VĂN BẢN PHÁP LÝ, CHỈ ĐẠO
1. Chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã có công văn số 8157/BYT- KHTC ngày 28/9/2021 về việc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID-19.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí. Thực hiện thu và thanh toán chi phí xét nghiệm đối với từng đối tượng theo quy định của pháp luật về giá và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Lưu ý trường hợp thực hiện xét nghiệm gộp mẫu phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn để thu và thanh toán với người bệnh.
Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn mức giá lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện mức giá và thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021, công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 07/7/2021.
Đối với các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm cho cán bộ, viên chức, cho người bệnh và người nhà người bệnh theo Công điện số 628/CĐ-BCĐQG ngày 10/5/2021, Công điện số 615/CĐ-BYT ngày 07/5/2021, các cơ sở y tế lựa chọn các phương pháp xét nghiệm phù hợp, thực hiện gộp mẫu theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thanh toán theo nguyên tắc thực thanh thực chi, trong đó chi phí về sinh phẩm, vật tư, hóa chất để thực hiện xét nghiệm theo giá trúng đấu thầu của cơ sở y tế.
Đối với trường hợp cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng không thuộc phạm vi chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước, cơ sở y tế công lập thực hiện thu theo mức giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021, công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 07/7/2021; không thực hiện mức giá dịch vụ theo yêu cầu đối với xét nghiệm COVID-19.
Chi tiết Công văn số 8157/BYT- KHTC ngày 28/9/2021.
TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN
1. Tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Để chủ động công tác điều trị, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết Dengue trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn để bố trí cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 và công tác khám, chữa bệnh thông thường đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng theo các mô hình phù hợp.
Thực hiện nghiêm tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19. Các cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên đánh giá bệnh viện, phòng khám an toàn phòng, chống COVID-19. Thông tin rộng rãi để nhân dân biết được các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh SXHD và thông tin các cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất có thể đến để được khám bệnh, tư vấn.
Các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue trong tình hình dịch bệnh COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn phòng lây nhiễm COVID- 19. Bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc; Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt cho người bệnh và người nhà người bệnh...
2. Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 808.578 ca mắc COVID-19, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.215 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4), Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 803.993 ca, trong đó có 688.618 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 12/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Lào Cai. Có 07 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (397.513), Bình Dương (215.643), Đồng Nai (50.663), Long An (32.767), Tiền Giang (14.120).
Về tình hình điều trị, ngày 3/10 có 28.859 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số đã chữa khỏi lên 693.797 trường hợp. Về tình hình tử vong, tổng số ca tử vong so COVID-19 trong nước tính đến hiện tại là 19.715 ca, chiếm 2.5% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 136/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về tình hình tiêm chủng, theo số liệu thống kê từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đến ngày 4/10 cả nước đã thực hiện tiêm tổng cộng 44.637.911 liều vaccine. Trong đó, có 34.155.519 mũi 1 và 10.482.392 mũi 2.
TIN Y TẾ QUỐC TẾ
1. Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới
Tính đến hết ngày 03/10, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới 235.718.694 triệu ca mắc trong đó có 4.815.893 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 212.581.692 người, 18.234.104 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 87.005 ca nguy kịch.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với trên 44.518.437 triệu ca mắc và khoảng 719.933 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33.834.243 triệu ca mắc, trong đó khoảng 449.029 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21.468.121 triệu ca mắc và khoảng 597.986 ca tử vong.
Indonesia, Philippines và Malaysia là ba quốc gia có số ca mắc cao trong khu vực Đông Nam Á. Số ca mắc tại Indonesia hiện là 4.219.284 người, trong đó có 142.173 ca tử vong. Philippines ghi nhận tổng cộng 2.593.399 ca mắc, bao gồm 38.768 ca tử vong. Trong khi đó, Malaysia xếp thứ ba với 2.277.565 ca mắc và 26.683 ca tử vong.
Ban Biên tập website Viện
BẢN QUYỀN THUỘC VIỆN SỐT RÉT - KÝ SINH TRÙNG - CÔN TRÙNG - TP. HỒ CHÍ MINH
Số 685 Trần Hưng Đạo - Phường 1 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh | www.impehcm.org.vn
Điện thoại: 84-028-3923.7117 / 3923.9940 / 3923.7422 / 3923.8091 / 3923.9946 - Fax: 84-8-3923.6734
Giấy phép số 125/GP-BC (9/4/2007)