Điểm tin y tế tuần 42

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Triển khai công tác y tế phòng chống mưa lũ

Ngày 12/10/2016, Bộ Y tế ban hành Công điện số 991/CĐ-BYT về việc Triển khai công tác y tế phòng, chống mưa lũ. Bộ Y tế yêu cầu Sở y tế các tỉnh/thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và các tỉnh/thành phố: Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Trung, miền Nam triển khai các biện pháp phòng, chống, đối phó với các tình huống mưa lũ.

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

1. Tập huấn, diễn tập đáp ứng y tế trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển năm 2016

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, ngày 07/10/2016, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Tập huấn đáp ứng y tế trong phòng, chống thiên tai năm 2016 và thực hiện Đề án 317 của Chính phủ về phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến 2020.

2. Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương lần 67 của Tổ chức Y tế thế giới

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, ngày 10/10/2016 Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) đã khai mạc tại Thủ đô Manila, Philippines, với sự tham dự của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực Thái Bình Dương (từ Trung Quốc ở phía Bắc, New Zeland ở phía Nam đến các đảo Tây Thái Bình Dương ở phía Đông) để thảo luận về các vấn đề y tế quan trọng ảnh hưởng đến 1,9 tỉ dân trong khu vực.

3. Thông tin về các trường hợp nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam

Đến nay, cả nước đã ghi nhận 07 trường hợp nhiễm vi rút Zika, tại TP. Hồ Chí Minh (04), Bình Dương (01), Khánh Hòa (01) và Phú Yên (01). Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trong thời gian tới hệ thống giám sát dịch có thể sẽ tiếp tục phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Zika tại cộng đồng.

Theo Cục YTDP, ngày 15/10/2016, trong tuần đã phát hiện thêm 02 trường hợp mới nhiễm vi rút Zika tại TP. Hồ Chí Minh: Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ 22 tuổi sống tại Quận 2, TP. Chí Minh. Hiện bệnh nhân đã ổn định và theo dõi tại nhà. Trường hợp thứ hai là phụ nữ 43 tuổi sống tại Quận 12, TP. Hồ Chí Minh, Hiện bệnh nhân đã ổn định và theo dõi tại nhà.

4. Khuyến cáo phòng chống bệnh tay chân miệng

Theo Cục YTDP, ngày 12/10/2016, bệnh Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra, bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, cộng đồng thực hiện các biện pháp sau:

  1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.
  3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  6. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

5. Ngành Y tế có 07 người được công nhận chức danh Giáo sư và 114 người được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2016

Theo Trung tâm TT-GDSK TƯ (Bộ Y tế), ngày 10/10/2016, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã ký Quyết định số 55/QĐ-HĐCDGSNN về việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016. Theo Quyết định này, trong đợt xét công nhận năm 2016, cả nước có 65 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, và 638 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư.

Theo danh sách, về cơ cầu ngành nghề, ngành Y tế có số lượng nhà giáo được công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư nhiều nhất; trong đó có 7 người được công nhận là chức danh Giáo sư gồm 01 nữ, 06 nam và 114 người được công nhận chức danh Phó Giáo sư, trong đó nam là 84 người, nữ là 30 người. Người trẻ nhất trong danh sách Phó Giáo sư ngành Y tế là nhà giáo Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, Trường ĐH Y Hà Nội.

6. Phát hiện muỗi nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam

Theo báo Dân trí, ngày 15/10/2016, tại Việt Nam, khi bắt đầu ghi nhận ca nhiễm Zika trên người từ tháng 4/2016, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tiến hành xét nghiệm các cá thể muỗi vằn tự nhiên này để xác định khả năng muỗi có nhiễm vi rút Zika, Dengue hoặc Chikungunya.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika (0,24%), 29 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với vi rút Dengue (0,12%) và không có cá thể nào dương tính với vi rút Chikungunya.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Dịch bệnh đậu mùa (Monkeypox) ở Cộng hòa Trung Phi

Theo WHO, ngày 06/9/2016, các nhân viên Bộ Y tế của Cộng hòa Trung Phi đã cảnh báo các ca bệnh nghi ngờ bị bệnh đậu mùa (monkeypox) ở trung tâm y tế Ira Banda. Trong đó có một bệnh nhân là thợ săn ngã bệnh vào ngày 17/8/2016 và chết trong làng có biểu hiện lâm sàng giống bệnh đậu màu tuy nhiên bệnh phẩm không được thu thập để xét nghiệm. Từ ngày 04/9 – 07/10/2016, có 26 trường hợp đã được xác định bệnh đậu mùa và trong số này có ba trường hợp là bệnh đậu mùa monkeypox. Điều tra dịch tễ học đang được tiến hành để đánh giá tầm quan trọng của ổ dịch.

2. Dịch Sốt Tây sông Nile ở châu Âu

Theo CDC châu Âu, tính đến ngày 06/10/2016, tổng cộng có 188 trường hợp mắc bệnh sốt Tây sông Nile (WNF) ở người đã được báo cáo trong các nước thành viên liên minh châu Âu và 230 trường hợp ở các nước láng giềng.

Trong tuần này có 18 trường hợp mắc mới, trong đó 17 trường hợp xảy ở các nước thành viên liên minh châu Âu và một trường hợp ở nước láng giềng.

Ban Biên tập website Viện

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,