ĐIỂM TIN Y TẾ TUẦN 44

VĂN BẢN PHÁP LÝ VÀ CHỈ ĐẠO

1. Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025

Ngày 18/10/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4888/QĐ-BYT “Phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 -2025”.

Đề án có mục tiêu chung là “Ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời”. (Xem chi tiết văn bản)

TIN Y TẾ NỔI BẬT TRONG TUẦN

1. Chưa ghi nhận chủng vi rút "mới lạ" gây viêm cơ tim

Viêm cơ tim (Myocarditis) là một biến chứng của bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra như: nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hoá, dị ứng... gây ra. Trong nhóm tác nhân nhiễm trùng thì viêm cơ tim có thể là biến chứng của nhiều bệnh do vi rút, vi khuẩn thông thường gây nên như vi rút cúm, Coxsackie, EV71, vi rút sốt xuất huyết Dengue, Adeno, Herpes, sởi, rubella, vi khuẩn thương hàn, bạch hầu… Như vậy bệnh viêm cơ tim chỉ là hậu quả của một bệnh nhiễm trùng khác gây nên chứ không có một loại vi rút riêng biệt nào là vi rút viêm cơ tim.

Biểu hiện bệnh viêm cơ tim diễn biến cũng hết sức đa dạng. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hồi phục hoàn toàn mà không có bất kỳ rối loạn chức năng tim, nếu viêm cơ tim nhẹ hoặc đang ở giai đoạn đầu, có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như đau ngực nhẹ hoặc khó thở khi gắng sức. Khoảng 30% số bệnh nhân sau đó phát triển bệnh cơ tim giãn. Sốc tim có thể xảy ra trong các trường hợp viêm cơ tim tối cấp nguy hiểm đe doạ tính mạng người bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Không có sự khác biệt về chủng tộc, giới tính. Các nhóm dễ mắc bệnh bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch và trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh). Bệnh ít gặp, các trường hợp mắc bệnh thường tản phát, riêng lẻ.

Thời gian gần đây, trên một số trang mạng xã hội có lan truyền thông tin về vi rút “mới, lạ” gây viêm cơ tim và dẫn đến tử vong nhanh chóng. Qua hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam và qua xác minh thông tin, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khẳng định không ghi nhận chủng vi rút “mới, lạ” gây viêm cơ tim như đồn thổi của một số trang mạng xã hội.

Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân: Khi có những triệu chứng như đau ngực và khó thở, có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm vi rút, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

TIN Y TẾ QUỐC TẾ

1. Vắc xin Ebola đầu tiên được cấp phép lưu hành

Ủy ban Dược phẩm châu Âu đã phê duyệt lưu hành vắcxin Ervebo (rVSV -G-ZEBOV-GP) phòng bệnh Ebola đầu tiên trên thế giới.

Đây là vắcxin từng được thử nghiệm trên 16.000 người 18 tuổi trở lên trong các nghiên cứu lâm sàng tại châu Phi, châu Âu và Mỹ. Vắcxin Ervebo được nghiên cứu và phát triển bởi hãng dược phẩm Merck & Co, đã được ứng dụng hiệu quả trong nỗ lực chống lại sự lây lan của Ebola tại Congo thời gian qua. Quá trình thử nghiệm vắcxin Ebola tại Congo bắt đầu từ năm ngoái, được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều hành. Trước đó, ngày 18/10, WHO ca ngợi đây là thành tựu trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Đây là loại vắcxin đã cứu sống nhiều người trong đại dịch Ebola. Quyết định mới của EU sẽ giúp nhiều người được cứu sống hơn nữa".

2. Vắcxin mới phòng bệnh lao

Các nhà khoa học cho biết vắc xin BCG phổ biến lâu nay để phòng bệnh lao thực ra chưa quá hiệu quả. Vắcxin mới được bào chế từ protein của vi khuẩn gây phản ứng miễn dịch tự nhiên cho cơ thể người, hiệu quả phòng bệnh tốt hơn BCG.

Theo các chuyên gia về bệnh lao, vắc xin mới là một "cuộc cách mạng thực sự" trong việc phòng chống lao. Điểm đặc biệt là vắcxin hiệu quả ở cả người trưởng thành nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, tác nhân chủ yếu gây bệnh lao. Vắcxin mới đã được thử nghiệm trên 3.500 người trưởng thành, kết quả an toàn và hiệu quả tức thời. Dự kiến năm 2028, vắcxin mới sẽ được sử dụng. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm hiện còn gặp nhiều thách thức. Các nhà khoa học cho rằng các thử nghiệm trên động vật không phản ánh mức độ hiệu quả của một loại vắcxin.

Ban Biên tập website Viện