Điểm tin y tế tuần 42

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe

Ngày 05/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định sô 111/2017/NĐ-CP quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe

Nghị định này quy định về chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành; yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe.

Nghị định này áp dụng với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo khối ngành sức khỏe (sau đây viết tắt là cơ sở giáo dục) và cơ sở thực hành của cơ sở giáo dục trong đào tạo khối ngành sức khỏe; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 11 năm 2017.

2. Quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm

Ngày 25/92017, Bộ Y tế ban hành Thông tinh số 37/2017/TT-BYT về việc quy định thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm

Thông tư này quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm làm việc với vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người và các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người (sau đây gọi tắt là phòng xét nghiệm).

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 12 năm 2017.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Bộ Y tế Việt Nam tham dự Kỳ họp 68 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương

Theo Cổng thông tin Bộ Y tế, ngày 12/10/2017, Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, đoàn đại biểu của Bộ Y tế do GS. TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng làm Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 68 của Tổ chức Y tế Thế giới (RCM68), khu vực Tây Thái Bình Dương từ ngày 09/10 – 13/10/2017 tại Brisbane, Australia.

Tại phiên toàn thể, Kỳ họp tập trung vào các nội dung như: đánh giá việc thực hiện Chương trình ngân sách 2016 – 2017 và kế hoạch thực hiện chương trình ngân sách 2018- 2019; thảo luận và thông qua các nghị quyết và kế hoạch hành động khu vực về: Loại trừ bệnh Sởi và Rubella, Bảo vệ trẻ em khỏi những tác động có hại của việc quảng cáo thực phẩm; tăng cường sức khỏe trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững; loại trừ 3 bệnh HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con; xây dựng cơ chế tài chính lồng ghép cho các mục tiêu chăm sóc sức khỏe ưu tiên; tăng cường quản lý dược phẩm, tăng cường quản lý nguồn nhân lực y tế; khung hành động khu vực về an toàn thực phẩm.

Kỳ họp cũng thông qua các Báo cáo tiến độ của các chương trình kỹ thuật về An ninh Y tế và Chiến lược châu Á Thái Bình Dương đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi và Y tế công cộng khẩn cấp; Các bệnh không lây nhiễm; sáng kiến không thuốc lá; sức khỏe tâm thần; phòng chống Lao; phòng chống bệnh viêm gan; y học Cổ truyền; vấn đề Giới và Sức khỏe

2. Suýt chết vì bệnh sodoku do chuột cắn

PNVN 14/10/2017, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết, BV đang điều trị cho bệnh nhân N.M (40 tuổi, ở Hưng Yên) mắc bệnh sodoku do chuột cắn. Bệnh nhân cho biết, bị chuột cắn vào ngón chân. Sau một tuần, chỗ ngón chân bị chuột cắn sưng đỏ, sốt, người khi nóng bừng bừng khi lạnh run. Nghĩ do sốt virus, bệnh nhân tự mua thuốc về uống nhưng hai ngày vẫn không thấy đỡ nên đến BV địa phương. Tuy nhiên, các bác sĩ không xác định được nguyên nhân gây bệnh nên chuyển lên tuyến trên. Tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, bệnh nhân được xác định mắc bệnh sodoku do chuột cắn.
Sodoku là bệnh do một loại xoắn khuẩn có tên là Spirillum minus gây ra. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 5 ngày đến 4 tuần. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, ớn lạnh, sốt thành từng cơn, sốt không có tính chu kỳ, xen kẽ là thời kỳ không sốt. Ở chỗ bị cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng bên trong có thể bị hoại tử và có phản ứng của hạch khu vực. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau cơ, đau khớp và thường diễn biến dẫn tới viêm khớp.

Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu của hệ thống thần kinh: Đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê. Nếu bệnh nhân không được điều trị, bệnh kéo dài thường 1 đến 2 tháng và gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 6 đến 10%.

Để phòng bệnh, người dân nên tránh bị chuột cắn. Khi bắt chuột thì không dùng tay không mà phải đeo găng dày. Ngoài ra, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để đồ đạc ẩm thấp, bừa bãi làm nơi chuột trú ngụ, sinh sản. Khi ngủ, nên chèn màn chặt kín 4 góc giường ngăn ngừa không cho chuột chui vào cắn. Nếu không may bị chuột cắn thì nên rửa sạch bằng nước muối, thuốc sát trùng, nước xà phòng, sau đó đến cơ sở y tế để kiểm tra.

3. Việt Nam sẽ có gần 200.000 người mắc bệnh ung thư vào năm 2020

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Ngày thứ 7 tuần thứ 2 của tháng 10 hàng năm được chọn là Ngày Chăm sóc giảm nhẹ. Nhân dịp Ngày Chăm sóc giảm nhẹ thế giới năm 2017 (ngày 14-10-2017), Giám đốc Bệnh viện K cho biết, ung thư là một trong những gánh nặng y tế toàn cầu với khoảng 23 triệu người đang chung sống với căn bệnh này. Tại VN số người mắc ung thư tăng nhanh từ 60.000 ca (năm 2000) lên 126.000 người năm 2010 và dự kiến vượt qua 189.000 ca vào năm 2020. Với số ca mắc ung thư như trên, mỗi năm có hơn 94.000 người chết do ung thư tương ứng vơi 257 người chết mỗi ngày.

4. Bộ Y tế ra 6 khuyến cáo phòng dịch bệnh tay chân miệng

Trước dấu hiệu gia tăng của tay chân miệng, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị quan tâm triển khai chống dịch.

Cả nước hiện có hơn 65.000 ca mắc, gần 30.000 ca tay chân miệng phải nhập viện, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2016. Những con số này cảnh báo về sự bùng phát dịch nếu không quan tâm đến công tác phòng chống dịch trong bối cảnh chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc trị bệnh đặc hiệu.

Trước tình hình dịch tay chân miệng đang gia tăng ở các địa phương những ngày qua, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm triển khai chống dịch. Ngày 10/10, Cục Y tế Dự phòng tiếp tục đưa ra khuyến cáo về phòng chống dịch tay chân miệng, đặc biệt là cho trẻ nhỏ. Theo đó tiết giao mùa hiện nay là thời điểm căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em gia tăng, có thể bùng phát dịch vì cả nước bắt đầu bước vào mùa tựu trường.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,