Điểm tin y tế tuần 45

VĂN BẢN PHÁP LÝ MỚI BAN HÀNH

1) Điều chỉnh giá dịch vụ y tế

Sau khi xem xét, cân nhắc và điều chỉnh các mức dịch vụ y tế đồng đều trên các vùng miền, Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết định điều chỉnh tăng mức giá viện phí dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 11/2015… Theo đó sẽ tăng giá 1.800 dịch vụ y tế từ tháng 11/2015.

Theo các nhà quản lý, giá dịch vụ y tế nếu tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Giá dịch vụ y tế hiện nay mới tính một phần chi phí trực tiếp (3/7 yếu tố trực tiếp) do đó mỗi đơn vị thuộc bộ, ngành và mỗi địa phương có một bảng giá khác nhau nên giá thanh toán của BHYT đối với các bệnh viện (BV) cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật...) khác nhau gây bất bình đẳng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT... Đối với người tham gia BHYT, trước băn khoăn của nhiều người, liệu giá dịch vụ y tế được điều chỉnh có làm ảnh hưởng đến các đối tượng cần được đảm bảo an sinh xã hội hay không?... Về cơ bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn. Tuy nhiên, từ thực tiễn hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế điều chỉnh sẽ tác động mạnh đến khoảng 30% dân số chưa có thẻ BHYT. Tuy nhiên, với lộ trình thực hiện điều chỉnh viện phí như hiện nay, điều quan trọng là phải bảo đảm tăng độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải chi trả thêm. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là theo đúng lộ trình.

2) Công bố thủ tục tài chính y tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế

Ngày 04/11/2015 Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4683/QĐ-BYT công bố 03 thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính y tế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế. Theo đó, quy định việc thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc đối với các cơ sở khám, chữa bệnh (đơn vị) trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (các bộ/ngành chủ quản); quy định đối với các cơ sở khám, chữa bệnh (đơn vị) công lập địa phương trực thuộc UBND tỉnh/thành phố; và quy định đối với các cơ sở khám, chữa bệnh (đơn vị) ngoài công lập. Đồng thời quy định cụ thể trình tự; cách thức thực hiện; quy định thời hạn giải quyết; thành phần, số lượng hồ sơ; đối tượng thực hiện...

Xem toàn văn bản tại Thư viện pháp luật (Quyết định số 4683/QĐ-BYT).

3) Mức lương cơ sở từ năm 2016

Từ ngày 01/05/2016, mức lương cơ sở sẽ là 1.210.000 đồng/tháng. Đây là nội dung quan trọng được đề cập tại Nghị quyết về dự toán Ngân sách nhà nước năm 2016 (vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 11/11/2015). Theo đó, đối tượng được tăng lương là: cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội có tính chất đặc thù ở Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện, ở cấp xã và lực lượng vũ trang. Hiện nay mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng (được quy định tại Nghị định 66/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới để hiện thực hóa quy định tăng lương nêu trên.

4) Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại Hà Nội và TP.HCM

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 38/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/11/2015, sẽ tiến hành thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của TP. Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, TP.HCM lựa chọn tại mỗi thành phố 05 đơn vị hành chính cấp quận; 10 đơn vị hành chính cấp phường thuộc các đơn vị hành chính cấp quận được lựa chọn để triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Thời gian thực hiện thí điểm là 01 năm (12 tháng) kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực. Quyết định cũng nêu rõ thời hạn thanh tra như sau:

- Không quá 30 ngày với cuộc thanh tra của đoàn thanh tra do Chủ tịch UBND cấp quận quyết định, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.

- Không quá 20 ngày với cuộc thanh tra của đoàn thanh tra do Chủ tịch UBND cấp phường quyết định, trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

- Không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiến hành thanh tra với mỗi đối tượng thanh tra trong trường hợp thanh tra độc lập.

5) Chính sách đối với lao động nữ

Từ ngày 15/11/2015, Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Bộ Luật lao động về chính sách đối với lao động nữ có hiệu lực. Theo đó, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:

- Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi.

- Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

- Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.

- Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định các chế độ khác đối với lao động nữ như chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo tại nơi có nhiều lao động nữ…

TIN Y TẾ NỔI BẬT

1) Phòng chống Bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở người lớn. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Các biến chứng thường gặp của bệnh bạch hầu là viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, viêm tai giữa, viêm phổi thứ phát và suy hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Hiện tại, Bộ Y tế đang lo ngại dịch bạch hầu từ Lào có thể xâm nhập vào Việt Nam. Tính từ tháng 6 đến tháng 10-2015, Lào đã ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại 6/17 tỉnh, thành phố với 588 trường hợp mắc, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Ở Việt Nam, từ đầu năm 2015 đến nay đã ghi nhận một số trường hợp mắc tại một số thôn bản vùng sâu, vùng xa của huyện K’Bang tỉnh Gia Lai và 2 thôn thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, trong đó đã có người tử vong.

Có thể phòng ngừa bệnh bạch hầu bằng cách: Tiêm vắc xin (Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch) theo hướng dẫn của y tế. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người có dấu hiệu mắc/nghi mắc phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

2) Sử dụng vắc xin Quinvaxem

Quinvaxem là một loại vắc xin “5 trong 1” bảo vệ trẻ em chống lại 5 bệnh truyền nhiễm là: bạch hầu, uốn ván, ho gà, haemophilus cúm B và viêm gan B. Vắc xin Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định chất lượng vào năm 2006. Từ đó đến nay, vắc xin Quinvaxem đã được sử dụng tại 94 nước trên thế giới với số lượng khoảng 449 triệu liều và chưa có vắc xin thay thế. Tại Đông Nam Á, Quinvaxem được sử dụng cho các nước Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã sử dụng khoảng 24,9 triệu liều vắc xin Quinvaxem, trong đó có 3,5 triệu liều được tiêm cho trẻ. Trong quá trình sử dụng đã ghi nhận một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm ở Việt Nam là 4,5/1 triệu liều (theo WHO là 20/1 triệu liều). Thống kê của Bộ Y tế cho thấy vắc xin Quinvaxem đứng đầu trong số 3 vắc xin liên quan đến sự cố tử vong sau tiêm trong 10 tháng năm 2015. Tuy nhiên, các trường hợp tử vong này chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác.

Gần đây là trường hợp tử vong của bé N.N.T.V. (hơn 4 tháng tuổi, Tứ Kỳ, Hải Dương) hôm 27/10/2015 sau khi tiêm Quinvaxem mũi hai và uống vắc xin phòng bại liệt lần hai được Hội đồng chuyên môn khẳng định là tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm khuẩn huyết, không có bằng chứng liên quan đến vắc xin và quy trình tiêm chủng.

Vắc xin Quinvaxem là vắc xin an toàn, hiệu quả, có chất lượng tốt và chi phí hợp lý theo kết quả tiền thẩm định của WHO và hiện chưa có vắc xin thay thế, Bộ Y tế khẳng định Việt Nam tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tất cả các bà mẹ cần lưu ý thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế và tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, không chậm trễ. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để đảm bảo việc sử dụng vắc xin an toàn.

3) Người bị ung thư từ sán

Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo về người bị lây bệnh ung thư từ sán đầu tiên trên thế giới. Đó là trường hợp một người đàn ông (41 tuổi, Colombia) bị nhiễm HIV đã tử vong. Năm 2013, bệnh nhân này bị ho, sốt, cơ thể suy nhược và giảm cân nghiêm trọng. Các bác sĩ làm sinh thiết và phát hiện những tổn thương kỳ lạ trong hạch bạch huyết và phổi, giống như ung thư. Tuy nhiên xét nghiệm cho thấy không phải là ung thư ở người. Có rất nhiều tế bào sinh sôi rất nhanh nhưng các tế bào này nhỏ hơn 10 lần so với tế bào ung thư người. Các tế bào còn gắn kết lại với nhau, điều hiếm thấy ở tế bào ung thư người. Sau hàng chục xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện ra ADN của Hymenolepis nana (sán lùn). Bệnh nhân này sau đó qua đời.

4) Xếp hạng sức khỏe các quốc gia

Hãng tin Bloomberg vừa thực hiện và công bố Bảng xếp hạng sức khỏe các nước căn cứ theo các thông tin dữ liệu của 3 tổ chức Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới. Bloomberg xem xét các quốc gia có dân số từ 1 triệu người trở lên và vị trí xếp hạng được tính bằng cách lấy tổng điểm sức khỏe trừ đi các điểm nguy cơ tổn hại sức khỏe. Trong đó, điểm số sức khỏe căn cứ vào các nhân tố như tuổi thọ và nguyên nhân tử vong; và điểm số nguy cơ sức khỏe căn cứ vào các yếu tố gây tác động sức khỏe như tỷ lệ người trẻ hút thuốc, số người có lượng cholesterol tăng cao và số lượng kháng thể. Với cách xếp loại này, Singapore trở thành quốc gia đứng đầu bảng với số điểm là 89,45%, tiếp theo là Ý (89,07%) và Úc (88,33%). Việt Nam đứng thứ 62/145 với số điểm sức khỏe 51,99%. Quốc gia cuối bảng là Swaziland ở châu Phi với điểm sức khỏe 0,26%. Tuy nhiên, theo Diễn đàn kinh tế thế giới, khái niệm “khỏe mạnh” cần được hiểu với nội hàm mở rộng, có nghĩa được đánh giá theo “chất lượng cuộc sống” hơn là “tuổi thọ” của dân số.

5) Sốt xuất huyết ở thai phụ

Thai phụ T.T.H.Y. (30 tuổi, Q.2, TP.HCM) mang thai 39 tuần tuổi, bị sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu nặng đã được BV Nhân dân Gia Định, BV Bệnh nhiệt đới, BV Truyền máu - huyết học hội chẩn ngay tại bàn mổ sau khi chuyển dạ sinh vào thời điểm sốt xuất huyết ngày 6. Một bé trai nặng 3,7kg đã ra đời. Sau mổ tình trạng sức khỏe của mẹ và con đã tạm ổn định. Bé được tiếp tục theo dõi chăm sóc tại khoa bệnh lý sơ sinh.

Ban biên tập

Sponsor links (Provided by VIEPortal.net - The web cloud services for enterprises)
Thiết kế web, Thiết kế website, Thiết kế website công ty, Dịch vụ thiết kế website, Dịch vụ thiết kế web tối ưu, Giải pháp portal cổng thông tin, Xây dựng website doanh nghiệp, Dịch vụ web bán hàng trực tuyến, Giải pháp thương mại điện tử, Phần mềm dịch vụ web, Phần mềm quản trị tác nghiệp nội bộ công ty,