Điểm tin y tế tuần 35 - 2018

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

  1. Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 847/CT-BYT về các giải pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Chỉ thị số 847/CT-BYT do Bộ trưởng BYT ban hành ngày 21/8/2018 đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trong công tác khám bệnh phải:

  • Tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân thay đổi thói quen chỉ đến khám bệnh vào buổi sáng;
  • Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ khám bệnh;
  • Bố trí, điều tiết nhân lực và buồng khám, bàn khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân, đặc biệt là vào các thời điểm cao điểm để bác sỹ có đủ thời gian khám, tư vấn cho người bệnh;
  • Cơ sở y tế tuyến trên phải tuyên truyền, giải thích, tư vấn, chuyển người bệnh về tuyến y tế cơ sở để theo dõi, quản lý, cấp phát thuốc khi điều trị ngoại trú cho người mắc bệnh không lây nhiễm, mạn tính;
  • Bệnh viện tuyến trên phải tập trung khám, chữa các bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được.

Đính kèm nội dung chi tiết tại Chỉ thị 847/CT-BYT ban hành ngày 21/8/2018.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

  1. Hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc

Ngày 24/8/2018 tại Hưng Yên, Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội Viettel và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại 700 điểm cầu (63 điểm cầu tỉnh, thành và 637 điểm cầu quận huyện).

Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Viêc ứng dụng này được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Đồng thời đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của Bộ Y tế nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.

Đến nay đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc.

  1. WHO cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều nước

Ngày 23/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã thông báo Tổ chức Y tế thế giới đang cảnh báo sự gia tăng đáng kể dịch bệnh sởi tại các nước châu Âu trong nửa đầu năm 2018. 7 quốc gia có số mắc cao nhất với trên 1.000 trường hợp mắc gồm: Ucraina, Grudia, Italia, Nga, Serbia, Pháp, Hy Lạp. Trong đó Ucraina có số trường hợp mắc cao nhất với 28.000 trường hợp mắc, Serbia có số trường hợp tử vong cao nhất với 14 trường hợp tử vong. Đặc biệt việc ghi nhận sự lây truyền bệnh sởi xảy ra liên tục ở cả một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi (Đức và Nga), điều này dấy lên mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể quay trở lại thành dịch lưu hành ở những nước này.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân dịch sởi gia tăng tại các nước châu Âu là do tỷ lệ bảo phủ vắc xin sởi không đạt yêu cầu tại nhiều nước. Năm 2017, tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi toàn châu Âu đạt tỷ lệ trung bình là 90%, trong khi một số nước đạt trên 95% thì còn nhiều nước mới đạt tỷ lệ dưới 70%. Tỷ lệ này đặc biệt thấp tại Ucraina với tỷ lệ tiêm vắc xin sởi 31% vào năm 2016. Tại Việt Nam, đầu năm 2018 cũng ghi nhận nhiều ca bệnh sởi.

Theo WHO, để phòng xảy ra ổ dịch sởi, việc tiêm vắc xin sởi phải đạt tỷ lệ bao phủ trên 95% với 2 liều vắc xin sởi hàng năm ở tất cả các cộng đồng.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

  1. Loài bọ xít truyền ký sinh trùng gây bệnh Chagas tại Mỹ

Theo Daily Mail ngày 24.8, một dịch bệnh đang lan rộng ra nhiều bang ở Mỹ, với 300.000 người mắc. Bệnh Chagas do ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, sống trong ruột của loài bọ xít hút máu người gây ra. Loại bọ truyền ký sinh trùng gây bệnh thường cắn trên mặt, đặc biệt gần miệng người. Nhiều người bị mắc bệnh Chagas không hề có biểu hiện bệnh. Đó chính là đặc điểm đáng sợ nhất của bệnh này và được các chuyên gia y tế gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Theo khuyến cáo, các bác sĩ có thể phát hiện sớm dịch Chagas thông qua các bài thử máu đơn giản và điều trị bằng các loại thuốc hiện có. Các triệu chứng do Chagas gây ra bao gồm sốt, đờ đẫn, đau nhức, phát ban và sưng hạch.

Hiện tại, Chagas đang ngày càng trở nên phổ biến hơn ở Tây Ban Nha, Italy, Pháp,Thụy Sĩ, Anh, Australia và Nhật Bản.

  1. Bệnh nhân nhiễm giun Toxocariasis vì ăn sushi gà.

Một bệnh nhân nam 34 tuổi ở Nagasaki, Nhật Bản đã phát hiện một khối u phát triển trong phổi và gan sau khi bị đau bụng hơn 10 ngày và được chẩn đoán bị nhiễm Toxocariasis. Bệnh nhân cho hay anh đã vài lần ăn món sushi gà. Đây là một món ăn mà thịt chỉ được nướng sơ các góc, không nấu chín.

Các bác sĩ tại đây cho biết đây là một dạng nhiễm khuẩn hiếm gặp do nhiễm phải ký sinh trùng giun tròn, có khả năng gây mù mắt. Bản chụp phim cho thấy các khối u tế bào nổi sần lên trong ngực và gan bệnh nhân. Xét nghiệm máu cho thấy lượng cao bạch cầu, báo hiệu bị nhiễm trùng. Sau khi được điều trị tích cực, các khối u trong phổi, gan biến mất dần.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,