Điểm tin y tế tuần 43

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG NƯỚC

1. 8 vấn đề Bộ Y tế cần quan tâm giải quyết

Theo cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, ngày 18/10/2016, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu, đã kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế. Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác truyền đạt tới Bộ trưởng Bộ Y tế 8 vấn đề cần quan tâm giải quyết:

  1. Thứ nhất, an toàn vệ sinh thực phẩm.
  2. Thứ hai, gần đây, tình trạng bệnh viện và người bệnh câu kết để trục lợi từ chính sách bảo hiểm y tế.
  3. Thứ ba, giảm tải bệnh viện, đặc biệt 38 bệnh viện Trung ương đã cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép.
  4. Thứ tư, cùng với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế có tiến độ giải ngân vốn ODA, vốn ngân sách chậm, nhất là trong việc xây dựng 5 bệnh viện lớn đã có khoản kinh phí 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ cần hết sức quan tâm vấn đề đào tạo nhân lực và chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho các bệnh viện này.
  5. Thứ năm, chất lượng hệ thống y tế tuyến xã, phường vẫn có nhiều bất cập.
  6. Thứ sáu là vấn đề đấu thầu thuốc. Tiền thuốc chiếm khoảng 50% chi phí khám chữa bệnh. Hiện vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc, chỉ định thuốc tràn lan, vẫn còn bất cập trong đấu thầu thuốc ở một số địa phương.
  7. Thứ bảy, những vụ việc người nhà bệnh nhân, bệnh nhân có thái độ không tốt, thậm chí đe dọa.
  8. Thứ tám, vấn đề liên quan tới công tác cán bộ ngành y, như thông tin liên quan tới Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Bộ Y tế hết sức quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đặc biệt cần giữ đoàn kết. Với các vụ việc báo chí nêu, cần kiểm tra, làm rõ, công khai sớm với dư luận, nếu cán bộ có khuyết điểm thì kỷ luật, nếu không có thì cũng không để cán bộ bị "oan".

2. Bộ Y tế cùng Bộ Công an chung tay chống vi phạm trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm và an toàn thực phẩm

Theo cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, sáng ngày 14/10/2016, tại Bộ Y tế đã diễn ra buổi Lễ ký kết Quy chế phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm liên quan đến môi trường thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế với Cục Cảnh sát môi trường – Tổng Cục cảnh sát – Bộ Công an. GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã tham dự và chủ trì buổi lễ.

3. Kiến ba khoang tấn công khiến nhiều người Hà Nội viêm da

Theo báo điện tử của Bộ Xây dựng, 03 tuần qua số bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Hà Nội khám vì viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang tăng nhanh, nhiều người bệnh nặng bởi chữa nhầm với zona.

4. Muỗi cỏ xuất hiện dày đặc TP Bạc Liêu

Theo báo tuổi trẻ, ngày 15/10/2016, trên địa bàn TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) xuất hiện nhiều muỗi cỏ bất thường. Ban ngày người dân phải đốt nhang trừ muỗi, chiều tối phải đóng chặt cửa để tránh muỗi. Trong hai tuần nay trên địa bàn TP Bạc Liêu xuất hiện tình trạng muỗi cỏ dày đặc. Nguyên nhân được cho là do nông dân thu hoạch lúa, nên muỗi cỏ không còn nơi trú ngụ, lại thích ánh sáng đèn nên muỗi xuất hiện nhiều.

5. Lũ lụt, cảnh giác với bệnh sốt do chuột cắn

Theo báo Sức khảo và đời sông, ngày 20/10/2016, trong và sau lũ lụt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng và đảo lộn bất thường. Bên cạnh những bệnh do nhiễm khuẩn như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, lỵ, đau mắt, nhiễm khuẩn da..., người dân còn có thể bị nhiễm một số bệnh do côn trùng hoặc động vật gây ra trong đó có bệnh do chuột cắn.

6. Việt Nam phát hiện 9 ca nhiễm virus Zika

Theo báo Pháp luật, chiều 20/10/2016, Cục Y tế Dự phòng xác nhận thông tin về trường hợp một bệnh nhi 4 tuổi ở Long An nhiễm virus Zika. Việt Nam đã ghi nhận có 9 bệnh nhân Zika, tập trung chủ yếu ở TP HCM (5), Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An mỗi địa phương một bệnh nhân.

7. TP.HCM công bố dịch do vi rút Zika quy mô phường, xã lần 3

Theo báo Thanh niên, ngày 18/10/2016, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho biết vừa ký công bố dịch bệnh do vi rút Zika trên quy mô phường, xã sau khi có thêm 2 ca mắc Zika tại quận 2 và quận 12.

8. Bộ Y tế nâng mức cảnh báo phòng chống Zika

Theo báo Sức khỏe đời sống, ngày 21/10/2016, Các bệnh hô hấp cấp tính, sốt xuất huyết và Zika là những bệnh đang được giám sát chặt chẽ tại Việt Nam, đặc biệt sự xuất hiện một ca biến chứng đầu nhỏ do Zika ở Việt Nam khiến cho Zika càng được quan tâm đặc biệt.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế: Có hai nguyên nhân khiến Bộ Y tế phải nâng mức cảnh báo. Thứ nhất, các trường hợp phát hiện Zika gần đây có tốc độ gia tăng nhanh chóng. Ngay trong tháng 10 này, chúng ta đã phát hiện 5 trường hợp. Số các trường hợp zika phát hiện sớm hơn trong tháng 10 này với mức độ gia tăng có khác thường. Và nguyên nhân thứ 2, có một trường hợp bệnh đầu nhỏ mới xuất hiện ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng do virus Zika gây ra. Chính vì lý do đó, Bộ Y tế quyết định nâng mức cảnh báo hiện tại để chúng ta có thể triển khai các biện pháp cần thiết phòng chống Zika.

9. Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam mở văn phòng đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh

Theo báo điện tử Đại biểu nhân dân, sáng ngày 20/10/2016, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức Lễ khởi động văn phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC).

Văn phòng đáp ứng khẩn cấp là kết quả hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói riêng và cho ngành y tế Việt Nam nói chung, nhằm nâng cao năng lực phát hiện và đáp ứng với các nguy cơ sức khỏe toàn cầu. Hỗ trợ này nằm trong khuôn khổ chương trình an ninh y tế toàn cầu do CDC Hoa Kỳ triển khai từ 6.2014 và đến nay đã triển khai được 50 nước. Chương trình này gồm 11 gói hành động hướng tới 3 mục tiêu: ngăn ngừa, phát hiện và đáp ứng.

10. Tìm ra chất phòng ngừa ung thư

Theo trang web http://detoxgreen.vn, ngày 01/9/2016, khi phát hiện hoạt chất trong bông cải xanh có thể phòng chống ung thư, cũng là lúc các nhà khoa học thuộc đại học Y Johns Hopkin phải tìm cho ra liều lượng phòng ngừa tối ưu nhất.

Sau nhiều thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy SFN trong bông cải xanh rất không bền với nhiệt, dễ bị phân hủy trong quá trình bảo quản và vận chuyển. Có nghĩa khi được nấu chín, khả năng hấp thụ chỉ còn 5-10%, tức là cần ăn 3,4 kg bông cải xanh (khoảng 30mg SFN) mỗi ngày. Cuối cùng, các nhà khoa học thuộc đại học Y Johns Hopkin (Hoa Kì) đã nghiên cứu và tìm ra cách chiết xuất SFN bằng công nghệ ép lạnh siêu tới hạn, giúp giữ nguyên được hoạt tính và hàm lượng cao nhất. Hiện đã được cấp bằng sáng chế mang số hiệu US 2008/0131578 A1 tại Hoa Kì, có tên thương mại là BroccoRaphanin.

THÔNG TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Chiến dịch tầm soát 320 triệu người để phát hiện bệnh phong ở Ấn Độ

Theo WHO: Ngày 18/10/2016, 320 triệu người Ấn Độ (một kỷ lục) đã được xét nghiệm sàng lọc trong chiến dịch phát hiện bệnh phong ở từng nhà một, hiện đã phát hiện hàng ngàn ca bệnh "ẩn". Chiến dịch được thực hiện theo chương trình quốc gia xóa bỏ bệnh phong, tại 149 huyện trên khắp 19 tiểu bang và huy động gần 300.000 nhân viên y tế.

2. Campuchia, Quần đảo Cook, Niue và Vanuatu được WHO công nhận đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết

Theo WHO: Ngày 10/10/2016, sau hơn một thập kỷ nỗ lực, Campuchia, Quần đảo Cook, Niue và Vanuatu đã loại bỏ bệnh giun chỉ bạch huyết, còn được gọi là bệnh phù chân voi. Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO và Tiến sĩ Shin Young-Soo, Giám đốc WHO khu vực khu vực Tây Thái Bình Dương, chúc mừng Bộ trưởng Y tế của bốn quốc gia này.

3. Mùa cúm bắt đầu

Theo CDC châu Âu: Ngày 21/10/2016, mùa đông đang đến, và kèm theo đó là bệnh cúm gia tăng. Ước tính khoảng 50 triệu người mỗi năm có triệu chứng cúm ở các nước EU / EEA và khoảng 15.000 – 70.000 chết vì lý do liên quan đến cúm.

Ban Biên tập website Viện