ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 34

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Bộ Y tế ban hành chỉ thị 08 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về giải quyết vấn đề rác thải nhựa, ngày 29/7/2019 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08 về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế, các cơ quan, tổ chức, cán bộ, viên chức và người lao động trong Ngành Y tế hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni-lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Ngoài ra, Bộ Y tế còn đề nghị đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị… (Xem văn bản đính kèm)

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Tám vắc xin người lớn không thể bỏ qua để phòng những bệnh nguy hiểm

Vắc xin cúm: Cúm lây lan qua không khí do ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc chỉ đơn thuần là hơi thở. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ đề nghị, mỗi người nên tiêm ngừa 1 liều vắc xin cúm mỗi năm, đặc biệt với đối tượng như trẻ trên 6 tháng tuổi, những người có nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến cúm như phụ nữ mang thai và người mắc bệnh hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim.

Vắc xin uốn ván, bạch hầu và ho gà: Vắc xin uốn ván và bạch hầu (TD) hoặc bạch hầu, ho gà, uốn ván (TdAP hay DTAP) ngừa được bệnh uốn ván (một căn bệnh gây ra do nhiễm trùng bởi vi khuẩn), bạch hầu (nhiễm trùng đường hô hấp) và ho gà. Một mũi tiêm 3 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván) hoặc loại 2 trong 1 (bạch hầu - uốn ván) nhắc lại mỗi 10 năm có thể giúp ngừa bệnh phòng uốn ván. Với phụ nữ mang thai, để phòng uốn ván khi sinh, hãy tuân thủ đúng lịch tiêm phòng uốn ván.

Vắc xin phòng HPV: HPV là loại vi rút lây truyền qua đường tình dục. Vắc xin HPV giúp chống lại một số tuýp HPV gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và nhiều trường hợp ung thư họng ở nam giới. Vắc xin này có thể phòng mụn cóc ở cả nam và nữ. Nên tiêm vắc xin sớm cho trẻ từ 9 tuổi. Những người lớn trẻ tuổi, đặc biệt là nếu chưa quan hệ tình dục cũng có thể tiêm vắc xin. Vắc xin HPV được tiêm cho cả nam và nữ đến 26 tuổi.

Vắc xin phòng thủy đậu: Người lớn và trẻ em đều có thể mắc thủy đậu - thậm chí tử vong vì những biến chứng của căn bệnh này như: viêm phổi, nhiễm trùng não, xương, da và mạch máu. Vắc xin làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt ở những người có cơ địa dễ mắc bệnh nhưng không thể tiêm vắc xin như phụ nữ mang thai. Từ 13 tuổi trở lên, nên tiêm 2 liều vắc xin cách nhau từ 4 - 8 tuần.

Vắc xin viêm gan: Nên tiêm thuốc chủng ngừa viêm gan A nếu có rối loạn đông máu, hoặc bệnh gan mãn tính và có thể tiêm bất cứ lúc nào. Liều thứ hai từ 6-18 tháng sau liều đầu tiên. Nên tiêm thuốc chủng ngừa viêm gan B nếu đang sinh hoạt tình dục không chung thủy. Tiêm nhắc lại liều thứ hai 1 tháng sau liều đầu tiên, liều thứ ba ít nhất 2 tháng sau liều thứ hai và ít nhất 4 tháng sau liều đầu tiên.

Vắc xin viêm màng não do não mô cầu: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), viêm màng não có thể dẫn đến tử vong cho khoảng một nửa số trường hợp nếu không được điều trị. Trong số những người sống sót sau nhiễm bệnh, cứ 5 người sẽ có 1 người bị di chứng vĩnh viễn, bao gồm tổn thương não bộ và mất đi thính lực. Ở Việt Nam, có 2 loại vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu là vắc xin não mô cầu AC và vắc xin não mô cầu BC.

Vắc xin viêm phổi: Nên tiêm ngừa vắc xin viêm phổi cho những người từ 65 tuổi trở lên; có một bệnh mãn tính hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu; hoặc đã cắt lách. Có thể tiêm liều thứ hai cho người từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm liều đầu tiên trước 65 tuổi; người hệ thống miễn dịch yếu hoặc bệnh thận; người đã cấy ghép tủy xương...

Vắc xin sởi, quai bị và rubella: Nên tiêm phòng bệnh sởi - quai bị - rubella kết hợp (MMR) nếu bạn được sinh ra trong hoặc sau năm 1957 và chưa bao giờ được tiêm phòng chủng ngừa MMR. Bạn có thể tiêm phòng một liều vắc xin MMR bất kỳ lúc nào. Tiêm nhắc lại liều thứ hai 4 tuần sau liều đầu tiên nếu mới đây bạn tiếp xúc với bệnh sởi hay phát sinh ổ dịch xảy ra trong cộng đồng. Thuốc chủng ngừa MMR không được khuyến cáo nếu bạn được sinh ra trước năm 1957, bạn có hệ thống miễn dịch yếu, bạn đang mang thai, hoặc bạn có thể có thai trong vòng 4 tuần sau khi tiêm chủng ngừa.

2. Bộ Y tế ra mắt ngân hàng dữ liệu Ngành Dược - Drugbank.vn

Chiều ngày 12/8/2019 tại Hà Nội, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế ra mắt ngân hàng dữ liệu Ngành Dược- Drugbank.vn. Tham dự buổi lễ có TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.

Ngân hàng dữ liệu Ngành Dược- Drugbank.vn là cơ sở dữ liệu của ngành Dược được xây dựng với mục đích tạo ra một hệ cơ sở dữ liệu hỗ trợ quản lý ngành một cách nhanh chóng, thuận tiện và giúp ích cho sự phát triển của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức về y tế- sức khỏe và thói quen sử dụng thuốc của nhân dân. Với kho dữ liệu chứa thông tin của hơn 10.000 đầu thuốc đang lưu hành, gần 41.000 cơ sở sản xuất, phân phối và dược sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề, ngân hàng dữ liệu ngành Dược cung cấp cho người dùng một nền tảng tra cứu toàn diện, thuận tiện mọi lúc mọi nơi thông qua website hoặc trên ứng dụng di động.

3. Thông điệp mới trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS

Thông điệp mới trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS vừa được các tổ chức phòng, chống HIV/AIDS đưa ra là “không phát hiện = không lây truyền”, được viết tắt là K=K. Theo đó, người nhiễm HIV mới sẽ được điều trị tích cực và sử dụng luôn phác đồ điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV). Khi tuân thủ theo phác đồ này, khả năng lây nhiễm HIV sang bạn tình hoặc vợ (chồng) gần như bằng không.

Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, hiện nay trên thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS, cho nên điều trị bằng thuốc ARV vẫn được coi là hữu hiệu nhất. Điều trị thuốc ARV làm ức chế sự nhân lên của vi-rút HIV, do đó duy trì được lượng vi-rút thấp nhất trong máu, từ đó duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Số lượng vi-rút HIV trong mẫu máu xét nghiệm của người nhiễm HIV càng cao thì khả năng giảm miễn dịch và lây truyền càng lớn. Thuốc ARV có thể làm giảm số lượng vi-rút HIV của người nhiễm xuống thấp đến mức không thể đếm được khi xét nghiệm và như vậy sẽ không lây nhiễm HIV sang bạn tình. Khi đó, người nhiễm HIV tiếp tục có khả năng sống khỏe mạnh và lâu dài. Trước sự hữu ích của phác đồ điều trị này, Bộ Y tế đã giới thiệu rộng rãi thông điệp mới, nhằm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và khuyến khích những người có HIV tuân thủ điều trị theo phác đồ mới. Phác đồ mới được công bố tại Hội nghị quốc tế về AIDS năm 2018 và nhanh chóng được gần một nghìn tổ chức y tế và tổ chức cộng đồng tại gần 100 quốc gia công nhận và ủng hộ.

Ban Biên tập website Viện