ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 38

VĂN BẢN PHÁP LÝ CHỈ ĐẠO

1. Tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Ngày 09 tháng 09 năm 2019, Bộ Y tế ban hành chỉ thị số 10/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện có tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, đến quyền lợi của người bệnh, uy tín của ngành y tế, ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm y tế. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên chủ yếu là do một bộ phận người lao động trong ngành y tế thiếu kiến thức và hiểu biết chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh; hạn chế về kiến thức, năng lực chuyên môn; sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và giải quyết vướng mắc phát sinh.

Để kịp thời ngăn chặn hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, về khám bệnh, chữa bệnh.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đối với ngành y tế

Đây là thông tin được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị Quản lý bệnh viện khu vực châu Á (HMA) thường niên năm 2019 do Việt Nam đăng cai tổ chức, từ ngày 11 đến ngày 12-9. Hội nghị nhằm mục đích giúp các lãnh đạo bệnh viện và các nhà lãnh đạo y tế có tư duy quản lý về chăm sóc sức khỏe, hệ thống thực hành và các giải pháp tốt nhất từ khắp thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng mạng lưới 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh; 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc …Kết quả bước đầu đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, an toàn chất lượng ngay tại địa phương mình. Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song Bộ trưởng Y tế cũng thừa nhận, Việt Nam vẫn là một nước thu nhập trung bình, nguồn lực y tế còn nhiều hạn chế. Vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tới đây, ngành y tế Việt Nam sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề như nâng cao chất lượng y tế cơ sở; xây dựng hệ thống kiểm định lâm sàng và tiến tới đánh giá chất lượng độc lập, công khai kết quả, gắn với chi trả BHYT. Đặc biệt, Bộ Y tế đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đối với ngành y tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

2. Cảnh báo nhiều dịch bệnh mới nổi, tái nổi diễn biến phức tạp

Từ ngày 12 đến 14/9/2019, tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị khoa học toàn quốc về Truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2019 do BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Hội Y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam tổ chức.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay các bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và nước ta. Nguyên nhân là do sự giao lưu, đi lại thuận tiện giữa các nước, thêm vào đó là sự biến đổi liên tục do vi sinh vật gây bệnh, sự biến đổi của khí hậu, quá trình đô thị hóa, điều kiện vệ sinh môi trường, sự di dân của các vị trí địa lý, đặc biệt là xâm nhập vào các vùng sâu đã làm thay đổi bộ mặt cũng như cơ cấu của các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, chuyên gia dịch tễ cảnh báo, các biện pháp phòng hộ như tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ còn chưa đầy đủ, xử lý ổ dịch chưa tốt… dẫn đến dịch bệnh xảy ra, dễ lây lan và bùng phát.

3. Tái bùng phát bệnh whitmore “'ăn thịt người”

Chỉ trong tháng 8-2019, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận tới 12 ca mắc bệnh whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong. Các bác sĩ ngạc nhiên hơn khi lần đầu tiên xuất hiện một nữ bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore ăn cánh mũi… Ngày 10-9, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ trong tháng 8 vừa qua, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore, trong đó có 4 ca tử vong. Đó là dấu hiệu cảnh báo căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao (tới 40%) đang có nguy cơ tái bùng phát. Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước đây, 5-10 năm mới có 20 ca mắc whitmore, thì từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này, chủ yếu chuyển từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ đến.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Phát hiện thêm đột biến gen có khả năng ngăn lây nhiễm HIV

Phát hiện này xuất phát từ bệnh nhân tên Timothy Brown (hay còn gọi là bệnh nhân Berlin), trở thành người đầu tiên được chữa khỏi HIV sau ca ghép tủy từ một người hiến tặng bị đột biến gen CCR5. Mới đây, nhóm nhà khoa học Tây Ban Nha đã nghiên cứu phát hiện đột biến mới liên quan đến gen Transportin 3 (TNPO3) và là một dạng đột biến hiếm hơn nhiều so với đột biến gen CCR5.

Đột biến này được xác định nhiều năm trước trong các thành viên của một gia đình tại Tây Ban Nha. Những người này đang bị loạn dưỡng cơ chi loại 1F. Các bác sĩ điều trị cho gia đình đã liên hệ với các nhà gen học tại Madrid vì biết gen này có vai trò quan trọng trong việc xâm nhập của vi rút HIV vào bên trong tế bào chủ. Jose Alcami, nhà vi rút học tại Viện Y tế Carlos II cho biết "Phát hiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế xâm nhập của HIV vào tế bào chủ".

Ban Biên tập website Viện