Điểm tin y tế tuần 40

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

1. Việt Nam là nước đứng thứ hai trong khu vực về sử dụng rượu bia

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế: Ngày 29/9/2016, ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 4% các trường hợp tử vong trên toàn cầu là có liên quan đến rượu bia; gánh nặng sức khỏe liên quan đến sử dụng rượu bia là 4,6%. Đối với Việt Nam, rượu bia luôn là một trong 10 nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tử vong.

2. Thái Lan ghi nhận 2 trường hợp mắc chứng đầu nhỏ đầu tiên có liên quan đến vi rút Zika

Theo Cục YTDP: Bộ Y tế công cộng Thái Lan, ngày 30/9/2016 đã ghi nhận hai trường hợp trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến vi rút Zika. Đây là những trẻ được sinh ra từ những bà mẹ đã được xác định là nhiễm vi rút Zika trong thời gian mang thai. WHO xác định đây là những trường hợp đầu tiên mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến vi rút Zika tại khu vực Đông Nam Á. Trước đó, WHO cũng đã khẳng định có mối liên quan giữa vi rút Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và Hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh. Tuy nhiên, không phải tất cả các bà mẹ mang thai bị nhiễm vi rút Zika đều sinh ra trẻ bị mắc chứng đầu nhỏ. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ mắc chứng đầu nhỏ ở những bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika trên toàn cầu là dưới 1%.

3. Hội thảo Nhóm công tác thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và Chương trình An ninh y tế toàn cầu

Theo Cục YTDP: Ngày 26/9/2016, tại Hà Nội, đã khai mạc Hội thảo Nhóm công tác thực hiện Điều lệ y tế quốc tế và Chương trình an ninh y tế toàn cầu tại Việt Nam nhằm thống nhất việc thành lập các nhóm công tác và xây dựng quy chế hoạt động của nhóm.

Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) là một khung pháp lý phạm vi quốc tế nhằm đảm bảo an ninh về y tế, dựa trên cam kết tham gia giữa các quốc gia thành viên của WHO trong quá trình đảm bảo an ninh y tế toàn cầu, với các mục tiêu: Ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên phạm vi quốc tế; Quy định các biện pháp ứng phó về vấn đề y tế công cộng đe dọa sức khỏe cộng đồng; Tránh những trở ngại không cần thiết với lưu thông quốc tế.

4. Xuất hiện ổ dịch dại, 40 người bị chó cắn

Theo báo Pháp Luật Online: Tính đến chiều 29/9/2016, trên địa bàn xã Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đã có khoảng 40 người bị chó cắn. Trong đó, chị Hoàng Thị Hảo (39 tuổi, ở xóm 2, xã Hưng Trung) đã tử vong sau khi phát bệnh dại.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên, hiện đã có khoảng 40 người chủ yếu ở xã Hưng Trung bị chó cắn nhưng xã và Trạm Y tế xã chậm báo cáo sự việc lên cấp trên.

5. Gia tăng số ca mắc cúm A/H1N1 tại Kiên Giang

Theo VTV.vn: Hiện tình hình dịch cúm A/H1N1 tại Kiên Giang đang diễn biến phức tạp khi số ca mắc tiếp tục tăng.

Đến chiều 27/9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang đã ghi nhận thêm 10 công nhân của Nhà máy may Vinatex Kiên Giang nhiễm cúm A/H1N1, nâng số ca mắc là 159 ca, trong đó có 2 trường hợp mang thai. Ngày 28/9, Viện Pasteur TP.HCM đã cử cán bộ phối hợp với ngành Y tế địa phương tiếp tục tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm và thực hiện nhiều biện pháp phòng chống cúm.

6. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Thu – Đông

Theo VTV.vn: Ngày 27/9/2016, nhằm tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mùa Thu – Đông.

Cục Y tế Dự phòng cho biết: Từ đầu năm 2016 đến nay, sốt xuất huyết tại Việt Nam ghi nhận 72.372 trường hợp mắc tại 52 tỉnh thành phố, 21 ca tử vong; bệnh tay chân miệng 27.224 trường hợp mắc bệnh tại 62 tỉnh, thành phố, không ghi nhận trường hợp tử vong; ghi nhận 3.360 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét, ghi nhận 3 ca tử vong; 3 ca nhiễm Zika.

7. Bé hai tuổi bị giun đục thủng ruột thừa

Theo báo Tuổi trẻ online: Ngày 30/9/2016: Em bé hai tuổi suy dinh dưỡng, chỉ nặng 7kg ở Sơn La đến Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) khám mắt, nhưng sau khi khám mắt, bé bị đau bụng và được phẫu thuật cấp cứu tối 29/9/2016.

Theo bác sỹ Nguyễn Đình Hưng, giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, khi mở ổ bụng các bác sỹ thấy ruột thừa của bé đã bị giun đũa đục thủng, làm tràn dịch ra ổ bụng gây tình trạng nhiễm độc. Các bác sỹ đã cắt bỏ ruột thừa, làm vệ sinh ổ bụng và điều trị cho bé.

8. Tóm tắt công tác y tế dự phòng tháng 09/20106

Tình hình dịch bệnh trong tháng: Tả và Cúm A (H5N1): không ghi nhận trường hợp mắc; Thương hàn: 47 trường hợp mắc, không tử vong; Sốt xuất huyết: 11.917 trường hợp mắc, 21 trường hợp tử vong; Viêm não vi rút: 116 trường hợp mắc, 06 trường hợp tử vong; Viêm màng não do não mô cầu: 08 trường hợp mắc, không tử vong; Tay chân miệng: 1.533 trường hợp mắc, không tử vong.

Hoạt động Y tế dự phòng: Phối hợp với UBND các tỉnh, thành chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika, SXH. Chỉ đạo tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh về từ các vùng có dịch tại các cửa khẩu quốc tế; chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm tại cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút Zika.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Châu Mỹ tuyên bố loại trừ bệnh sởi

Theo PAHO/WHO: Ngày 27/9/2016, châu Mỹ tuyên bố loại trừ bệnh sởi, đây là một bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra, bao gồm viêm phổi, não sưng và thậm chí dẫn đến tử vong. Thành tựu này là nỗ lực kéo dài 22 năm liền nhờ việc tiêm chủng hàng loạt chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella khắp châu Mỹ.

Sởi là bệnh có thể ngăn ngừa bằng vắc xin thứ năm được loại trừ ở châu Mỹ, sau các bệnh đậu mùa năm 1971, bệnh bại liệt năm 1994, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh năm 2015.

2. Các bệnh nhiệt đới ít được quan tâm: chưa từng thấy, có đến 979 triệu người đã được điều trị chỉ trong năm 2015

Theo WHO: Ngày 30/9/2016, số liệu ghi nhận trong năm 2015 cho thấy một kỷ lục, có đến 979 triệu người được điều trị ít nhất một bệnh nhiệt đới ít được quan tâm (như bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh giun chỉ onchocerca, sán máng, giun sán truyền qua đất và bệnh đau mắt hột do vi khuẩn...) bằng liệu pháp hóa học bao gồm điều trị thuốc hàng loạt hoặc điều trị quy mô lớn.

Thuốc đảm bảo chất lượng, an toàn, phần lớn được quyên góp thông qua WHO từ các công ty dược phẩm. Trong năm 2015, tổng cộng 1,5 tỷ viên đã được đưa đến các nước có nhu cầu thông qua WHO. Đổi lại, các nước này phải báo cáo về tiến độ hàng năm về quá trình sử dụng, kiểm soát thuốc và loại trừ các bệnh này.

3. Sản xuất vắc xin khô không cần bảo quản lạnh

Theo sciencedaily.com: Ngày 23/9/2016, Các nhà khoa học thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và các Viện khác đã tạo ra vắc xin dạng viên. Mỗi viên thuốc bao gồm các phân tử cần thiết để chuyển hóa DNA thành protein. Protein này được tạo ra dưới dạng các hợp chất cơ bản để sản xuất các loại thuốc hoặc văcxin theo yêu cầu.

James Collins, giáo sư công nghệ sinh học thuộc MIT, cho biết: “Các thành phần được chiết xuất từ tế bào bao gồm hàng chục loại enzyme, DNA, DRA, ribôxôm và một số phân tử khác để phiên mã và dịch”. “Đó là một hệ thống được tạo ra dưới dạng môđun và giúp bạn tạo ra bất kỳ loại văcxin nào ngay tại chỗ. Bạn có thể có hàng trăm các loại viên đông khô DNA khác nhau để hòa với nước và sẵn sàng tiêm cho bệnh nhân”.

Dạng vắc xin bột hoặc dạng viên đông khô có đường kính khoảng vài milimet có ưu điểm là dễ bảo quản và có thời gian lưu trữ lên tới một năm. Để kích hoạt sản xuất protein, người dùng chỉ cần thêm nước là có thể sử dụng được như một dạng văcxin lỏng.

4. CDC Hoa Kỳcảnh báo về vi rút zika cho khách du lịch nước này khi đến 11 quốc gia Đông Nam Á.

Theo CDC Hoa Kỳ: Ngày 29/9/2016, khuyến cáo bạn nên xem xét hoãn việc không cần thiết khi đi đến các nước sau đây vì nguy cơ bị nhiễm vi rút zi ka do muỗi truyền: Brunei, Miến Điện (Myanmar), Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Thái Lan, Đông Timor, Việt Nam.

Ban Biên tập website Viện