ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 42

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Các văn bản mới ban hành về kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành y tế

- Ngày 04/10/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4602/QĐ-BYT về hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế và phân công kiểm tra chéo của các bệnh viên Y học cổ truyền năm 2019. Ban hành kèm theo Quyết định này nội dung hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện, khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế (phụ lục 1) và phân công kiểm tra chéo năm 2019 của các Bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện y dược cổ truyền, Bệnh viện y học cổ truyền và phục hồi chức năng, Viện y học dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (phụ lục 2).

- Ngày 27/9/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4441/QĐ-BYT về việc giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế, bao gồm: Các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: điều dưỡng hạng II, điều dưỡng hạng III, điều dưỡng hạng IV; Các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: hộ sinh hạng II, hộ sinh hạng III, hộ sinh hạng IV; Các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: kỹ thuật y hạng II, kỹ thuật y hạng III, kỹ thuật y hạng IV.

Giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức thực hiện các chương trình nêu trên.

- Ngày 31/7/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BYT về việc quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành y tế, bao gồm việc xây dựng chế độ báo cáo thống kê tổng hợp ngành y tế phục vụ thu thập các chỉ tiêu thống kê trong danh mục chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành y tế thống nhất trong phạm vi toàn quốc; thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công trong Danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành y tế. Thông tư có hiệu lực ngày 01/1/2020.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Cảnh báo vào mùa kiến ba khoang tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Thời gian gần đây, một số khu dân cư ở Hà Nội và TP.HCM bị kiến ba khoang tấn công. Nhiều người không biết điều trị khiến tình trạng nặng, phải nhập viện cấp cứu. Thường khi trời tối, các gia đình bật đèn sáng kiến bay vào bám trên các bức tường, giường, màn và bò cả lên người. Do cơ thể loài kiến này có chất độc và vi khuẩn cộng sinh nên khi tiếp xúc với da có thể làm da nổi bọng nước, ngứa rát, khi gãi vết thương sẽ vỡ ra, gây lở loét, dẫn tới viêm da. Đặc biệt, Pederin sẽ lan nhanh khi người bệnh đập kiến trên da, khiến vùng bị thương lan nhanh và rộng. Viêm da có thể dạng giống như tổn thương của bệnh Zona nên nhiều khi được chẩn đoán nhầm. Vết phồng thường xuất hiện độ một ngày sau khi bị dính độc tố. Nếu được trị thì sau một tuần sẽ hết. Nếu điều trị muộn, tổn thương da có thể để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết. Nếu độc tố của chúng dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và sưng nề phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.

Vì vậy, nếu đã tiếp xúc (hoặc nghi ngờ tiếp xúc) với kiến ba khoang, cần thực hiện một số bước sau:

- Không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót.

- Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.

- Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng... chú ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết.

- Khi phát hiện có kiến ba khoang ở khu vực làm việc, sinh sống, nên liên hệ với đơn vị y tế chuyên trách (Các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, các Trung tâm Y tế dự phòng địa phương) để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Bệnh viêm não ngựa làm chết 11 người ở Mỹ năm 2019

Theo đài CNN, bệnh viêm não ngựa miền Đông (Eastern Equine Encephalitis) phổ biến ở các nước vùng bờ biển Đại Tây dương và vùng Vịnh. Đây là bệnh nặng do muỗi truyền, với 33% bệnh nhân bị tổn thương nặng ở não, thậm chí tử vong. EEE có triệu chứng đau đầu, sốt cao, ớn lạnh và nôn. Các dấu hiệu bệnh tiến triển nặng gồm rối loạn định hướng, co giật và hôn mê. Bệnh có thể khiến một người khỏe mạnh chết não chỉ sau 9 ngày.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC), mỗi năm nước này có 10 trường hợp nhiễm mới với vi rút EEE. Tuy nhiên, năm 2019 có số người nhiễm bệnh tăng cao, chỉ riêng bang Massachusetts đã có hơn 10 ca. Số người thiệt mạng đang dần tăng, hiện Michigan đã có 4 người thiệt mạng; ở Massachusetts là 3 người; Connecticut có 3 người và Rhode Island có 1 người.

Ban Biên tập website Viện