Điểm tin y tế tuần 41 - 2018

THÔNG TIN TRONG NƯỚC

1. Bộ Y tế chỉ đạo khẩn cấp chống dịch tay chân miệng

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 10/2018, cả nước ghi nhận có 53.000 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện. Đáng lưu ý đã có 06 ca tử vong tại 5 tỉnh, thành phố phía Nam. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các tỉnh thành tăng cường chống dịch khẩn.

Bộ Y tế cũng nhận định rằng dịch gia tăng trong thời gian qua do học sinh đang trong mùa tựu trường nên tăng tính chất lây truyền, đồng thời đây cũng là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, đề hạn chế thấp nhất số trẻ mắc và tử vong, không để dịch kéo dài, tất cả các địa phương cần quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch. Đặc biệt chú ý ở các địa phương có ca mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch. Song song đó tuyên truyền cho người dân thực hiện 3 sạch : ăn uống sạch, ở sạch và đồ chơi sạch.

2. Việt Nam nghiên cứu thành công vacxin cúm mùa

Ngày 25.9.2018, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), PATH - một tổ chức hỗ trợ kỹ thuật y tế toàn cầu và Cơ quan Nghiên cứu phát triển tiên tiến về y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi của Mỹ đã tổ chức công bố kết quả Dự án nâng cao năng lực phát triển vắc xin cúm tại Việt Nam. Theo đó, IVAC đã nghiên cứu thành công vắc xin cúm mùa (với 3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) và vắc xin cúm đại dịch A/H5N1.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (thuộc Bộ KH-CN) cho biết, đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, sản xuất lâu dài của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) dưới sự hỗ trợ của ngân sách KH&CN và sự tài trợ của quốc tế như WHO, PATH, BARDA..

Từ năm 2003, khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước tập trung trí tuệ và nguồn lực để nghiên cứu phát triển vắc xin cúm A/H5N1 phòng bệnh cho người.

3. Kiến ba khoang hoành hành trong thời tiết giao mùa

Thời gian gần đây, người dân ở các khu chung cư, đặc biệt là khu vực ngoại thành phản ánh cuộc sống bị đảo lộn do kiến ba khoang xuất hiện dày đặc.

Các chuyên gia y tế cho biết, hiện đang là mùa cao điểm kiến ba khoang hoành hành, với những yếu tố thuận lợi như thời tiết, thức ăn để kiến ba khoang phát triển. Đặc biệt là đối với các khu dân cư sống cạnh cánh đồng, ao hồ, nơi có nhiều thực vật là nguồn thức ăn cho kiến.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào mùa mưa, độ ẩm cao, thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. Do đó, khi phát hiện có kiến ba khoang ở khu vực làm việc, sinh sống, người dân nên liên hệ với đơn vị y tế chuyên trách (Các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, các Trung tâm Y tế dự phòng địa phương) để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Nobel Y học 2018 được trao cho liệu pháp điều trị ung thư

Ngày 1/10/2018, Ủy ban Giải thưởng Nobel thuộc Viện Karolinska của Thụy Điển công bố người thắng giải Nobel Y học (tên chính thức là Nobel Y Sinh) năm 2018. Theo đó, hai nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo được trao giải nhờ công bố phát hiện đột phá trong điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch.

Trong công bố trên, GS-TS James Allison đã khám phá ra một loại protein có chức năng như một “hệ thống phanh” trên hệ miễn dịch và ông nhận ra việc tháo bỏ “chiếc phanh” này bằng loại thuốc tác động lên khối tương tác của tế bào T và tế bào trình diện kháng nguyên, giúp chúng có thể đánh bại các tế bào ung thư. Trong khi đó, với một nghiên cứu khác, GS Tasuku Honjo cùng các cộng sự tại ĐH Kyoto (Nhật Bản) đã khám phá ra một protein khác với chức năng ức chế tương tự, nhưng với cơ chế hoạt động khác biệt. Ông cũng tạo ra một phương thuốc khác nhằm "tắt" chiếc phanh này.

Hai liệu pháp này đều dựa trên tính năng tự nhiên của hệ miễn dịch: luôn tìm ra và tiêu diệt những kẻ xâm nhập có hại, bao gồm các tế bào đột biến, do đó liệu pháp này đã tìm ra cách lợi dụng hệ thống miễn dịch, giải phóng cơ chế ức chế tế bào miễn dịch để chống lại tế bào ung thư. Các phát kiến của họ đã mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị bệnh này.

Ban Biên tập website Viện