quy định về quản lý đối tượng trên Hệ thống tại địa chỉ http://tiemchung.gov.vn có một số điểm đáng chú ý như sau:

- Thông tin cá nhân và lịch sử tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào Hệ thống.

- Đơn vị thực hiện tiêm chủng phải nhập thông tin mới của đối tượng tiêm chủng ngay trong buổi tiêm; với điểm tiêm chủng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa nhập thông tin trong vòng 05 ngày làm việc.

- Đối với các thông tin về phản ứng sau tiêm chủng, phải được cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác sau khi phát hiện.

- Chỉ có Trạm Y tế xã trực tiếp quản lý mới có quyền xóa đối tượng.

- Đối với các đối tượng tử vong, không sinh sống tại Việt Nam trong 06 tháng, Trạm Y tế xã có trách nhiệm cập nhật trạng thái tạm ngừng gọi tiêm trên Hệ thống trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được thông tin.

Quyết định 3421/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 28/7/2017.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Đã có 19 trường hợp chết do sốt xuất huyết

Theo Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 71.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 19 trường hợp tử vong.

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị đã tăng 25% so với cùng kì năm 2016. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam chiếm 60% cả nước; tại khu vực phía Bắc, Hà Nội là địa phương có số trường hợp mắc nhiều nhất, chiếm 74% khu vực. Dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay đến sớm và có xu hướng gia tăng nhanh, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân phòng bệnh sốt xuất huyết cần thực hiện chiến dịch người dân tự diệt muỗi, loăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay rửa bình hoa…

Người dân khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

2. Gia tăng người nhiễm HIV tại nhiều địa phương

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, từ đầu năm 2017 tới nay, cả nước phát hiện mới hơn 3.500 người nhiễm HIV và gần 650 ca tử vong do AIDS. So với cùng kỳ năm ngoái, số nhiễm mới giảm 11%, số tử vong giảm 34%. Tuy nhiên, đáng lưu ý lại có tới 20 tỉnh, thành có số bệnh nhân HIV tăng, đặc biệt là Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, TPHCM và Phú Thọ. Riêng Hà Nội và TPHCM chiếm 25% bệnh nhân mới phát hiện trong cả nước (Hà Nội ghi nhận 311 ca mới, TPHCM là 572 ca).

Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, tại một số địa phương như Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Thọ…, dù triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm nhưng số bệnh nhân HIV mới vẫn gia tăng. Qua đó cho thấy HIV đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu không đầu tư và làm tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm sẽ dẫn đến ảo tưởng dịch bệnh đã được khống chế.

Qua giám sát, tình dục vẫn đang là con đường lây truyền HIV phổ biến nhất hiện nay. Trong số người mới nhiễm HIV được phát hiện, có 48% lây qua đường tình dục, 33% qua đường máu và 3% từ mẹ sang con.

3. Tăng cường công tác phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC

Theo báo Dân trí, ngày 03/8/2017, trong khuôn khổ hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM3) và các cuộc họp liên quan, các quan chức cấp cao ngành y tế các nước APEC sẽ chia sẻ kinh nghiệm, họp bàn với nhau về các chính sách nhằm thúc đẩy chương trình phòng chống lao trong khu vực.

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cầu với 10,4 triệu người mới mắc và 1,8 triệu người chết do lao năm 2015. Trong đó 58% bệnh nhân lao thuộc khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương; Indonesia và Trung Quốc là 2 quốc gia trong khu vực APEC thuộc top 3 quốc gia có số bệnh nhân lao cao nhất, chiếm 20% tổng số bệnh nhân lao toàn cầu. Vấn đề lao kháng thuốc được coi là vấn đề đe dọa an ninh y tế toàn cầu (Global health security). Hiện nay có đến 3,9% số bệnh nhân lao mới phát hiện và 21% số bệnh nhân lao đã từng điều trị mắc lao đa kháng với số tuyệt đối được ước tính là 580.000 người, riêng Trung Quốc đã có 70.000. Hiện nay mới chỉ có 1/5 bệnh nhân lao kháng thuốc được tiếp cận với điều trị, còn lại hoặc tử vong hoặc tiếp tục là nguồn lây lan ra cộng đồng.

Để có cam kết chính trị ở mỗi quốc gia, nhận thức của các nhà hoạch định chính sách, người đứng đầu Chính phủ, các Bộ ngành, đoàn thể là vô cùng quan trọng. Do đó, hội nghị Đối thoại chính sách về “Tăng cường công tác phòng chống lao và lao kháng thuốc ở khu vực APEC” nhằm vận động các nhà hoạch định chính sách, những người đứng đầu Chính phủ, Bộ ngành Y tế quan tâm sâu sắc tới vấn đề hết sức nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, có nguy cơ tử vong cao và lây lan nguy hiểm có ý nghĩa rất quan trọng.

Hội nghị nhằm đạt 3 Mục tiêu: Thứ nhất, chia sẻ các bằng chứng khoa học và thực tiễn mang tính chiến lược làm tiền đề cho tiến trình kết thúc bệnh lao. Thứ hai, thách thức và cơ hội của các giải pháp khoa học công nghệ trong kiểm soát lao và lao kháng thuốc hiện nay. Cuối cùng là đồng thuận về cam kết chính trị, chính sách xã hội, khung hợp tác và trách nhiệm giải trình đa ngành của các nền kinh tế cho kết thúc bệnh lao trong khu vực APEC.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Phát hiện cơ chế "đốt cháy" chất béo sau bữa ăn của não bộ

Theo Cell Metabolism, ngày 02/8/2017, Các nhà khoa học trường ĐH Monash (Úc) vừa phát hiện ra một cơ chế "đốt cháy" chất béo sau bữa ăn của não bộ, mở ra hướng đi mới trong điều trị béo phì, “thủ phạm” của bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan và nhiều bệnh ung thư.

Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy cơ chế tạo mỡ nâu sẽ bật lên sau bữa ăn để “đốt cháy” mỡ và tắt vào giữa các bữa ăn để duy trì năng lượng dự trữ, mở ra hướng đi mới trong điều trị béo phì, “thủ phạm” của bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan và nhiều bệnh ung thư.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện chụp não các con chuột và phát hiện cơ chế chuyển đổi chất béo năng lượng (mỡ trắng) sang chất béo tiêu hao năng lượng (mỡ nâu). sau ăn, não sẽ sẽ chịu trách nhiệm điều tiết insulin. Mức insulin tăng khi đường huyết tăng - thường diễn ra sau khi ăn - sẽ tác động tới não, khiến não bộ gửi tín hiệu để “nhuộm nâu” các chất béo thành năng lượng sử dụng. Ngược lại, khi không ăn, não sẽ gửi tín hiệu đến các adipocytes (Mỡ được dự trữ trong những tế bào chuyên biệt được gọi là adipocytes, mà có thể chuyển từ màu trắng sang màu nâu và chúng có thể đổi vai trò như vậy trong suốt cả ngày.) để chuyển mỡ từ nâu sang trắng nhằm dự trữ năng lượng. Cả 2 quá trình này đều có tác dụng ngăn thừa cân và giảm cân, giúp cơ thể duy trì cân nặng ổn định qua năm tháng.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khả năng của não để nhận biết insulin và phối hợp trong thời gian ăn uống với năng lượng tiêu hao nhờ “nhuộm nâu” tế bào được kiểm soát bởi 1 “công tắc”. “Công tắc” này sẽ bật lên, nhanh chóng ức chế sự đáp ứng với insulin. Sau khi ăn xong, công tắc này sẽ tắt đi để insulin được “khơi thông” giúp “đổi màu nâu” của mỡ để cơ thể có thể sử dụng năng lượng. Khi ai đó bị béo phì, “công tắc” này luôn bật nên cơ thể không bao giờ tiêu tốn năng lượng hay đốt cháy chất béo.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng phát hiện về cơ chế chuyển đổi này sẽ giúp họ phát triển phương pháp thúc đẩy tiêu hao mỡ thừa, giải quyết dịch béo phì đang lan khắp thế giới.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,