Điểm tin y tế tuần 39

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Hướng dẫn sử dụng hóa đơn điện tử khi thanh toán tiền KCB BHYT

Ngày 11/9/2017, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3991/BHXH-TCKT hướng dẫn về việc sử dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT.

Cụ thể, để thuận tiện cho việc sử dụng hóa đơn điện tử tại các cơ sở KCB trong thời gian gần đây, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH tỉnh như sau:

- Cơ sở y tế sử dụng hóa đơn điện tử khi cung cấp hóa đơn điện tử chuyển đổi cho cơ quan BHXH hoặc cho người bệnh có thẻ BHYT theo quy định tại Điều 12 Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011.

- BHXH tiếp nhận hình ảnh hóa đơn điện tử do người bệnh cung cấp trong trường hợp người bệnh chưa được cơ sở KCB cung cấp hóa đơn điện tử chuyển đổi khi thanh toán trực tiếp.

- Hóa đơn điện tử chuyển đổi sẽ được chuyển và lưu tại nơi phát sinh thanh toán trực tiếp để thanh toán theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc truyền, nhận, lưu trữ hóa đơn điện tử, thỏa thuận giữa cơ quan BHXH và cơ sở y tế cần đảm bảo đầy đủ các nội dung về yêu cầu kỹ thuật, điều kiện đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật liên quan đến hóa đơn điện tử.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. 70% các bệnh truyền nhiễm mới nổi trên người ở Việt Nam có nguồn gốc từ động vật

Theo Cục Y tế dự phòng, ngày 20/09/2017, những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi (BNTMN ) hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Tổ chức Y tế thế giới đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.

Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây BNTMN bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái. BNTMN đã ghi nhận ở Việt Nam trong thời gian gần đây bao gồm Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS, 2003), cúm gia cầm A/H5N1 năm 2003 với tỷ lệ tử vong khoảng 50%, cúm đại dịch (cúm A/H1N1, 2009). Bên cạnh BNTMN nguy hiểm nói trên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm lưu hành từ lâu như bệnh dại. Ở Việt Nam, bệnh dại hiện là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng quan tâm với số ca gây tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, hơn 90% ca bệnh dại trên người do lây nhiễm từ chó. Đây là bệnh có thể dự phòng hiệu quả bằng biện pháp tiêm vắc xin kịp thời, đúng và đủ liều, tuy nhiên số người tử vong do dại trung bình giai đoạn 2011-2016 vẫn xấp xỉ 100 ca/năm. Ngoài ra, bệnh liên cầu lợn trên người với bệnh cảnh lâm sàng nặng nề, điều trị tốn kém, tỷ lệ tử vong cao và nếu khỏi cũng để lại nhiều di chứng nặng hiện đang diễn biến phức tạp với số ca mắc và tử vong hàng năm không giảm do người dân vẫn giữ thói quen ăn tiết canh. Mặc dù từ tháng 2/2014 đến nay không phát hiện thêm ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 nào trên người, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm bệnh này từ gia cầm sang người vẫn luôn hiện hữu do dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và thói quen tiếp xúc gần gũi giữa con người và vật nuôi.

Quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự giao lưu của con người bằng những phương tiện giao thông hiện đại là cơ hội cho các ổ dịch BTNMN từ động vật lây sang người hiện tại hoặc có thể trong tương lai xuất hiện và bùng phát, cho dù bệnh phát sinh ở bên ngoài biên giới cũng có thể là mối đe dọa đối với các quốc gia. Gần đây, Việt Nam đứng trước nguy cơ xâm nhập của một số BNTMN có nguồn gốc từ động vật nguy hiểm như MerCoV ở Trung Đông và Hàn Quốc, Ebola ở Tây Phi, dịch hạch ở Châu Phi, cúm gia cầm A/H7N9 ở Trung Quốc…

Dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người là một mối đe dọa thường trực gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, kinh tế và xã hội. Phòng, chống hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe con người và vật nuôi, ổn định kinh tế xã hội của mỗi quốc gia mà còn góp phần đảm bảo an ninh y tế toàn cầu trong bối cảnh những biến đổi môi trường của quốc gia và thế giới đang diễn ra một cách nhanh chóng và nguy cơ xuất hiện các BNTMN và bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế đã cam kết tham gia Chương trình an ninh y tế toàn cầu từ tháng 2/2014 và xung phong là một trong những quốc gia đầu mối điều phối các hoạt động của Gói Hành động phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người (ZDAP).

2. Sốt rét kháng thuốc từ Campuchia lan sang Việt Nam

Theo AP, nhóm nhà khoa học thuộc Đơn vị Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Mahidol-Oxford Thái Lan (MORU) cho rằng, hiệu quả điều trị sốt rét tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động do ký sinh trùng kháng thuốc lan tới miền nam từ phía tây Campuchia. "Sự lây lan của siêu ký sinh trùng ở tiểu vùng sông Mekong có thể làm tăng số ca sốt rét cũng như gây nguy hại nghiêm trọng đến nỗ lực kiểm soát và loại bỏ căn bệnh".

Đầu năm nay, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương xác nhận ký sinh trùng sốt rét kháng artemisinin xuất hiện ở năm tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Gia Lai, Đăk Nông, Bình Phước và cảnh báo nguy cơ lây lan toàn quốc. Trước đó, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc cũng xuất hiện tại Thái Lan, Myanmar, Lào.

Sốt rét là căn bệnh nguy hiểm do muỗi truyền, đặc biệt dễ gây tử vong ở trẻ em. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính năm 2015 có 429.000 người chết vì sốt rét, chủ yếu tập trung ở châu Phi. Năm 2016, Việt Nam có 4.000 ca sốt rét, giảm 52% so với năm 2015. Chính phủ đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn sốt rét vào năm 2030.

3. Kiểm tra trình độ và cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ 2 năm/lần

Theo VTV New, ngày 23/9/2017, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra trình độ chuyên môn và cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ 2 năm/lần, thay vì việc cấp chứng chỉ duy nhất một lần như hiện nay. Trong khi đó, nhiều bệnh viện còn chưa thực sự quan tâm tới việc cập nhật và đào tạo cho bác sĩ của cơ sở mình.

Báo cáo tại Hội thảo đánh giá việc đào tạo liên tục và xây dựng lộ trình triển khai kiểm định chất lượng cho thấy có tới 30% bệnh viện không có kế hoạch đào tạo liên tục. Trong khi đó, việc đào tạo liên tục hay cập nhật kiến thức là sự sống còn của ngành y tế. Đại diện các bệnh viện cho biết khó khăn nhất hiện nay là việc chuẩn hóa giáo trình đào tạo, cơ sở để thực hành trong quá trình đào tạo liên tục và giáo viên giảng dạy. Hiện có hơn 500 đơn vị được cấp mã ngành đào tạo liên tục với các cấp độ khác nhau, bao gồm bệnh viện lớn và các trường Đại học.

Theo Luật khám chữa bệnh, người hành nghề khám chữa bệnh nếu không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời gian 2 năm liên tiếp sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề. Để thực hiện điều luật này, Bộ Y tế quy định người hành nghề khám chữa bệnh cần học tối thiểu 48 tiết trong 2 năm, tương đương ít nhất 20 ngày học liên tục mỗi năm.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Bùng phát dịch sởi trong nhóm trẻ em người Digan tại Hy Lạp

Theo Trung tâm quốc gia về Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hy Lạp (KEELPNO), ngày 22/9/2017, tuyên bố nước này đang đối mặt với một đợt bùng phát dịch sởi trong năm nay khi có tới 166 ca bệnh được ghi nhận tính đến ngày 21/9/2017.

Theo số liệu của KEELPNO, hầu hết các ca mắc sởi là trẻ em người Digan và những người trong độ tuổi từ 25 đến 44, trong đó có cả các nhân viên y tế chưa từng tiêm vắcxin phòng bệnh này. Số ca nhiễm sởi ở mức cao hiện nay đang đặt ra nhiều lo ngại, do tỷ lệ trung bình mắc sởi tại Hy Lạp thường chỉ vào khoảng 1 ca bệnh/năm trong vòng một vài năm qua.

KEELPNO cũng cho biết thêm từ năm 2016 đến nay, trên toàn châu Âu ghi nhận hơn 14.000 ca mắc sởi, trong đó có 43 trường hợp tử vong do nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm giác mạc, tiêu chảy...

2. Phân và nước tiểu là nơi “trú ngụ” lâu bền nhất của SARS

Theo WHO,đột biến lần này của Coronavirus có khả năng chống chịu với môi trường bên ngoài mãnh liệt hơn những biến thể trước đó. Virus SARS có thể tồn tại từ một đến hai ngày trong loại phân bình thường hoặc nước tiểu của người bệnh. Nhưng thời gian sống sót sẽ tăng gấp đôi nếu kẻ sát nhân này trú ngụ trong loại phân tiêu chảy của người bệnh. Do môi trường như phân và nước tiểu có độ pH cao hơn, là nơi “lý tưởng” để virus SARS phát triển và tồn tại lâu hơn trong môi trường bình thường. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân SARS trên thế giới bị mắc chứng tiêu chảy.

WHO đã công bố thêm một kết quả nghiên cứu đáng chú ý khác của các nhà khoa học người Nhật Bản. Đó là virus SARS có thể kéo dài tuổi thọ bên ngoài cơ thể người bệnh được bốn ngày, trên các bề mặt bằng nhựa dưới 40 độ C. Không những thế, loại virus gây chết người này không hề bị ảnh hưởng ở nhiệt độ âm 112 độ C. Điều này giải thích vì sao dịch SARS bắt đầu xuất hiện và lây lan mạnh tại Quảng Đông, Trung Quốc vào mùa đông năm ngoái và tiếp tục phát triển sang mùa xuân. Rồi lây lan nhanh sang nhiều quốc gia khác với tốc độ đáng kinh ngạc như vậy.

Phát hiện quan trọng thứ ba của WHO về loại virus SARS, họ đã khẳng định rằng những chất khử trùng thông thường như Formaldehyde, Ethanol và Acetone có thể tiêu diệt virus SARS trong vòng năm phút. Do đó, bạn cần khử trùng tất cả các nơi bằng thuốc khử trùng, đặc biệt là khử trùng ở các khu nhà vệ sinh, những nơi có nồng độ pH cao khác nữa. Vì đó là những “địa điểm lý tưởng” và virus SARS có thể đang “trú ngụ” với số lượng nhiều.

Ban Biên tập website Viện